Đăng ký khai sinh lưu động, hình thức cần nhân rộng ở các huyện miền núi và hải đảo

20/11/2006
Đăng ký khai sinh là một trong những quyền cơ bản đầu tiên của trẻ em, đối với Quảng Ngãi thì công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em thời gian qua được UBND các cấp quan tâm, đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch được đào tạo Trung cấp Luật và bồi dưỡng về nghiệp vụ đăng ký hộ tịch nên hàng năm tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em trong toàn tỉnh tăng lên

Năm 2003 đăng ký 20.771 trường hợp (11.495 trường hợp đúng hạn, quá hạn 9.276 trường hợp); năm 2004 đăng ký 22.733 trường hợp (đúng hạn 13.024, quá hạn 9.709 trường hợp); năm 2005 đăng ký 30.087 trường hợp (đúng hạn 19.391 trường hợp, quá hạn 10.696 trường hợp). Như vậy số trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh đạt tỷ lệ khá, nhưng việc đăng ký khai sinh quá hạn còn phổ biến, trong đó phần lớn là trẻ em đã đến tuổi đi học lớp một (6 tuổi). Các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ đăng ký khai sinh so với số trẻ em sinh ra trên thực tế bình quân đạt khoảng 70% (đồng bằng trên 95%). Việc đăng ký khai sinh ở các vùng này có trường hợp không phải do cha, mẹ các em tự đi khai sinh mà do giáo viên chủ nhiệm lập danh sách học sinh của lớp mình sau đó đến UBND xã để xin cấp bản sao Giấy khai sinh. Vì vậy khi đăng ký khai sinh UBND cấp xã cũng không vào sổ đăng ký nên dẫn đến không có tên trong sổ lưu đăng ký khai sinh, do vậy đến nay việc cấp bản sao giấy khai sinh từ sổ đăng ký khai sinh gặp nhiều khó khăn. Hệ quả của các việc làm nói trên đã dẫn đến việc đăng ký khai sinh bị sai sót, thiếu các nội dung quy định, công dân tự ý sửa chữa và tẩy xoá và thậm chí có những trường hợp một trẻ em được cấp nhiều bản chính Giấy khai sinh mà trong đó họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh khác nhau dẫn đến hộ khẩu thường trú, Chứng minh nhân dân, Học bạ, Bằng tốt nghiệp không thống nhất với nhau…đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, hộ khẩu, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi…cũng như gây phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Qua rà soát, đánh giá thực trạng và thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em tại các huyện miền núi và hải đảo do Sở Tư pháp Quảng Ngãi tiến hành trong năm 2006, trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh chủ yếu là do những nguyên nhân sau:

1. Công tác, phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch ở các địa phương này thưc hiện chưa tốt nên nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa thấy được ý nghĩa pháp lý và tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh. Họ chỉ quan niệm rằng đăng ký khai sinh như là một thủ tục hành chính để cho trẻ em được đến trường học. Từ nhận thức như vậy nên người dân không tự giác đi đăng ký khai sinh cho con mình, chỉ đến khi nào con đã đến tuổi đi học thì họ mới đến Uỷ ban nhân dân xã đăng ký khai sinh.

2. Sự quan tâm của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với công tác đăng ký hộ tịch còn chưa đúng mức, thậm chí có xã lãnh đạo còn khoán trắng công tác này cho cán bộ Tư pháp hộ tịch mà không tạo điều kiện cả về kinh phí, cơ sở vật chất nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ có khó khăn…

3. Đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch ở cấp xã còn nhiều hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ và năng lực làm việc; rất thụ động trong công việc. Mặt khác, địa bàn rộng nên không thường xuyên đi xuống tận thôn, bản, làng để phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch đồng thời nắm được những sự kiện hộ tịch phát sinh và hướng dẫn cho công dân thực hiện.

Một số xã miền núi cán bộ Tư pháp hộ tịch chưa được đào tạo Trung cấp luật, trong khi đó còn phải kiêm nhiệm nhiều khác như văn phòng, công an, xã đội... và thường xuyên thay đổi theo các nhiệm kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân.

