Sở Tư pháp Ninh Bình: Hoàn thành dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW.

18/11/2006
Thực hiện công văn số 333-CV/NCTW ngày 17/10/2006 của Ban Nội chính Trung ương về việc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Sở Tư pháp Ninh Bình vừa phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy hoàn thành dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số: 32-CT/TW trình Ban thường vụ Tỉnh ủy với những nội dung chủ yếu sau:

* Một số kết quả cụ thể:

1 Về nhận thức:

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW đã góp phần tạo ra sự đổi mới về nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cho đến cán bộ, công chức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác này được xác định là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị tư tưởng.


2. Công tác xây dựng các văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW

- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 11/6/2004 để lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện;

- UBND Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/2004/CT-UBND ngày 26/3/2004 về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW;

- Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ( sau đây viết tắt là HĐPH) đã ban hành 03 bản Kế hoạch tuyên truyền pháp luật, 01 Kế hoạch chuyên đề phục vụ nhiệm vụ bầu cử đại biểu HĐND ba cấp nhiệm kỳ 2004-2009 và 18 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp trong công tác phối hợp phổ biến pháp luật;

- HĐPH các ngành và các huyện, thị xã cũng đã ban hành được 37 văn bản chỉ đạo phối hợp phổ biến, giáp dục pháp luật để tổ chức thực hiện trong ngành mình, cấp mình.

3. Việc xây dựng và củng cố tổ chức và cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật:

a. Tổ chức của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

- UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập HĐPH của tỉnh gồm 18 thành viên ( năm 1998) là đại diện các ngành có liên quan, sau khi có Chỉ thị 32-CT/TW số thành viên được kiện toàn lại có 21 đồng chí do một đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Mỗi thành viên được phân công đảm nhiệm công việc phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công tác chuyên môn của ngành mình. Hàng năm các HĐPH đều tiến hành sơ kết 6 tháng, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp trong năm và định hướng nhiệm vụ công tác hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho năm sau.

- HĐPH của các huyện, thị xã được kiện toàn gồm 119 thành viên, hàng năm có sơ kết, tổng kết đánh giá và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các năm tiếp theo.

b. Kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp:

Từ năm 2000 các ngành đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh gồm 33 đồng chí. (đại diện của 8 đơn vị huyện, thị và một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh). Số báo cáo viên pháp luật cấp huyện gồm: 156 đồng chí, số cán bộ là tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn gồm 850 đồng chí. Ngoài ra, đội ngũ báo cáo viên tư tưởng văn hóa có 198 đồng chí thường xuyên tham gia công tác tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật .

Theo khảo sát và thống kê của ngành Tư pháp, đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh, huyện, thị xã (100%) có trình độ cử nhân luật hoặc có bằng đại học chuyên ngành khác nhưng đã có thời gian làm công tác pháp luật tại cơ quan, đơn vị từ 5 năm trở lên, có kỹ năng tiếp thu, truyền đạt khá tốt những nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong 3 năm qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp và đội ngũ báo cáo viên tư tưởng văn hóa đã tham gia hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến tại 690 Hội nghị với gần 75.000 lượt người tham gia học tập những nội dung cơ bản của các đạo luật mới ban hành. Báo cáo viên pháp luật của tỉnh được cấp Sổ tay báo cáo viên pháp luật do Bộ Tư pháp biên soạn, đề cương giới thiệu luật và các tài liệu có liên quan tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; duy trì tốt nề nếp sinh hoạt và tham gia tích cực, có hiệu qủa trong việc chuyển tải nội dung các văn bản pháp luật tới cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

4. Một số văn bản QPPL đã triển khai có hiệu :

Trong hơn 3 năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành, các cấp đã tích cực chỉ đạo việc triển khai các Văn bản QPPL mới được Nhà nước ban hành. Việc triển khai Luật được thực hiện thiết thực, hiệu quả và gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của các cấp, các ngành. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mỗi đơn vị có sáng tạo riêng, cách làm riêng trong công tác triển khai, phổ biến cho hội viên, cán bộ, công chức của ngành mình, đơn vị mình một cách thiết thực, hiệu quả.

