30 năm thành lập Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh: Lá cờ đầu của ngành Tư pháp

28/03/2012
30 năm thành lập Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh: Lá cờ đầu của ngành Tư pháp
Hôm qua - 27/3, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính; Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân; Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Huỳnh Thành Lập; đại diện các sở, ngành trên địa bàn thành phố cùng với Sở Tư pháp TP. Hà Nội và các tỉnh bạn đã đến dự.
Dịp này, Bộ Tư pháp đã quyết định tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2011 cho tập thể Sở Tư pháp TP.HCM (ảnh); tặng Kỷ chương Vì sự nghiệp tư pháp cho 42 cá nhân (cán bộ tư pháp, luật sư, hòa giải viên…) đã có nhiều công lao đóng góp, xây dựng cho ngành tư pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM tặng cờ truyền thống cho tập thể cán bộ công chức Sở Tư pháp; tặng cờ thi đua xuất sắc cho hai tập thể thuộc Sở Tư pháp TP.HCM… 
Đi đầu trong nhiều lĩnh vực
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu: “Có thể nói, Sở Tư pháp TP.HCM đã không ngừng đổi mới mình. Đó là Sở Tư pháp dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sở cũng là nơi được các Bộ, ngành tin tưởng gửi gắm để triển khai thực hiện thí điểm nhiều việc quan trọng, mới đây là thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo sự lan tỏa sang nhiều tỉnh, thành phố khác. Sở còn là đơn vị xung kích, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý trên các lĩnh vực hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp đã được đầu tư nghiên cứu, xây dựng và vận hành có hiệu quả” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm đến Sơ Tư pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn của mình, đặc biệt luôn xứng đáng là lá cờ đầu vẻ vang của ngành tư pháp. Về phần mình, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Có thể nói, Sở là một cơ quan chuyên môn giúp việc hiệu quả trong công tác xây dựng thể chế, tư vấn cho thành phố những vụ việc phức tạp cho UBND TP.HCM nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển của thành phố, là đơn vị đi đầu trong việc “lắng nghe dân để sửa mình”. 
“Gác cửa” chặt về công tác pháp luật
Bà Huỳnh Thị Mạnh – người gắn bó với ngành tư pháp thành phố trong những ngày đầu thành lập - chia sẻ: “Chúng ta đã có truyền thống, nền tảng vẻ vang, bây giờ phải tiếp tục phát huy. Làm công tác tư pháp phải có tấm lòng, phải nắm được thực tiễn trong thi hành pháp luật, lắng nghe người dân, hiểu dân cần gì... Đặc biệt, phải theo dõi thi hành pháp luật, bởi nếu không thì không thể biết được luật đi vào cuộc sống như thế nào!” 
Bà Ngô Minh Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - bộc bạch: Trước yêu cầu đổi mới toàn diện của đất nước, ngành tư pháp thành phố đã không ngừng tự đổi mới mình, từ lề lối làm việc, phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành, đến phương pháp tiếp cận xử lý công việc của từng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trải qua 30 năm, Sở đã khẳng định vai trò, vị trí là cơ quan “gác cửa” cho UBND TP.HCM về công tác pháp luật một cách hiệu quả.
 “Là một cán bộ gắn bó với Sở Tư pháp TP.HCM từ những năm đầu của thập niên 90, tôi rất vui mừng khi nhận thấy: Trải qua chặng đường 30 năm, Sở đã nỗ lực, vượt khó, thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm, luôn lấy yêu cầu thực tiễn đầy nặng động của thành phố để làm mục tiêu phấn đấu, trở thành đơn vị lá cờ đầu của ngành tư pháp Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nói về Sở Tư pháp TP.HCM. 
Theo Thứ trưởng, một số công việc nổi bật đã được Sở tham mưu, tổ chức thực hiện như: Xây dựng và đưa vào sử dụng website Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBDN với hàng ngàn văn bản đã được số hóa, xác định hiệu lực. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên giải quyết khai sinh cho trẻ ở các mái ấm, nhà mở, tạm trú không có hộ khẩu ở thành phố đã được tổ chức UNICEF khen ngợi…

Theo phapluatvn.vn