Tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc: Cái khó bó cái khôn…

18/11/2008
Khu vực miền núi phía Bắc có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thành phần dân tộc đa dạng, sự hiểu biết pháp luật của nhân dân còn hạn chế…kéo theo những khó khăn nhất định cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ của ngành tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đặc thù này, phong trào thi đua khối cơ quan tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc không ngừng được đẩy mạnh, nhiều “sáng kiến hay, việc làm tốt” đã xuất nhiện và ngày càng được nhân rộng…

Cùng với phong trào thi đua của cả nước và Bộ tư pháp, Khu vực thi đua khối cơ quan tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc đã sớm xây dựng và phát động phong trào thi đua tại các đơn vị. Chính từ phong trào này, nhiều đơn vị đã có ngay phong trào thi đua cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương. Đơn cử như Sở Tư pháp Phú Thọ có “thi đua quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở”, Sở Tư pháp Bắc Kạn có “Mỗi cán bộ đăng ký thi đua 1- 2 sáng kiến hay, việc làm tốt”, Sở Tư pháp Hà Giang có “Nữ công hai giỏi”…

Có thể nói, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp…ở khu vực này gặp rất nhiều khó khăn so với các địa bàn khác. Để khắc phục, Lạng Sơn, Lai Châu có ngay “Dự án tăng cường đăng ký khai sinh trẻ em”; Sơn La thực hiện “Rà soát số phụ nữ, trẻ em, người có quốc tịch nước ngoài và không quốc tịch, số người kết hôn có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Lào ở khu vực biên giới”; Lào Cai có “Rà soát số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài” v.v…

Song song với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng một hệ thống văn bản tại địa phương đồng bộ, thống nhất, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng…, cơ quan tư pháp khu vực miền núi phía Bắc còn luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hình thức truyền thống thì hoạt động này càng đi vào thực chất, với nhiều hình thức mới hơn, có hiệu quả hơn như: cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên báo, truyền hình; tìm hiểu pháp luật gắn với các hoạt động văn hoá… Đặc biệt, nội dung pháp luật và hình thức tuyên truyền được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng, có đối tượng được “ưu tiên” phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, có đối tượng lại được đề cao giáo dục về luật lệ an toàn giao thông…

Xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật muốn có hiệu quả, phải tích cực phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái cho hay: Trong năm 2008, đơn vị đã phối hợp với Chi cục thuế tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật thuế”, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức cuộc thi “Phụ nữ với kiến thức pháp luật”, phố hợp với UBND huyện Văn Yên tổ chức cuộc thi “tìm hiểu luật cư trú”…Đặc biệt, Sở Tư pháp Yên Bái đã phối hợp thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng duy trì được 48 chuyên mục “pháp luật với cuộc sống” trên sóng phát thanh, 12 chuyên mục trên sóng truyền hình và 24 chuyên mục trên báo Yên Bái…

Ngoài những thông tin trên, được biết, Sở Tư pháp Yên Bái còn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện hai đề tài khoa học, hiện đang thực hiện đề tài “Giải pháp đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách” “Thực trạng và những giải pháp để củng cố, tăng cường tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hoà giải ở cơ sở”…Đặc biệt, để công tác công chứng phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, hạn chế được những bất cập khi thực hiện luật công chứng trên địa bàn, Sở Tư pháp Yên Bái còn tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành quyết định giao cho các phòng công chứng thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trên địa bàn T.P Yên Bái và Thị xã Nghĩa Lộ. Còn Bắc Giang lại có “sáng kiến” tổ chức Hội nghị khách hàng công chứng tới các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động công chứng. Hai cách làm này đã và đang được các Sở Tư pháp các tỉnh bạn ghi nhận và học tập để áp dụng tại địa phương mình.

Tuy vậy, cũng rất tiếc rằng, trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc, hiện vẫn còn hai tỉnh chưa thành lập được Đoàn Luật sư là Điện Biên và Lai Châu. Nói vậy cũng không có nghĩa rằng hoạt động luật sư tại hai tỉnh này bị “tê liệt” mà Sở Tư pháp hai tỉnh này cũng đã tích cực phối hợp với 1 số Đoàn Luật sư, Văn phòng luật sư ở các tỉnh bạn đến Lai Châu, Điện Biên mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Giải pháp tình thế này xem ra là khá nhanh nhậy trong tình cảnh chưa có Đoàn luật sư như hiện nay, âu cũng là “cái khó bó cái khôn”. Hy vọng trong thời gian tới, công tác tư pháp ở khu vực này sẽ tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, vươn tầm thi đua với các khu vực khác trong cả nước.

Hữu Tuấn