Tỉnh Cà Mau: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng mạnh về cơ sở

27/11/2006
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các Chương trình hành động quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật, năm 2006 công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Cà Mau tiếp tục được tăng cường, hướng mạnh về cơ sở.
Để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, năm 2006 nhiều kế hoạch liên tịch đã được Sở Tư pháp phối hợp ký kết với các ngành như kế hoạch liên tịch với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên và Hội Luật gia tỉnh; Sở Giáo dục đào tạo, Sở Văn hóa thông tin… Đồng thời chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch đã ký từ các năm trước như kế hoạch tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; kế hoạch xây dựng Câu lạc bộ điểm về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại thị trấn Sông Đốc; kế hoạch tập huấn nghiệp vụ hòa giải cơ sở...
Việc tổ chức triển khai, tập huấn các văn bản pháp luật mới được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm, lồng ghép dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Kết quả toàn tỉnh tổ chức triển khai: 16.782 cuộc, 669.323 lượt người dự. Trong đó: cấp huyện và cấp xã tổ chức tuyên truyền 3.368 cuộc (tăng 13,6% so cùng kỳ năm 2005), có 159.640 lượt người dự (tăng 39% so cùng kỳ).
Việc triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ nên việc tuyên truyền, phổ biến Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng được chú trọng đáng kể. Tính đến nay toàn tỉnh đã triển khai 54 cuộc cho hơn 4.500 lượt người tham dự.
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, năm 2006 Sở Tư pháp Cà Mau đã phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức 04 đợt tuyên truyền pháp luật lưu động ở 04 cụm xã với chủ đề phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em; tội phạm ma túy và bài trừ tệ nạn xã hội đã thu hút hàng trăm lượt cán bộ, nhân dân tham dự. Phối hợp tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu Luật giao thông đường thuỷ nội địa (tổ chức tại 04 huyện); 02 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong học đường; 01 cuộc thi tìm hiểu Bộ luật lao động; 05 cuộc thi tìm hiểu pháp luật đất đai trong nông dân… thu hút hơn 12.500 lượt người tham gia. Liên đoàn lao động tỉnh có nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Bộ luật lao động, Luật phòng chống mại dâm, ma túy…Ở U Minh có sáng kiến xây dựng tổ hoà giải ở các Lâm ngư trường vừa làm nhiệm vụ hoà giải các tranh chấp, vừa tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các cam kết theo hợp đồng đã ký với lâm ngư trường. Lãnh đạo UBND huyện U Minh tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp xuất bản “Trang tin pháp luật” ra hàng quý, mỗi kỳ 3.000 bản phát hành đến tận khóm, ấp và người dân. Hội phụ nữ có sáng kiến lồng ghép tuyên truyền Luật đất đai, Luật Hôn nhân- gia đình… trong các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ phụ nữ ở cơ sở; mở các lớp tập huấn công tác hội kết hợp tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũngLuật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho hàng trăm phụ nữ ở khóm, ấp. Lực lượng đoàn viên thanh niên có kế hoạch thường xuyên tổ chức các đợt ra quân giữ gìn trật tự an toàn giao thông; về nguồn giúp đỡ bà con nghèo, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới… Điều đáng nói ở đây là năm 2006 Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức nhiều đoàn, nhiều đợt đi kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Qua đó vừa nắm chặt tình hình, vừa giúp địa phương tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác cũng được duy trì và phát triển. Bản tin Tư pháp Cà Mau nâng số kỳ và số lượng phát hành với 11 kỳ phát hành, mỗi số có 2.000 quyển; hối hợp mở chuyên trang pháp luật trên các báo, bản tin chuyên ngành thuế, giáo dục sức khỏe, tuổi trẻ Cà Mau, khoa học công nghệ, thông tin Công đoàn… Biên soạn 1.000 quyển tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải cơ sở; 1.500 quyển Hỏi – đáp pháp luật phổ thông (Tập 1); cung cấp hơn 1.500 quyển sách pháp luật các loại; nhân bản 2.700 bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật mới; phát hành hơn 15.000 tờ rơi, tờ gấp các loại.
Xây dựng và củng cố 97 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; 159 tủ sách các ngành cấp huyện, 727 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học cấp tỉnh; 54 bưu điện văn hóa xã… mỗi tủ sách có từ 60 đến 150 đầu sách. Các điểm Bưu điện Văn hóa xã và phòng đọc các cơ quan đã đầu tư nhiều sách pháp luật, phục vụ thiết thực, thu hút cán bộ và nhân dân đến tìm hiểu pháp luật ngày càng nhiều hơn. Năm 2006, Sở Tư pháp đã chi từ kinh phí PB-GDPL số tiền 2.500.000 đồng hỗ trợ cho 6/8 xã mới tách 264 đầu sách các loại.
Có thể nói năm 2006 là năm gặt hái nhiều thành công của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Cà Mau. Kết quả đó phản ánh sự nỗ lực của các cấp các ngành trong tỉnh, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; có kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp thực tế cuộc sống.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TWcủa Bộ chính trị, vừa qua Sở Tư pháp đã tham mưu cho Tỉnh uỷ xây dựng “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2006-2010”. Để thực hiện có kết quả kế hoạch này các ngành các cấp ở Cà Mau cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đạt được kết quả ngày càng tốt hơn.. Để thực hiện có kết quả kế hoạch này các ngành các cấp ở Cà Mau cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đạt được kết quả ngày càng tốt hơn.
Nguyễn Sơn - STP Cà Mau