Cà Mau: Ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh

09/11/2011
Căn cứ Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP ngày 23/8/2011 về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; Công văn số 230-CV/TU ngày 27/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Tổng kết Hiến pháp năm 1992; ngày 09/11/2011 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi ký Quyết định số 1730/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh. Theo đó:

Mục đích: Đánh giá kết quả tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 1992 và các văn bản có liên quan về địa vị pháp lý, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các quy định khác liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, từ đó xác định những quy định phù hợp với thực tiễn cần được kế thừa, phát triển; những nội dung phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu đổi mới và những quy định mâu thuẩn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp cần kiến nghị, đề xuất bãi bỏ.

Về Yêu cầu: Việc tổng kết thi hành Hiến pháp phải bám sát các định hướng, yêu cầu, tiến độ được xác định tại Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP ngày 23/8/ 2011. Việc tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm cần phải được ưu tiên và tập trung chỉ đạo của các cấp. Đồng thời tạo mọi điều kiện để có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân.

Về nội  dung tổng kết: Thực hiện tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 về HĐND, UBND các cấp, mà trọng tâm là Chương IX và các chương khác có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND. Khi đánh giá tổng kết cần phải gắn với việc thi hành Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 và các quy định khác có liên quan. Nội dung đánh giá cần tập trung làm rõ các vấn đề: (1) Tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Hiến pháp năm 1992 tại từng cơ quan, đơn vị, ngành và địa phương; (2) Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND; của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND; (3) Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về mối quan hệ giữa: HĐND, UBND cấp tỉnh với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ; HĐND với UBND, Chủ tịch UBND; HĐND các cấp và UBND các cấp; (4) Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về tổ chức HĐND, UBND theo cấp hành chính; (5) Các quy định khác của Hiến pháp có liên quan đến tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND.

Ngoài ra, căn cứ Kế hoạch của Chính phủ về việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 ban hành kèm theo Quyết định số 1694/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành: Tư pháp; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Ngoại vụ; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo ngoài tổng kết theo các nội dung Kế hoạch này còn thực hiện tổng kết báo cáo chuyên đề theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

Về phương pháp tổng kết: Tổ chức tổng kết Hiến pháp 1992 được tiến hành tại cơ quan, đơn vị từ cơ sở đến cấp tỉnh, với hình thức gọn, tiết kiệm và phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện khảo sát, đánh giá việc thực thi các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các quy định khác liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND được quy định cụ thể tại Chương IX và các Chương có liên quan. UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng kết và phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp tham mưu thành lập Tổ giúp việc (Phòng Tư pháp là thường trực), phân công các cơ quan, đơn vị  tổ chức thực hiện kế hoạch đó. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện tổng kết, báo cáo kết quả về huyện và tổng hợp, xây dựng báo cáo, tổ chức tổng kết trên địa bàn huyện; hoàn chỉnh báo cáo gửi về tỉnh theo quy định. Nội dung đánh giá tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của HĐND, UBND các cấp theo Mục II Kế hoạch này và báo cáo dựa trên Đề cương báo cáo theo Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 1694/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về tiến độ thực hiện:  Đối với cấp xã: UBND cấp xã tổ chức tổng kết phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và hoàn chỉnh báo cáo gửi về UBND huyện trước ngày 20/11/2011.  Đối với cấp huyện, UBND cấp huyện hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và UBND cấp xã tổ chức việc tổng kết Hiến pháp 1992 trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và hoàn chỉnh báo cáo gửi về HĐND, UBND huyện (thông qua Phòng Tư pháp) để tổng hợp, phân tích, xây dựng báo cáo và tổ chức tổng kết trên địa bàn, Thường trực HĐND huyện hoàn chỉnh báo cáo gửi về thường trực Tổ giúp việc (Sở Tư pháp) trước ngày 30/11/2011, để kịp thời tổng hợp báo cáo chung theo quy định. Đối với cấp tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tổ chức tổng kết Hiến pháp tại cơ quan, đơn vị, ngành mình với các hình thức phù hợp và hoàn chỉnh báo cáo gửi về Thường trực Tổ giúp việc (Sở Tư pháp) trước ngày 25/11/2011; Tổ giúp việc tổng hợp gửi về Chủ tịch UBND tỉnh (qua Chánh Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 07/12/2011; Chủ tịch UBND tỉnh xem xét thông qua và gửi cho Thường trực HĐND tỉnh (qua Chánh Văn Phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh) trước ngày 10/12/2011; Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, xây dựng báo cáo và tổ chức tổng kết, hoàn chỉnh báo cáo gửi về Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước ngày 15/12/2011.

Về tổ chức thực hiện: Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho Sở Tư pháp, các cơ quan, ban, ngành có liên quan, UBND cấp huyện và cấp xã.

Về Kinh phí thực hiện: Kinh phí hoạt động của Tổ giúp việc cấp tỉnh do ngân sách cấp tỉnh bảo đảm và bố trí bổ sung vào kinh phí hoạt động cho Sở Tư pháp. Kinh phí hoạt động Tổ giúp việc cấp huyện do ngân sách cấp huyện bảo đảm và bố trí bổ sung vào kinh phí hoạt động cho Phòng Tư pháp. UBND cấp xã đảm bảo kinh phí cho hoạt động tổng kết của cấp mình, chủ động sử dụng kinh phí dự phòng được giao năm 2011 để thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có những khó khăn, vướng mắc các cơ quan phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp - Phòng Xây dựng và Thi hành văn bản QPPL để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.

Thùy Trang