4. Các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng trước đây theo Nghị định số 83 chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thiếu cụ thể, chỉ được đăng ký khai sinh cho trẻ em theo nơi thường trú của người mẹ; thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ em quá ngắn chỉ có 30 ngày, đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với tập quán của người dân.

5. Việc một số UBND cấp xã tự đưa ra quy định về phạt tiền khi sinh con thứ ba trở lên hoặc buộc cha, mẹ phải thực hiện các nghĩa vụ như lao động công ích, giao thông nông thôn, nộp thuế. Vì vậy, nhiều trường hợp người dân do sợ bị phạt tiền nên đã không đi đăng ký khai sinh cho con mình và thậm chí có trường hợp sợ bị phạt tiền vì đăng ký quá hạn nên đã khai sinh cho con không đúng với năm sinh thực tế.

Từ thực trạng như trên, để công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em nói riêng và công tác quản lý, đăng ký hộ tịch ở các huyện miền núi và hải đảo được hiệu quả trước hết cần làm tốt các nhiệm vụ sau:

1. Về phía Nhà nước thì UBND các cấp trong đó đặc biệt là UBND cấp xã phải thường xuyên chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế cũng như là kinh phí cho công tác đăng ký hộ tịch. Các cấp, các ngành cần thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký hộ tịch bằng nhiều hình thức để cho cha, mẹ và người có trách nhiệm hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh, trẻ em được đăng ký khai sinh sẽ làm cơ sở, điều kiện để thực hiện các quyền quan trọng khác như quyền có họ, tên, quyền được khám chữa bệnh, quyền được học tập…Mặt khác nghiêm cấm việc tự đưa ra quy định về phạt tiền khi thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em.

2. Thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch nhất là ở cấp xã có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, có phẩm chất, nhiệt tình với công tác và yêu nghề. Thực tế đã cho thấy ở nơi nào cán bộ chuyên trách về hộ tịch có đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ và nhiệt tình thì ở đó công tác hộ tịch sẽ làm rất tốt, tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em rất cao.
Người cán bộ tư pháp hộ tịch phải tích cực, thường xuyên đi xuống địa bàn khu dân cư, bám sát dân, chủ động đến với họ để phát hiện và đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch phát sinh ở địa phương, không thể chỉ làm việc theo lối ngồi chờ dân tại trụ sở để giải quyết. Tuy nhiên để làm được như vậy thì Nhà nước cần có chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ tư pháp hộ tịch mà đặc biệt là đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa địa bàn dân cư rất rộng.

3. Cán bộ tư pháp hộ tịch phải chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể như Công an, Phụ nữ, Y tế, Dân số, Đoàn thanh niên…tuyên truyền, phổ biến pháp luật để lôi cuốn người dân và hình thành cơ chế ràng buộc như trẻ em sinh ra để được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí thì phải hướng dẫn đến cán bộ tư pháp hộ tịch để đăng ký khai sinh; Công an khi đăng ký hộ khẩu thường trú cho trẻ em thì hướng dẫn công dân phải đăng ký khai sinh trước.

4. Đối với khu vục miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, địa bàn rất phức tạp, điều kiện kinh tế chưa phát triển nên việc đi lại của công dân rất khó khăn thì hình thức đăng ký lưu động về từng bản, làng là thích hợp nhất. Vì vậy, cán bộ tư pháp hộ tịch phải có lịch định kỳ hàng tháng, vào một ngày nhất định đến tận nhà dân để đăng ký các sự kiện hộ tịch xảy ra trên địa bàn quản lý. Việc đăng ký khai sinh lưu động cần thông báo cho người dân biết trước và thiết nghĩ trong những năm tới cần phải hoàn thiện hình thức đăng ký lưu động này để nhân rộng cho các địa phương khác thực hiện.

Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên công tác quản lý, đăng ký hộ tịch ở các huyện miền núi và hải đảo sẽ dần đi vào nề nếp, ổn định và hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước./.

Cao Nguyên