Được sự uỷ quyền của UBND thành phố Đà Nẵng, ngày 8/9/2006, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị sơ kết việc chuyển giao các loại án có giá trị thi hành không quá 500.000 đồng cho UBND các xã, phường trực tiếp đôn đốc thi hành.
Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Thông tư 05/2002/TT-BTP Ngày 27/2/2002 của Bộ Tư pháp về việc “Hướng dẫn chuyển giao một số vụ, việc trong thi hành án cho UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành”, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án trên địa bàn thành phố thực hiện việc chuyển giao các loại án có giá trị thi hành không quá 500.000 đồng cho UBND các xã, phường trực tiếp đôn đốc thi hành, đưa công tác này vào nề nếp và đã đạt được một số kết quả như sau: Tổng số vụ, việc chuyển giao là 3.507 việc với số tiền phải thi hành là 859.305.000đ. Kết quả đạt được tính đến ngày 30/7/2006 đã đôn đốc thi hành xong 1.704 việc, đạt tỷ lệ 48,6% về việc và đã thi hành được số tiền 238.225.000đ đạt tỷ lệ 27,7% về tiền. Thực hiện chuyển giao các vụ việc thi hành án dân sự có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND xã, phường trực tiếp đôn đốc thi hành là một công tác góp phần thực hiện chủ trương cải cách Tư pháp, cải cách hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo xu hướng hướng về cơ sở, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương. Việc chuyển giao các vụ việc trị giá dưới 500.000 đồng cho các địa phương thi hành đã góp phần làm giảm số lượng những vụ việc tồn đọng kéo dài, nhiều địa phương đã chủ động vận dụng các quy định hiện có, phù hợp với thẩm quyền và điều kiện thực tế của chính quyền cơ sở để có những biện pháp đôn đốc thi hành án hiệu quả.
Tuy nhiên số vụ việc thi hành án do UBND xã, phường đôn đốc thi hành xong còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra do đây cũng là một công việc mới mẻ đối với cơ quan thi hành án và UBND xã, phường. Nhiều nội dung phát sinh từ thực tiễn chưa được hướng dẫn, gây nên lúng túng và thiếu thống nhất khi xử lý. Bên cạnh đó, cán bộ tư pháp xã, phường phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc, lại thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển nên gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện công tác này.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kết quả đôn đốc thi hành án trong thời gian đến, đặc biệt nâng cao trách nhiệm và chất lượng việc phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan Thi hành án đối với hoạt động trực tiếp đôn đốc thi hành án của UBND xã, phường, đưa công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả.
Trần Thị Hường - Sở Tư pháp Đà Nẵng