Năm 2004 đã tập trung phổ biến triển khai các văn bản: Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Đất đai; Luật Biên giới quốc gia; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hợp tác xã; Luật Thủy sản; Luật Thanh tra; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Pháp lệnh cán bộ, công chức(sửa đổi); Pháp lệnh Thi hành án dân sự; Pháp lệnh Điều tra các vụ án hình sự; Pháp lệnh thú y; Pháp lệnh giống cây trồng; Pháp lệnh Giống vật nuôi; Nghị định số: 79/NĐ - CP về việc ban hành Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn…

Năm 2005 Tập trung phổ biến, triển khai các văn bản: Bộ luật hàng hải; Luật giáo dục; Luật Du lịch; Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Thương mại; Luật Dược; Luật Quốc phòng; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự; Luật Đường sắt; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân

Năm 2006 Tập trung phổ biến, triển khai: Bộ luật Dân sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư; Luật nhà ở; Luật Thanh niên; Luật Công an nhân dân; Luật Giao dịch điện tử; Luật Bảo vệ mội trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật xuất bản; Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật Điện lực; Luật An ninh quốc gia; Luật Luật sư; Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về công tác đăng ký và quản lý họ tịch…

* Đánh giá chung về kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Do làm tốt công tác quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhất là Chỉ thị 32/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 212/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên trong 3 năm qua mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có quan điểm, nhận thức đúng về vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân nâng lên đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tạo tiền đề cho ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

- Các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã chủ động phối hợp thực hiện và thực hiện có hiệu qủa Chỉ thị 32/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 212/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị có thành tích nổi bật là các huyện: Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, Kim Sơn và thị xã Tam Điệp và các ngành: Sở Tư pháp, Sở Giáo dục-Đào tạo, Công an tỉnh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh

- Với việc nhận thức đúng đắn tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TW, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành và các địa phương được đề cao trong việc phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do đó nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương sớm được chuyển tải tới các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và hiệu qủa như việc tổ chức Hội thi hoà giải viên giỏi từ thôn, xóm, xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, cấp tỉnh; cuộc thi viết về “kiến thức phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”; Hội thi “Nông dân giỏi” và các mô hình đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật .

- Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Ninh Bình còn có những mặt hạn chế cần khắc phục đó là:

+ Nhận thức của một bộ phận cán bộ, Đảng viên ở một số địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn rất hạn chế. Không ít cơ quan, ban, ngành của Đảng và chính quyền trong tỉnh còn thiếu trách nhiệm với công tác này, coi đó là trách nhiệm riêng của các cơ quan tư pháp nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, hoặc có tham gia phối hợp nhưng chỉ mang tính hình thức.

+ Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa có chế độ đãi ngộ như các chức danh tư pháp khác nên không thu hút được cán bộ có năng lực. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ báo cáo viên tư tưởng văn hóa chưa thường xuyên được cập nhật kiến thức pháp luật mới, tài liệu phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền còn thiếu. Hầu hết các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của tỉnh chưa được tập huấn về nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt đội ngũ giáo viên giảng dạy môn pháp luật, môn giáo dục công dân trong các nhà trường còn thiếu, rất nhiều giáo viên dạy kiêm nhiệm, thậm chí “dạy chay” và không có trình độ chuyên môn luật (chủ yếu do giáo viên giảng dạy môn văn và lịch sử kiêm nhiệm).

+ Kinh phí hàng năm chi cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quá thấp so với yêu cầu nhiệm vụ phải triển khai. Một số ngành được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai các văn bản luật chuyên ngành (Luật giao dịch điện tử, Luật thanh niên, Luật nhà ở, Luật các công cụ chuyển nhượng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đấu thầu, Luật Môi trường….) nhưng chưa chủ động triển khai. Khi được đôn đốc, nhiều đơn vị nêu lý do là chưa được giao nguồn kinh phí này nên không triển khai hoặc triển khai không kịp thời. Mặt khác về cơ chế, thể chế hành chính thì mới đây (15/5/2006) Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 114/2006/QĐ-TTg về chế độ hội họp đã cấm việc mở các Hội nghị tổ chức triển khai phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép cũng đã làm công tác triển khai luật có biểu hiện trùng xuống và có những hạn chế nhất định chưa thể vượt lên khi chưa sửa đổi văn bản này.

+ Cơ quan thường trực của HĐPH và các ngành thành viên chưa được quan tâm đầu tư nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (hiện tại đang thực hiện giao khoán kinh phí theo biên chế) nên việc tổ chức thực hiện các nội dung và Chương trình quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân ở xã, phường, thị trấn theo Quyết định 212/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được triển khai theo đúng tiến độ.

+ Sự phối hợp giữa HĐPH tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội ở địa phương để thông tin các vấn đề liên quan đến hoạt động lập pháp của Quốc hội, tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri... chưa thường xuyên và chưa đáp ứng yêu cầu...

(Quý Dương - Sở Tư pháp Ninh Bình)