Kết quả thực hiện 03 nhiệm vụ trong tâm do UBND thành phố giao cho Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng trong năm 2008.

18/11/2008

Sau khi UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3503/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục 03 nhiệm vụ trọng tâm cho các Sở, Ban ngành và UBND các quận, huyện thực hiện trong năm 2008, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Chương trình công tác năm 2008 trong đó tập trung triển khai thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện chương trình công tác cụ thể của đơn vị mình và tổ chức Hội nghị quán triệt Kế hoạch công tác năm 2008 cho toàn thể cán bộ công chức trong ngành để phổ biến về mục đích, ý nghĩa, nội dung các nhiệm vụ trọng tâm, qua đó phát động đăng ký thi đua hoàn thành xuất sắc Kế hoạch công tác năm đã đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng đến 03 nhiệm vụ trọng tâm mà UBND thành phố giao cho ngành và đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

Đối với nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thẩm định đúng, có giá trị thiết thực trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác thẩm định của ngành.  

Đối với công tác này, trong năm, Sở đã thẩm định 74 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thành phố và tham gia góp ý 49 dự thảo văn bản (trong đó có 20 dự thảo văn bản của trung ương).

Trong năm 2008, UBND thành phố đã ban hành 60 văn bản quy phạm pháp luật (tính từ ngày 01/10/2007 đến 30/9/2008). Trong đó Sở Tư pháp đã tham gia thẩm định 54/60 văn bản, đạt tỷ lệ 90%, văn bản không có ý kiến thẩm định của Sở là 06/60, chiếm tỷ lệ 10%, giảm 9,1% so với năm trước (19,1%). 

Sở cũng tập trung cho công tác kiểm tra văn bản đã tổ chức kiểm tra công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của UBND 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong 2 năm 2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 đối với 73.093 văn bản của UBND 7 quận, huyện, gồm 267 văn bản quy phạm pháp luật, 72.826 văn bản hành chính. Qua đó, phát hiện những văn bản có sai sót, vi phạm về hình thức, về nội dung văn bản, những văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, trao đổi, hướng dẫn giúp UBND các quận, huyện rút kinh nghiệm, nắm vững hơn các quy định của pháp luật về xây dựng và ban hành văn bản, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng công tác văn bản của chính quyền cơ sở.

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật của UBND thành phố và quận, huyện trong năm qua về cơ bản được ban hành đúng pháp luật, có tính khả thi cao, điều chỉnh các quan hệ xã hội trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sở cũng đã thực hiện tổng rà soát và tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định công bố danh mục 452 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) và do UBND thành phố ban hành đã hết hiệu lực thi hành, hoàn thành trước thời hạn việc rà soát 125 văn bản quy phạm pháp luật do UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố ban hành từ năm 1997 đến nay thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Trong năm, Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, hệ thống hoá, tổng hợp kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo nhiều chuyên đề, lĩnh vực (về phòng, chống tham nhũng; khoa học và công nghệ; văn bản có quy định về việc đưa người vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh; văn bản liên quan đến biển, đảo; đến công tác quy hoạch; rà soát kết quả 5 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực thuộc Sở Tư pháp quản lý).

Qua rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành văn bản điều chỉnh vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật đối với từng lĩnh vực, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Đặc biệt trong năm 2008, Sở đã tổ chức nhiều hội thảo quan trọng như Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng thẩm định của cơ quan tư pháp địa phương đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”; Toạ đàm với chủ đề Hoạt động tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà NôNângà  triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực công tác soạn thảo, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản pháp luật cho cán bộ Tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Như vậy, năm 2008, công tác văn bản đạt hiệu quả cao hơn so với năm trước; chất lượng tham gia góp ý, thẩm định được nâng lên. Công tác kiểm tra văn bản được triển khai thực hiện tốt hơn so với năm 2007,  đã ban hành Kế hoạch số 1030/KH-STP ngày 21/7/2008 về kiểm tra công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của UBND 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Đối với công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản cũng được Sở tập trung rà soát theo nhiều lĩnh vực như: văn bản liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; văn bản có quy định về việc đưa người vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh; văn bản liên quan đến biển, đảo; văn bản liên quan đến công tác quy hoạch; rà soát kết quả 5 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực thuộc Sở Tư pháp quản lý...

