Tuyên Quang: Tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Hộ tịch

11/06/2012
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Hộ tịch dưới sự chủ trì của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thược.

Tham dự Hội nghị có đại biểu đại diện cho một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, công chức tư pháp - hộ tịch của 18 xã, phường thuộc địa bàn thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.

Tại Hội nghị, sau khi Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thược nêu tóm tắt sự cần thiết, bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật, gợi ý những vấn đề cần thảo luận, góp ý, các đại biểu tham dự đã tích cực tham gia góp ý về dự thảo Luật, trong đó tập trung về một số vấn đề sau:

Về hộ tịch viên, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm hộ tịch viên (Chương II): Các đại biểu đều tán thành với việc xây dựng chức danh “Hộ tịch viên” tại UBND cấp xã nhằm đảm bảo sự chuyên trách trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, góp phần giảm tải trong việc giải quyết các công việc tư pháp do công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã đang đảm nhiệm. Về tiêu chuẩn, các ý kiến đề nghị quy định tiêu chuẩn của Hộ tịch viên tương tự như các chức danh công chức cấp xã khác và cụ thể hóa về trình độ chuyên môn. Về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm hộ tịch viên một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc để chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng quy định chế độ tuyển dụng, thôi việc... theo quy định của Luật cán bộ, công chức nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức cấp xã, nhất là đối với các địa phương miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa nguồn tuyển dụng công chức cấp xã còn nhiều khó khăn.

Về thẩm quyền, thủ tục đăng ký khai sinh: Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ loại giấy tờ phải nộp, loại giấy tờ phải xuất trình, thủ tục đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú khi có người nhận là cha; bổ sung quy định trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh đối với trường hợp mang thai hộ (đẻ hộ)...; việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương của UBND cấp xã trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi; thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn cho cán bộ, công chức, người thuộc đơn vị quân đội, công an quản lý cần được điều chỉnh để thống nhất với Luật cư trú và phải phù hợp với thực tiễn.

Về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: Thủ tục UBND cấp xã xin ý kiến của Sở Tư pháp đối với trường hợp cần phải xác minh hoặc có khiếu nại, tố cáo (Điều 26) chưa hợp lý, mà cần quy định trách nhiệm này thuộc về UBND cấp huyện hoặc Phòng Tư pháp (cơ quan cấp trên trực tiếp của UBND cấp xã) cho phù hợp với phân cấp quản lý theo địa bàn lãnh thổ.

Về đăng ký thay đổi hộ tịch khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 37): Thủ tục đăng ký thay đổi hộ tịch đối với trường hợp người bị tuyên bố mất tích, hoặc tuyên bố đã chết, tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người có thay đổi hộ tịch không thể (đối với người mất tích, chết, mất năng lực hành vi dân sự) hoặc khó có thể (đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự) liên hệ với UBND cấp xã để thực hiện việc đăng ký vào sổ hộ tịch cá nhân, vì vậy dự thảo Luật cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.

Về thẩm quyền, thủ tục đăng ký khai tử đối với trường hợp chết trên phương tiện giao thông (Điều 42:) không phải trong trường hợp nào cũng có thể lấy chữ ký của ít nhất hai người cùng đi trên phương tiện giao thông đó (như đi tắc xi, hoặc trên phương tiện giao thông chỉ có 1-2 người), vì vậy dự thảo Luật cần chỉnh sửa quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Về cấp lại sổ hộ tịch (Chương IV): Có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định về cấp đổi sổ hộ tịch cá nhân (đối với trường hợp Sổ bị hư hỏng, không thể sử dụng được); thu hồi, hủy sổ hộ tịch cá nhân khi phát hiện một người có 2 sổ hộ tịch cá nhân, hoặc sổ hộ tịch cá nhân được cấp không đúng thẩm quyền, hoặc sổ hộ tịch cá nhân bị sửa chữa, tẩy xóa không đúng quy định; đồng thời bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp khi cấp lại, cấp đổi... sổ hộ tịch cá nhân mà phát hiện thông tin ghi trong sổ hộ tịch với sổ hộ tịch cá nhân có khác nhau.

Về sửa chữa sai sót do ghi chép trong sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch (Điều 62): Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định khi phát hiện có sự khác nhau giữa các loại giấy tờ hộ tịch, hoặc giữa sổ bộ hộ tịch với sổ hộ tịch cá nhân... thì thông tin trong loại giấy tờ nào được xác định là gốc hoặc là cơ sở pháp lý được lựa chọn để sửa chữa...

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh (Điều 69): Có ý kiến đề nghị bổ sung cho UBND cấp tỉnh nhiệm vụ, quyền hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình HĐND cùng cấp ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch theo thẩm quyền được phân cấp.

Ngoài ra, để bảo đảm sự công khai minh bạch trong đăng ký hộ tịch, các ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp cần tiếp tục chỉnh sửa các điều có quy định thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch theo hướng quy định rõ số lượng giấy tờ, hồ sơ phải nộp/xuất trình, thời gian giải quyết ở từng cơ quan, từng cấp; người tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra ngay tính hợp lệ, nếu đúng thì giải quyết ngay hoặc có Phiếu nhận hồ sơ và hẹn thời gian trả kết quả, nếu chưa đúng, chưa đủ hồ sơ thì trả lại hồ sơ để hoàn chỉnh, bổ sung.

Trang Tuyên