Kon Tum: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hộ tịch

10/04/2012
Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

Thành phần tham dự Hội nghị là các thành viên Ban chỉ đạo tổng kết công tác hộ tịch cấp tỉnh; Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; Lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở và tương đương. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đối với công tác hộ tịch nên về cơ bản công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tạo thuận lợi cho nhân dân, giải quyết kịp thời, nhanh chóng các yêu cầu trong lĩnh vực hộ tịch, góp phần không nhỏ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, bố trí cán bộ công chức thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã được cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp quan tâm tạo điều kiện thuận lợi góp phần quan trọng, quyết định đưa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn từng bước đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả, chính xác, giải quyết kịp thời cho công dân khi đến đăng ký hộ tịch. Từ năm 1987 đến nay, tỉnh Kon Tum đã đăng ký khai sinh cho 272.290 trường hợp, đăng ký kết hôn cho 61.410 trường hợp, đăng ký khai tử cho 13.305 trường hợp.

Đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố và Sở Tư pháp đã bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hộ tịch. Mỗi đơn vị cấp xã có từ 01 đến 02 cán bộ tư pháp - hộ tịch, có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nhân dân, cơ bản cán bộ tư pháp - hộ tịch đảm nhiệm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đều có trình độ Trung cấp Luật trở lên, đáp ứng được yêu cầu công việc. Cán bộ tư pháp - hộ tịch hàng năm đều được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Tư pháp tổ chức. Bên cạnh kết quả đã đạt được, cũng còn không ít khó khăn như về cơ sở vật chất một số địa phương đầu tư cho công tác hộ tịch còn hạn chế; trang thiết bị làm việc chưa đầy đủ; trình độ công chức tư pháp - hộ tịch chưa đồng đều, chưa đủ biên chế để thực hiện nhiệm vụ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tham gia đóng góp xây dựng Luật Hộ tịch trong thời gian tới như mô hình, hệ thống cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch; nhiệm vụ của từng ngành trong việc chia sẻ thông tin về hộ tịch, quy định thủ tục, thời gian của việc cung cấp thông tin hộ tịch, quy định chế tài đối với những trường hợp vi phạm; về tổ chức, quản lý cơ sở dữ liệu về hộ tịch, trong đó, việc tin học hóa đăng ký và quản lý hộ tịch là một yêu cầu tất yếu. Vấn đề về mã số công dân cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận hiện trên thế giới nhiều nước đã thực hiện cấp mã số cho công dân dưới các hình thức khác nhau như số an sinh xã hội, thẻ căn cước thông minh để quản lý dân cư. Theo đó, với mã số công dân các cơ quan chức năng đã có thể dễ dàng thu thập các thông tin thiết yếu về nhân thân của một cá nhân. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc cấp mã số công dân là điều cần thiết. Như vậy, thay vì mang rất nhiều loại giấy tờ như hiện nay, người dân chỉ cần cung cấp mã số công dân là các cơ quan chức năng có thể nắm được những thông tin cơ bản của từng người. Quá trình cấp mã số công dân sẽ được thực hiện theo quy định chuyển tiếp, chỉ thực hiện cấp mã số công dân cho những trường hợp đăng ký khai sinh mới kể từ thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, việc xây dựng chức danh hộ tịch viên cần được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ như các chức danh tư pháp khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho người đăng ký hộ tịch như được hưởng chế độ phụ cấp, chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các giấy tờ hộ tịch do mình ký và quản lý sổ hộ tịch.../.

Minh Anh