Sở Tư pháp Đà Nẵng với một số nội dung trọng điểm triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”

28/11/2006
Luật Phòng, chống tham nhũngLuật thực hành tiết kiệm chống lãng phí được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, trong những năm qua, lãnh đạo Sở đã luôn quan tâm chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt Chỉ thị 11 và Nghị quyết 09 của Thành uỷ Đà Nẵng về tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân trong cán bộ, đảng viên và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đã đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của ngành như:

Sở rất chú trọng đến việc triển khai thực hiện mô hình”một cửa” trong cải cách thủ tục hành chính do UBND thành phố đề ra. Sở đã xây dựng và tổ chức triển khai đạt hiệu quả quy trình giải quyết hồ sơ, công việc cho công dân trong 02 lĩnh vực: hộ tịch, công chứng. Theo đó mọi hồ sơ về hộ tịch đều giải quyết kịp thời theo quy trình “một cửa” ở tổ tiếp nhận và trả hồ sơ, mọi công việc công chứng đều được giải quyết nhanh chóng qua “một cửa” ở từng phòng Công chứng viên. Cùng với việc cải tiến biểu mẫu, đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết cho công dân, ngành Tư pháp luôn chú trọng đến thái độ phục vụ lịch sự, văn minh, tác phong, lề lối làm việc khoa học, chặt chẽ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trực tiếp nhận và giải quyết công việc cho nhân dân. Thực hiện Đề án cải các thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, Sở Tư pháp đã loại bỏ 05 thủ tục, 07 loại hồ sơ, giấy tờ; thời gian giải quyết được rút ngắn còn khoảng 50 đến 70% so với quy định, tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần hây bị gây khó khăn, phiền hà hầu như không còn. Bên cạnh đó Lãnh đạo Sở còn đề ra chủ trương “5 không” của ngành là: không nhận hối lộ; không nhũng nhiễu; không hách dịch; không vô trách nhiệm; không lãng phí thời gian và của cải”. Nếu cán bộ, công chức nào mà bị nhân dân phản ánh 2 lần trong một năm về chủ trương “5 không” thì CBCC đó bị đình chỉ công tác để kiểm điểm hoặc chuyển sang bộ phận công việc khác và xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời thực hiện quy định: cán bộ, công chức nào giải quyết chậm công việc của dân phải đến tận nhà để xin lỗi và đưa kết quả cho công dân… Việc triển khai kịp thời, kiên quyết, nhất quán của lãnh đạo Sở như trên đã đưa các hoạt động của Sở ngày càng vào nề nếp, tạo nên ý thức phục vụ nhân dân của CBCC ngành ngày càng tốt hơn.

Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra xử lý văn bản QPPL, phổ biến giáo dục pháp luật, công chứng, hộc tịch, luật sư, Thi hành án dân sự… đều là những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức và công dân… do vậy lãnh đạo Sở Tư pháp đặt vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ với công việc.

Để triển khai có hiệu quả đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm trước, trong thời gian tới, Sở Tư pháp Đà Nẵng tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng điểm như sau:

- Đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các Chi bộ, Đảng bộ, các Hội, đoàn thể về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp để qua đó phát hiện, kiến nghị bãi bỏ các quy định không phù hợp, không chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, bất cập tạo kẽ hở dẫn đến tham nhũng. Tiến hành ra soát các văn bản QPPL của UBND thành phố để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, loại bỏ những quy định không còn phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trong đó rà soát, cải tiến, rút gọn các loại biểu mẫu trong công tác công chứng, chứng thực; niêm yết công khai các thủ tục, thời gian, lệ phí để phục vụ tốt yêu cầu phục vụ nhân dân; công khai dường dây nóng, củng cố các hòm thư góp ý giúp nhân dân giám sát, phản ánh kịp thời nhằm chống những hành vi nhũng nhiễu, hạch sách của CBCC.

- Thực hiện công khai, minh bạch trong mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng tài chính của đơn vị; Thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ; cụ thể hoá các tiêu chuẩn, chế độ, định mức trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm (như chế độ tiếp khách, xe cộ, văn phòng phẩm, v.v…)

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 09 và Chỉ thị 11 của Thành uỷ Đà Nẵng trong cán bộ, công chức; Thực hiện công khai, minh bạch trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức; việc quy hoach, đào tạo, bổ nhiệm, chuyển ngạch, luân chuyển, điều động, khen thưởng, cho thôi giữ chức vụ, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ, công chức cơ quan; Tiến hành rà soát, đánh giá và sắp sếp bố trí lại đội ngũ cán bộ công chức; điều động cán bộ phù hợp với yêu cầu công việc; phân công cán bộ công chức từng bộ phận đảm nhận công việc phù hợp với trình độ, khả năng đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân nhanh, kịp thời, chính xác. Chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo, đặc biệt đối với những đơn thư phản ánh có biểu hiện liên quan đến tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong ngành; xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, tham nhũng; đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.

(Trần Thị Hường)