Những khởi sắc đáng ghi nhận trong công tác ở Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế năm 2006

17/11/2006
Là tỉnh miền duyên hải thuộc khu vực Bắc Trung bộ, Thừa Thiên - Huế có địa hình tự nhiên khá thuận lợi trong việc giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2006, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã không ngừng phấn đấu, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, giành được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tư pháp nơi đây.
Kết quả công tác của Sở và ngành Tư pháp Thừa Thiên - Huế đạt được trong năm 2006 có thể đánh giá là khá toàn diện. Một số lĩnh vực hoàn thành xuất sắc theo nội dung Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và UBND Tỉnh. Tổ chức bộ máy cơ quan Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, ổn định, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Vị thế ngành Tư pháp ở địa phương được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh, các ngành trong Khối Nội chính đánh giá cao.
Ngay từ đầu năm, căn cứ Chỉ thị số 01/2006/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm cụ thể trong lãnh đạo Sở nhằm tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quản lý, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Sở duy trì chế độ giao ban công tác định kỳ giữa các đơn vị thuộc Sở và các Phòng Tư pháp cấp huyện để theo dõi tiến độ, đôn đốc thực hiện kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ; quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể quần chúng hoạt động hiệu quả.
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Bộ Tư pháp phát động, Chương trình công tác thi đua của Khối cơ quan Tư pháp các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây nguyên, Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua năm 2006 với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Với quyết tâm “cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp ra sức thi đua xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, đoàn kết hết lòng phục vụ nhân dân, gương mẫu, thực hành tiết kiệm chống lãng phí”, các các nhân, đơn vị trong Ngành đã sôi nổi thực hiện đăng ký thi đua. Từ các phong trào này đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, lãnh đạo và Hội đồng thi đua khen thưởng của Sở kịp thời biểu dương, nhân rộng nhằm động viên, khích lệ cán bộ, công chức toàn Ngành phát huy tính chủ động, sáng tạo, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác đề ra.
Về kết quả thực hiện công tác chuyên môn, đặc biệt là các công tác trọng tâm theo Chỉ thị 01/2006/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ở Thừa Thiên- Huế năm nay có nhiều khởi sắc. Trong đó, các mặt công tác nổi trội phải kể tới là: xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; phổ biến, giáo dục pháp luật; hành chính tư pháp; thi hành án dân sự. 
Trong công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL): xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn Ngành, lãnh đạo Sở đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đổi mới các quy trình nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo, thẩm định văn bản. Nếu so sánh về số lượng văn bản mà Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế đã thẩm định trong năm 2006 với các tỉnh, thành khác thì con số 50 văn bản không phải là nhiều. Nhưng điều đáng ghi nhận là năm qua, ngoài việc thẩm định, góp ý về nội dung, thể thức văn bản dưới góc độ pháp lý, các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế đã bước đầu chú ý đến tính phản biện, chú trọng phát hiện những vấn đề ở tầm chính sách, đảm bảo văn bản ban hành có tính khả thi. Vì thế, các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp được các sở, ngành đồng tình tiếp thu, UBND Tỉnh đánh giá cao về chất lượng thẩm định.
Năm 2006, Sở đã thành lập 5 đoàn kiểm tra văn bản QPPL do chính quyền cấp huyện ban hành từ 2004-2005. Qua kiểm tra 695 văn bản QPPL ở 5 đơn vị đã phát hiện 107 văn bản có sai sót về hình thức, đề nghị UBND các huyện rút kinh nghiệm; kiến nghị thu hồi 6 văn bản trái pháp luật. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với ngành Tài chính, Công an, Thanh tra của Tỉnh tiến hành kiểm tra chuyên đề các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính và văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng…
           Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL):cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Tỉnh, năm 2006, Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế đã thực hiện tốt vai trò tham mưu trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32/2003/CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 37/2004/CT/TU của Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế, các đề án thuộc Chương trình Quốc gia PBGDPL ban hành theo Nghị định số 212/2004/NĐ-CP của Chính phủ; củng cố tổ chức, kiện toàn hoạt động các tiểu ban của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, Ban điều hành các đề án.
           Công tác PBGDPL không chỉ tập trung phổ biến các văn bản mới liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn gắn việc phổ biến nội dung văn bản với tuyên truyền về thực tiễn thi hành pháp luật, kết quả xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực trọng điểm như trật tự an toàn giao thông, đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Lồng ghép việc PBGDPL vào các hình thức sinh hoạt văn hóa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hoặc hoạt động hòa giải ở cơ sở. Công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với các cấp, các ngành ở địa phương để PBGDPL được chú trọng nên đã mở rộng phạm vi đối tượng tuyên truyền, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành cùng vào cuộc với ngành Tư pháp trong công tác này. 
Trong lĩnh vực hành chính tư pháp: năm qua, Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách thủ tục hành chính với mô hình "một cửa" trong lĩnh vực công chứng, hộ tịch theo hướng đơn giản thủ tục trong các khâu tiếp nhận, thụ lý, giải quyết hồ sơ, công khai thủ tục, mức thu lệ phí…vì thế đã hạn chế được tình trạng chậm trễ, rút ngắn cơ bản thời gian giải quyết hồ sơ, được tổ chức và nhân dân đồng tình. Với số lượng công chứng viên và cán bộ có hạn nhưng do có sự phân công hợp lý nên các phòng công chứng đã đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của tổ chức và công dân, thu lệ phí đạt 170% chỉ tiêu mà UBND Tỉnh giao.
Ngay sau khi Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch được ban hành, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu với UBND Tỉnh, đồng thời chỉ đạo các phòng Tư pháp, ban Tư pháp tham mưu với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã để có thể bắt nhịp, đảm đương công việc theo các quy định mới. 
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự : do được sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc sát sao của Sở Tư pháp và Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự của Tỉnh, sự phối hợp tích cực và hiệu quả của các cấp, các ngành ở địa phương cùng sự nỗ lực của các Cơ quan thi hành án dân sự hai cấp nên công tác thi hành án dân sự ở Thừa Thiên - Huế năm 2006 đạt kết quả khá tốt. Nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm kéo dài được giải quyết dứt điểm, kết quả thi hành án cả về việc và tiền, hiện vật đạt cao. Công tác quản lý tài chính, bảo quản, xử lý vật chứng, quản lý hồ sơ nghiệp vụ, thực hiện chế độ báo cáo thống kê và giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án đều đảm bảo đúng quy định.  
 Ngoài những công tác đạt kết quả nổi trội như kể trên, các công tác khác của Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế như: trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, thanh tra, tổ chức, văn phòng…đều hoàn thành tốt nhiệm vụ theo kế hoạch công tác từ đầu năm, góp phần vào thành tích chung của Sở năm 2006.
Có được những kết quả đáng khích lệ như trên, trước hết phải nói đến sự   chủ động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở, đã bám sát mục tiêu, nội dung công việc; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời đề ra các giải pháp đôn đốc sát sao, thậm chí quyết liệt nên đã hoàn thành tốt được nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó là sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức; tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc, ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức trong Ngành.  
Với những thành tích đã đạt được trong năm 2006, sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của lãnh đạo Sở và cán bộ, công chức, hy vọng trong thời gian tới ngành Tư pháp Thừa Thiên - Huế sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Hương Giang