Bình Định: Kết quả thực hiện Chương trình phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em năm 2008

18/11/2008
Sở Tư pháp Bình Định vừa tổ chức đánh giá 1 năm thực hiện chương trình phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Qua đó, Sở Tư pháp đã có nhiều hình thức, biện pháp nâng cao nhận thức pháp luật đến phụ nữ, và trẻ em.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004-2010 và trên cơ sở Kế hoạch số 16/KH-BCĐ ngày 12.4.1998 của Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tỉnh Bình Định, là thành viên của Ban Chỉ đạo 138-130; Sở Tư pháp đã xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án 2 là: “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự”; xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và chỉ đạo các Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, điều kiện của mỗi địa phương; hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể và các tiểu ban Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tăng cường tổ chức tuyên truyền chương trình phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong các tầng lớp nhân dân; phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, UBND cấp huyện – xã tiếp tục củng cố và nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; kiện toàn tổ chức các tiểu ban Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết quả đạt trên các mặt sau:

          1. Việc thi hành chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

          Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh tiếp nhận hồ sơ và trình UBND tỉnh cho đăng ký kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp tiếp nhận và trình UBND tỉnh đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài  99 trường hợp, trong đó: Hàn Quốc 10 trường hợp, Đài Loan 4 trường hợp. Riêng trường hợp nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở địa bàn tỉnh Bình Định năm qua không có trường hợp nào.

Sở Tư pháp đã xây dựng và thông báo công khai quy trình, thủ tục, điều kiện được đăng ký kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài để tạo thuận lợi cho công dân có nhu cầu, đồng thời tránh tình trạng môi giới kết hôn, nhận nuôi con nuôi xâm phạm đến quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Cùng với việc củng cố tổ chức Phòng Hộ tịch và Tư pháp khác, lãnh đạo Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với tổ chức Công đoàn cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài của Phòng Hộ tịch và Tư pháp khác nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về đăng ký kết hôn, cho con nuôi có yếu tố nước ngoài, các hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài nhằm góp phần ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng môi giới kết hôn bất hợp pháp, lợi dụng việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài để mua bán phụ nữ, trẻ em, làm lành mạnh hoá các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

2. Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em

Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có chương trình tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện; chỉ đạo và hướng dẫn các Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch tuyên truyền trình UBND cấp huyện phê duyệt phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Sở Tư pháp duy trì thường xuyên chuyên mục “pháp luật và đời sống”, “trợ giúp pháp lý” trên Báo Bình Định mỗi tháng 1 chuyên trang, trên sóng truyền hình mỗi tháng 1 lần với thời lượng 20 phút, trên Đài phát thanh mỗi tuần 1 lần với thời lượng từ 15-20 phút để phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, Bộ luật hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định 83/1998/NĐ-CP và Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25.02.2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu  tố nước ngoài; xuất bản 8 tờ tin tư pháp với số lượng 13.600 tập, trong đó có chuyên đề phòng, chống tội phạm với số lượng 1.700 tập cung cấp cho các sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, xã, thôn, bản, làng và các trường học.

Sở Tư pháp phối hợp với các thành viên Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL như : Công an, Tỉnh đoàn, Liên Đoàn lao động, Đội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân…xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục với nhiều tin, bài, phóng sự liên quan đến hoạt động và thực thi pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; chỉ đạo các Phòng Tư pháp duy trì thường xuyên chuyên mục “pháp luật và đời sống” trên đài truyền thanh cấp huyện; phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể các địa phương tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động 239 câu lạc bộ pháp luật, 24 đội tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội; xây dựng câu lạc bộ “Tuổi trẻ với việc phòng, chống tội phạm” tại phường Ghềnh Ráng – Quy Nhơn, tại xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) “Tuổi trẻ với việc phòng, chống tội phạm” tại xã Phước Thắng – Tuy Phước kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân về tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và nêu gương điển hình trong việc phòng, chống các loại tội này.

Song song với việc tuyên truyền pháp luật trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, Sở Tư pháp đã tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho hơn 2000 đối tượng là hộ nghèo, chính sách, phụ nữ, thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã thuộc các huyện An Nhơn, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Mỹ và  Hoài Nhơn. Thông qua hình thức trợ giúp pháp lý, các chuyên viên và các cộng tác viên trợ giúp pháp lý trực tiếp tuyên truyền đến từng người dân các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; Bộ luật Hình sự, Hôn nhân và Gia đình, Nghị định 83/1998/NĐ-CP và Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, Nghị định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn cung cấp tài liệu, thông tin về thực trạng tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng cho các đơn vị trực thuộc, các thành viên Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL trong các cuộc họp sơ kết, tổng kết theo định kỳ.

Tuy nhiên, qua thực hiện nổi lên những khó khăn, vướng mắc sau:

Sau khi có Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14.7.2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010 đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động hầu hết các cấp, ngành, đoàn thể về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên có một số đơn vị, đoàn thể, địa phương chưa nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của mình đối với công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, một số địa phương triển khai công tác phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em còn mang tính hình thức, qua loa đại khái.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có nhiều tiến bộ, nhiều hình thức phong phú, nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa xây dựng được chương trình tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng. Công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em là trách nhiệm toàn xã hội, nhưng hiện nay cán bộ làm công tác này ở các sở, ngành, đoàn thể chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có phụ cấp nên việc triển khai thực hiện công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Việc phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể trong việc triển khai chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đôi lúc, đôi nơi chưa được đồng bộ, chặt chẽ. Kinh phí cấp cho công tác tuyên truyền chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em còn quá ít so với nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp Bình Định thực hiện một số mặt sau:

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Quyết định 240/QĐ-UBND ngày 24.4.2007 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 08.11.2004 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh năm 2007.

- Tăng cường và nâng cao chất lượng các chuyên mục trên Báo, Đài truyền hình, Đài phát thanh, truyền thanh, tờ tin Tư pháp để tuyên truyền pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và đề cao trách nhiệm của công dân bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Hướng nội dung tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em vào từng đối tượng cụ thể; mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đến tận cơ sở.

- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; các Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL; tổ chức tập huấn để nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật ; cung cấp tài liệu tuyên truyền kịp thời cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và các thành viên Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL; tổ chức khai thác tủ sách pháp luật có hiệu quả.

-Hàng năm, thông qua Hội nghị sơ kết tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL để kiểm điểm, đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Nguyễn Huỳnh Huyện