Lai Châu: Tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch

05/04/2012
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, trong thời gian qua, Sở Tư pháp Lai Châu đã tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí giám đốc Sở Tư pháp làm Phó trưởng ban, đồng thời ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ hướng dẫn việc thống kê, tổ chức tổng kết ở cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đảm bảo các nội dung theo hướng dẫn, yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Theo số liệu của báo cáo tổng kết, hiện nay toàn tỉnh có 131 công chức Tư pháp trong đó có 97 người có trình độ trung cấp, đại học luật, số còn lại có trình độ chuyên môn khác và qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp - hộ tịch.

Từ năm 1987 đến hết năm 2010, tổng số trường hợp đăng ký khai sinh trên địa bàn tỉnh là 100.334 trường hợp trong đó số trường hợp đăng ký khai sinh lưu trong sổ hộ tịch UBND cấp xã là 94.257 trường hợp, cấp huyện là 6.075 trường hợp, cấp tỉnh là 2 trường hợp; tổng số trường hợp đăng ký kết hôn là 21.203 trường hợp, trong đó ở cấp xã là 17.589 trường hợp, cấp huyện là 3.614 trường hợp, cấp tỉnh là 3 trường hợp; tổng số trường hợp đăng ký khai tử là 3.576 trường hợp trong đó ở cấp xã là 3.375 trường hợp, cấp huyện là 3.375 trường hợp.

Hệ thống dữ liệu hộ tịch hiện nay chủ yếu ở các sổ hộ tịch và được lưu trữ tại UBND cấp xã, phòng Tư pháp và Sở Tư pháp. Sổ hộ tịch được bảo quản an toàn và sắp xếp khoa học, đảm bảo sự thuận tiện cho việc khai thác.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã có sự phối hợp tốt trong việc hướng dẫn các bộ phận ngành dọc và đối tượng thuộc quyền quản lý chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến giấy tờ nhân thân (sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với ngành Công an, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Bảo hiểm xã hội, Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội…).

Tuy nhiên, các văn bản trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch còn nhiều và tản mát, điều này gây khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch khi áp dụng để giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch của công dân. Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch còn mang tính hành chính, thủ tục rườm rà, cứng nhắc. Trong công tác này còn nhiều cấp quản lý và đăng ký (cấp tỉnh, huyện, xã) dẫn đến bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả

Lê Ngọc