Quy chế kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Điện Biên

09/11/2011
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, này 4/11/2011, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND về ban hành Quy chế kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh.

Quy chế gồm 6 Chương, 48 Điều quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Điều 1 quy định về Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên ban hành. Quy chế điều chỉnh cả hoạt động tự kiểm tra văn bản của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành là dựa trên căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP, bảo đảm cơ chế phối hợp giữa Ban Pháp chế HĐND tỉnh với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác tự kiểm tra văn bản do HĐND tỉnh ban hành. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là cấp huyện), HĐND, UBND xã, phường, thị trấn (gọi là cấp xã), các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên ban hành. So với quy định trong các văn bản do cơ quan cấp trên ban hành làm rõ hơn về mục đích rà soát, hệ thống hóa văn bản; bổ sung mục đích của kiểm tra, xử lý văn bản là “nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng, thẩm định, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản”. Đồng thời, cũng phân định rõ thẩm quyền của Ban Pháp chế HĐND các cấp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong tự kiểm tra các văn bản do HĐND cùng cấp ban hành. Theo đó, các văn bản do HĐND ban hành sẽ do Ban Pháp chế HĐND cùng cấp đảm nhiệm việc tự kiểm tra. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp không trực tiếp giúp HĐND cùng cấp tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND ban hành như trước đây mà tham gia với tư cách là cơ quan phối hợp với Ban Pháp chế của HĐND; đồng thời làm rõ trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản với cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình kiểm tra, xử lý văn bản; bổ sung các nội dung liên quan đến hồ sơ kiểm tra văn bản.

 Về trách nhiệm kiểm tra, xử lý văn bản, trong đó quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản, của cơ quan chuyên môn thuộc UBND và cán bộ, công chức trong kiểm tra, xử lý văn bản; Trách nhiệm gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra văn bản để tự kiểm tra hoặc kiểm tra theo thẩm quyền. Đây là nội dung mới so với quy định trong các văn bản do cơ quan Nhà nước cấp trên ban hành nhằm cụ thể hóa và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong kiểm tra xử lý văn bản; kịp thời phát hiện những văn bản có nội dung trái pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản trong việc gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền tự kiểm tra và cơ quan kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, bảo đảm 100% văn bản sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành đều được kiểm tra theo quy định.

Về trách nhiệm, trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản và các hình thức xử lý văn bản trái pháp luật. So với quy định trong các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục (quy trình) xử lý đối với từng loại văn bản; cụ thể hóa trách nhiệm của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về thời gian, nội dung, tiêu chí rà soát, hệ thống hoá; Sắp xếp nội dung danh mục văn bản và phân loại văn bản rà soát, hệ thống hoá; căn cứ tiến hành rà soát; các hình thức hệ thống hoá; quy trình rà soát, hệ thống hóa; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hóa và trách nhiệm của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện; những hành vi vi phạm pháp luật trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản; tổ chức, biên chế và kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; chế độ báo cáo 6 tháng, hàng năm và sửa đổi, bổ sung Quy chế.

Ngoài ra, kèm theo Quy chế là một số biểu mẫu, danh mục, mẫu báo cáo về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản để thuận tiện trong áp dụng.

Dương Yến