Thái Nguyên: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch

03/04/2012
Ngày 30/3/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn tỉnh từ năm 1987 đến nay, đồng chí Nhữ Văn Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Để tổ chức Hội nghị tổng kết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, Sở Tư pháp Thái Nguyên đã tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng thời ban hành kế hoạch hướng dẫn việc thống kê, tổ chức việc tổng kết ở cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đảm bảo các nội dung theo hướng dẫn, yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Theo số liệu của báo cáo tổng kết, hiện nay toàn tỉnh có 203 cán bộ công chức Tư pháp - hộ tịch ở cấp xã/181 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó có 145 người có trình độ trung cấp, đại học luật, số còn lại có trình độ chuyên môn khác và qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp - hộ tịch.

Từ năm 1987 đến hết năm 2010, tổng số trường hợp đăng ký khai sinh trên địa bàn tỉnh là 403.606 trường hợp trong đó số trường hợp đăng ký khai sinh lưu trong sổ hộ tịch UBND cấp xã là 401.331 trường hợp, cấp huyện là 2.157 trường hợp, cấp tỉnh là 118 trường hợp; tổng số trường hợp đăng ký kết hôn là 144.442 trường hợp, trong đó ở cấp xã là 142.038 trường hợp, cấp huyện là 1.825 trường hợp, cấp tỉnh là 559 trường hợp; tổng số trường hợp đăng ký khai tử là 63.137 trường hợp trong đó ở cấp xã là 61.397 trường hợp, cấp huyện là 1.740 trường hợp; tổng số sổ đăng ký khai sinh hiện đang lưu trữ trong toàn tỉnh là 5038 quyển, số sổ đăng ký kết hôn là 4.348 quyển, số sổ đăng ký khai tử là 2.226 quyển.

Tổng kết hơn 25 năm triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch, trong những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã từng bước đưa công tác này vào nề nếp, đặc biệt làm cho đông đảo nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương nhận thức được tính cấn thiết và tầm quan trọng của các giấy tờ cá nhân liên quan đến nhân thân của mỗi người; các cấp, các ngành trong tỉnh đã có sự phối hợp tốt trong việc hướng dẫn các bộ phận ngành dọc và đối tượng thuộc quyền quản lý chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến giấy tờ nhân thân (sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với ngành Công an, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Bảo hiểm xã hội, Nội vụ; Lao động, thương binh - xã hội…).

Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết thực hiện các quy định của pháp luật về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh từ năm 1987 đến nay; đại biểu dự Hội nghị cũng đã thảo luận, tham gia ý kiến vào các vấn đề liên quan như công tác đăng ký khai sinh, khai tử, nuôi con nuôi, đăng ký kết hôn, hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, hồ sơ cá nhân, bảo hiểm y tế, thay đổi cải chính hộ tịch, vấn đề không thống nhất các dữ kiện liên quan đến nhân thân của cá nhân….

Qua thực tiễn của hoạt động quản lý nhà nước về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong những năm qua, cũng tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung tham gia ý kiến đề xuất các nội dung vào việc xây dựng dự thảo Luật về công tác hộ tịch như: vấn đề mô hình tổ chức và thẩm quyền của cấp trung ương, tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong đăng ký và quản lý hộ tịch; về quan hệ giữa vấn đề hộ tịch và các lĩnh vực khác; tổ chức, quản lý cơ sở dữ liệu về hộ tịch; vấn đề mã số công dân; chế độ hộ tịch viên và các vấn đề khác có liên quan…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của tỉnh đã nêu rõ: Việc tổng kết hơn 20 năm thực hiện các văn bản về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước và đời sống xã hội, tổng kết cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch từ năm 1987 đến nay nhất là các vấn đề liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện thể chế về lĩnh vực này, đồng thời trên cơ sở của việc tổng kết cần rút ra những kinh nghiệm, những mặt đặt được và chưa đạt được, nêu rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đề ra những định hướng chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp, đúng quy định của pháp luật nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về công tác hộ tịch, đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch được chính xác, đầy đủ, đúng pháp luật và kịp thời đề xuất với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương những vấn đề thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch để Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hộ tịch thực sự đồng bộ, thống nhất, nhằm đưa công tác này ngày càng toàn diện, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành ở địa phương, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Huy Hoàng - Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên