Tây Ninh: Tổ chức tổng kết 7 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND

29/03/2012
Sáng ngày 21/3/2012, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 7 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND năm 2004 trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND, Tây Ninh đã ban hành 14 văn bản QPPL gồm 1 Nghị quyết của HĐND tỉnh về kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng VBQPPL, 4 Quyết định của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục ban hành, quy chế thẩm định, kiểm tra VBQPPL, kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng VBQPPL, 9 Quyết định của UBND cấp huyện về trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của UBND cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn về trình tự thủ tục ban hành Nghị quyết của HĐND các cấp và 107 văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.

Sau 7 năm thực hiện Luật, HĐND và UBND các cấp đã ban hành 5137 văn bản quy phạm pháp luật QPPL (trong đó cấp tỉnh: 583 văn bản; cấp huyện: 934 văn bản; cấp xã: 3620 văn bản).

 Đã thẩm định 165/165 Nghị quyết HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình, 381/397 Quyết định và 1/1 Chỉ thị QPPL của UBND tỉnh. Ở cấp huyện có 82,5% văn bản QPPL của UBND huyện đã qua thẩm định. Cụ thể có 390/473 quyết định QPPL đã qua thẩm định. Các văn bản QPPL không qua thẩm định chủ yếu tập trung vào những năm đầu thực hiện Luật (2005 - 2007).

Tổ chức tự kiểm tra 1517 văn vản, trong đó có 397 văn bản QPPL và 1120 văn bản cá biệt của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, phát hiện 59/397 văn bản QPPL có sai sót hình thức, nội dung chiếm tỷ lệ 14,8%, 139/1120 văn bản cá biệt của UBND, Chủ tịch UBND có sai sót về hình thức, nội dung, thẩm quyền chiếm tỷ lệ 12,4%. Cấp huyện đã thực hiện tự kiểm tra 534 văn bản, trong đó có 102 văn bản QPPL và 432 văn bản cá biệt của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, phát hiện 37/102 văn bản QPPL có sai sót về hình thức, nội dung chiếm tỷ lệ 36,2%, 138/432 văn bản cá biệt của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện có sai sót về hình thức, nội dung, thẩm quyền chiếm tỷ lệ 31,9%.

 Cấp tỉnh đã kiểm tra 1986 văn bản trong đó có 640 văn bản QPPL và 1346 văn bản cá biệt, phát hiện 145/640 văn bản QPPL có sai sót thể thức, nội dung, thẩm quyền chiếm tỷ lệ 22,6% và 350/1346 văn bản cá biệt có sai sót thể thức, nội dung, thẩm quyền chiếm tỷ lệ 26%. Cấp huyện đã kiểm tra 1753 văn bản trong đó có 971 văn bản QPPL và 782 văn bản cá biệt, phát hiện 375/971 văn bản QPPL có sai sót thể thức, nội dung, thẩm quyền chiếm tỷ lệ 38,6% và 251/782 văn bản cá biệt có sai sót thể thức, nội dung, thẩm quyền chiếm tỷ lệ 32%. Đối với văn bản của HĐND và UBND cấp xã số lượng văn bản QPPL hàng năm không nhiều chủ yếu là Nghị quyết của HĐND cấp xã, sai sót chủ yếu là mặt thể thức.

Trong 7 năm thi hành Luật, UBND tỉnh đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo ngành Tư pháp tỉnh phối hợp với các Sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã tiến hành hệ thống, rà soát các văn bản của HĐND, UBND tỉnh ban hành từ năm 2000 đến 2011 trên 20 lĩnh vực với tổng cộng 1128 văn bản, trong đó có 232 văn bản QPPL. Qua rà soát đã phát hiện 63/232 văn bản QPPL hết hiệu lực và 22 văn bản QPPL còn chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản mới thay thế. Riêng cấp huyện, cấp xã chủ yếu thực hiện công tác hệ thống hóa chưa chú trọng đến công tác rà soát để kịp thời phát hiện các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để xử lý.

Việc ban hành văn bản QPPL nói chung và cấp tỉnh nói riêng đảm bảo đúng trình tự, quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL từ khâu lập dự kiến chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua văn bản. Nội dung văn bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và có tính khả thi cao, chất lượng các Nghị quyết HĐND, các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành không ngừng được nâng lên, tỷ lệ các văn bản có sai sót về nội dung, thẩm quyền đã giảm theo từng năm. Các văn bản QPPL được ban hành góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành trong tỉnh. Đồng thời đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Riêng đối với cấp huyện, cấp xã công tác xây dựng ban hành văn bản QPPL tuy còn một số hạn chế nhất định, nhưng bước đầu cũng đã đi vào nề nếp và không ngừng được nâng cao về mặt chất lượng.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thực tế cũng còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản QPPL còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, phần lớn các ngành các cấp bố trí cán bộ kiêm nhiệm nên chất lượng các văn bản dự thảo chưa cao, phải sửa đi sửa lại nhiều lần ảnh hưởng đến tính kịp thời của văn bản. Việc dự kiến, dự báo, xây dựng chương trình ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh chưa sát với thực tế dẫn đến số lượng văn bản được ban hành đạt tỷ lệ chưa cao so với chương trình đề ra. Việc đánh giá tác động của văn bản khi soạn thảo chưa được chú ý đúng mức.

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật cũng còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với yêu cầu thực tế. Vì cùng một lĩnh vực ban hành văn bản QPPL nhưng có hai Luật điều chỉnh đó là Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Hai văn bản này có những điều khoản chồng chéo, không thống nhất. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chậm được ban hành dẫn đến việc triển khai thực hiện Luật gặp nhiều lúng túng, bất cập, khó khăn. Kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND theo quy định tại Điều 55 của Luật chưa rõ ràng, cụ thể và chậm được hướng dẫn (Luật được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2005, nhưng đến cuối năm 2007 mới có Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện) nên trong gần 3 năm thi hành Luật không có kinh phí dành cho công tác này. Để thực hiện Luật một cách có hiệu quả trên thực tế đòi hỏi phải có một đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND có trình độ chuyên môn về pháp luật và kinh nghiệm công tác, nhưng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chỉ quy định một cách chung chung dẫn đến việc bố trí nhân lực cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu và thiếu thống nhất.

Từ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện, Hội nghị đã thống nhất việc đề xuất, kiến nghị: Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND và các văn bản có liên quan; Chính phủ sớm trình Quốc hội hợp nhất hai văn bản Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 thành một văn bản Luật chung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết về hệ thống rà soát văn bản quy định tại Điều 10 của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND và thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác xây dựng văn bản cho đội ngũ cán bộ làm công tác này tại các địa phương.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích trong 7 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND.

Hương Dâu