Trong năm qua, công tác văn bản cũng được tập trung đầu tư xây dựng các mẫu Hồ sơ thẩm định, Hồ sơ kiểm tra phục vụ công tác lưu trữ và theo dõi văn bản; Riêng hồ sơ thẩm định được lưu trữ đầy đủ theo quy định và đảm bảo để thực hiện việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 do vậy công tác văn bản đã có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chứng thực trên địa bàn thành phố.   

Trong năm, Sở đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tư pháp, xã, phường, quận, huyện về chứng thực và hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, chứng thực cho các địa phương, trong đó tập trung hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chứng thực tại các địa phương; Tham gia cùng các Phòng Tư pháp kiểm tra công tác chứng thực tại UBND xã, phường. Qua công tác kiểm tra phát hiện những thiếu sót, hạn chế để đánh giá, rút kinh nghiệm đưa công tác chứng thực ở xã, phường, quận, huyện ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, thông qua các buổi giao ban tại Phòng Tư pháp các quận, huyện Sở đã hướng dẫn nghiệp vụ và kịp thời theo dõi nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, đặc biệt qua giao ban trao đổi nghiệp vụ, rút kinh nghiệm kết hợp việc hướng dẫn cán bộ tư pháp xã, phường nắm những vấn đề chứng thực theo quy định mới. Đặc biệt Sở cũng đang triển khai thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch với mục tiêu xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý hộ tịch tại UBND các xã, phường, quận, huyện và tại Sở Tư pháp; Đây là hệ thống phần mềm phục vụ công tác hộ tịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm thiết lập một hệ thống thông tin liên kết, thống nhất giữa Sở Tư pháp và các đơn vị hành chính quận, huyện, xã, phường trong công tác quản lý hộ tịch, tạo điều kiện bước đầu cho người dân và các tổ chức tìm hiểu thông tin hộ tịch, hướng đến mục tiêu “thành phố điện tử” trong tương lai; Đề án này cũng là nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp ở cơ sở trong việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc cho kịp với xu thế phát triển của xã hội.

Trong năm qua, các quận, huyện, xã, phường đã thực hiện chứng thực 370.885 trường hợp và 58.905 bản sao, thu lệ phí trên 2 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với năm trước).

Đơi với nhiệm vụ trọng tâm được giao thứ 3 là nghiên cứu giải pháp đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-2012. Trong đó tham mưu, đề xuất UBND thành phố tổ chức cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi năm 2008” toàn thành phố nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật các cấp có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tuyên truyền pháp luật.

Đối với công tác tuyên truyền, trong năm qua, Sở đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương và các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương ban hành theo đúng thời gian, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tổ chức tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý. Hoạt động trợ giúp pháp lý được mở rộng mạng lưới, các điểm trợ giúp pháp lý và cộng tác viên ở cơ sở được tăng cường; Tuyên truyền thông qua công tác xây dựng và quản lý, khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật ở xã, phương; Tăng cường biên soạn in ấn, tờ gấp, tờ rơi phát hành đến các tổ dân phố; Các nội dung luật được lựa chọn liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho từng đối tượng.

Trong năm, Sở đã tham mưu tổ chức 12 cuộc hội nghị tập huấn triển khai các văn bản pháp luật cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật thành phố và của Sở; Tổ chức phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật mới và những văn bản pháp luật quan trọng liên quan mật thiết đến chuyên môn nghiệp vụ và đời sống của cán bộ và nhân dân, tập trung vào ba nhóm chính theo Kế hoạch 500/KH-UBND của UBND thành phố với 805 lớp cho 39.255 lượt người tham dự.

