Tuyên Quang: Tổng kết thi hành pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch

26/03/2012
Ngày 23/3/2012, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch. Đồng chí Vũ Thị Bích Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Lãnh đạo UBND cấp huyện, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, đại diện Lãnh đạo UBND và công chức tư pháp - hộ tịch một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đã đánh giá kết quả đăng ký và quản lý hộ tịch, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn tỉnh từ năm 1987 đến năm 2010. Theo báo cáo đánh giá, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn lưu trữ 3.269 sổ đăng ký khai sinh, 2.801 sổ đăng ký kết hôn, 1.857 sổ đăng ký khai tử; số liệu đăng ký hộ tịch tại các sổ đăng ký hộ tịch còn lưu trữ là 240.521 trường hợp đăng ký khai sinh, 86.030 trường hợp đăng ký kết hôn, 27.154 trường hợp đăng ký khai tử. Về cơ bản, các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hộ tịch, cơ quan tư pháp từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch, đồng thời làm tốt việc đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh cũng còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, như: tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn còn nhiều; nhiều sự kiện hộ tịch phát sinh nhưng chưa thực hiện việc đăng ký, nhất là việc đăng ký khai tử; việc vi phạm các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch có nơi, có lúc còn xảy ra; sổ hộ tịch được lưu trữ không đầy đủ, nhiều trường hợp thiếu thông tin, sổ bị rách nát nhiều....

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế đó là: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, chưa kịp thời bố trí, củng cố, kiện toàn công chức tư pháp - hộ tịch, đến nay còn 11 xã chưa bố trí được công chức tư pháp - hộ tịch; trình độ chuyên môn của công chức tư pháp - hộ tịch ở một số đơn vị cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ có 102 người có trình độ chuyên môn Luật, số còn lại là trình độ chuyên môn các ngành khác, có 6 trường hợp chưa qua đào tạo; do điều kiện về địa lý của địa phương những năm trước đây thường xuyên xảy ra lũ lụt (nhiều trường hợp bị mất sổ đăng ký hộ tịch vì lũ cuốn hoặc ngập lụt), điều kiện giao thông đi lại tại các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; do phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số; do cơ sở vật chất, phương tiện làm việc nhất là ở cấp xã còn khó khăn, thiếu thốn, một số nơi chưa nối mạng Internet, máy vi tính dùng chung cho toàn bộ công việc của xã, chưa có phần mềm quản lý và đăng ký hộ tịch; các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, giá trị pháp lý thấp (chủ yếu mới chỉ ở cấp Chính phủ), một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc thiếu quy phạm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong thực tiễn.v.v...

Xác định rõ các vấn đề về hộ tịch là vô cùng quan trọng của mỗi cá nhân, để việc đăng ký và quản lý hộ tịch thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với mỗi công dân, tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu ban hành Luật Hộ tịch, trong đó quy định rõ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đăng ký hộ tịch; vấn đề cấp mã số cá nhân ngay từ khi đăng ký khai sinh; xây dựng chế định Hộ tịch viên để bảo đảm sự chuyên trách, chính xác, kịp thời cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng và ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu về hộ tịch trong phạm vi cả nước; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ về đăng ký và quản lý hộ tịch cho công chức địa phương.

Trang Tuyên