Công tác phối hợp tuyên truyền tiếp tục được duy trì và quan tâm. Sở tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo mở các lớp bồi dưỡng pháp luật hè cho 8.550 cán bộ, giáo viên; Phối hợp với Hội Nông dân, Thành đoàn Đà Nẵng thống nhất xây dựng Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Điểm nổi bật là năm 2008 Sở đã phối hợp với Đài PTTH Đà Nẵng  thực hiện tuyên truyền thông qua các tiểu phẩm, kịch bản pháp luật; trong đó, thực hiện 550 poster (tăng 10% so với năm 2007), “Mục tìm hiểu pháp luật” mỗi ngày 03 lần trên sóng phát thanh truyền hình; tham gia đăng tải các tin, bài trên chuyên mục “Pháp luật và công dân” của Báo Đà Nẵng giúp người dân cập nhật kịp thời những văn bản, chính sách pháp luật mới của Nhà nước.

Về tài liệu tuyên truyền, đã biên soạn, in ấn 30.000 tờ gấp (tăng 53,85% so với năm 2007), 12.000 cuốn tài liệu tuyên truyền các loại (tăng 25,3% so với năm 2007) giúp người dân nắm bắt quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình; Biên soạn và cấp phát đề cương (thông qua hình thức sao gửi và chép file đĩa) gửi cho Tư pháp các quận, huyện; tiếp tục phát hành Bản tin Tư pháp thành phố nhằm giúp cán bộ và nhân dân có thể tham gia trao đổi, nghiên cứu và tuyên truyền pháp luật.

  Đặc biệt Sở đã tổ chức thành công cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi thành phố Đà Nẵng năm 2008”, tạo điều kiện cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật các cấp có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tuyên truyền pháp luật.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các Phòng Tư pháp quận, huyện tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Luật Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân...; Trong năm, Phòng Tư pháp các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thực hiện được 1.346 cuộc tuyên truyền; phát hành 34.256 bộ tài liệu các loại (tăng gấp đôi so với năm trước) phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương.

Công tác hoà giải ở cơ sở cũng là một trong những kênh để tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở cơ sở góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Năm 2008, Sở tiếp tục tập trung củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố Đà Nẵng có 2.277 tổ hoà giải với 8.075 hoà giải viên.  Được sự hỗ trợ từ Dự án VIE/02/015, Sở tiếp tục biên soạn, phát hành 6.000 cuốn Sổ tay kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho hoà giải viên ở cơ sở; tổ chức 07 lớp tập huấn bồi dưỡng pháp luật cho 2.569 hoà giải viên cơ sở của 7 quận, huyện. Qua công tác tập huấn giúp các hoà giải viên tháo gỡ những thắc mắc và có thêm những kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thực hiện công tác hoà giải ở địa phương, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Trong năm, các Tổ hoà giải trên toàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hoà giải thành đạt tỷ lệ bình quân 86,87% (cao hơn so với năm trước 2,3%).

Như vậy, trên lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn phổ biến các văn bản luật; Hoạt động phối kết hợp giữa các cơ quan thành viên HĐPBGDPL đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là công tác phối hợp giữa ngành Tư pháp và Giáo dục - Đào tạo, đã tổ chức bồi dưỡng pháp luật cho gần 9000 cán bộ, giáo viên hè 2008; Trong năm một số nội dung như in ấn tờ gấp tăng 53,85% so với năm trước, in ấn tài liệu tuyên truyền các loại tăng 25,3% so với năm trước giúp người dân nắm bắt quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình; Tổ chức cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi thành phố Đà Nẵng năm 2008”; Công tác hoà giải cơ sở đã đi vào nề nếp so với những năm trước, được quan tâm kiện toàn, củng cố, tỷ lệ hoà giải thành đạt cao...

Như vậy, năm 2008 đối với 03 nhiệm vụ trọng tâm mà UBND thành phố giao, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nêu trên, với những kết quả đạt được đó, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tự đánh giá hoàn thành tốt 03 nhiệm vụ trọng tâm năm 2008./.

Thu Hường