Nam Định sau 10 năm xây dựng Tủ sách pháp luật ở cơ sở

18/11/2008
Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, đến nay công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, trước khi có Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 66/CT-UB ngày 29/12/1997 v/v tăng cường các biện pháp tổ chức và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó: “… chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng Tủ sách pháp luật nhằm mục đích: Tập hợp, lưu trữ, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời làm căn cứ để áp dụng, xử lý trong quá trình điều hành của chính quyền cơ sở…” và Quyết định số 832/QĐ-UB ngày 15/6/1998 của UBND tỉnh quy định v/v xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, theo đó yêu cầu các ngành, địa phương triển khai xây dựng tủ sách pháp luật, trước hết là ở xã, phường, thị trấn nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân. Để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, ngày 08/4/2003 UBND tỉnh Nam Định cho ban hành Chỉ thị 09/CT-UB của UBND tỉnh về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, Sở Tư pháp Nam Định đã luôn chú trọng đến việc xây dựng Danh mục các sách, tài liệu pháp luật mới; biên soạn các sách nghiệp vụ, tài liệu pháp luật gửi địa phương, cơ sở để bổ sung sách, tài liệu cho tủ sách pháp luật. Đến giữa năm 2001, trên địa bàn tỉnh Nam Định 100% xã, phường, thị trấn đã xây dựng được tủ sách pháp luật đảm bảo yêu cầu chung và phù hợp với yêu cầu thực tế ở địa phương. Từ đó đến nay, hệ thống tủ sách pháp luật không ngừng được củng cố, phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.

Về quy mô và phương thức đầu tư xây dựng tủ sách pháp luật: Trước khi Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành việc phát triển xây dựng tủ sách pháp luật tại tỉnh Nam Định mang tính chất nhỏ lẻ, cục bộ, ở nhiều địa phương còn diễn ra một cách tự phát, trước năm 1998, mới chỉ có 25% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh xây dựng được tủ sách pháp luật, số lượng các đầu sách mỗi tủ sách chỉ khoảng 20 đến 30 đầu sách, đặc biệt các tài liệu quan trọng như: Công báo, Luật, Pháp lệnh,…còn rất hạn chế. Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 229/229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng được Tủ sách pháp luật, bình quân mỗi tủ sách cấp xã có khoảng từ 100 đầu sách, trong đó có phải kể đến tủ sách pháp luật xã Xuân Kiên huyện Xuân Trường: 350 đầu sách, xã Xuân Vinh huyện Xuân Trường: 315 đầu sách; phường Trần Tế Xương, phường Trần Hưng Đạo, phường Phan Đình Phùng, phường Lộc Vượng,…thành phố Nam Định đều có trên 200 đầu sách các loại, các đơn vị như: Thị trấn Cổ lễ, xã Cát Thành, xã Trực Hùng, xã Liêm Hải, xã Trực Nội (huyện Trực Ninh), xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Hưng), xã Yên Nghĩa, xã Yên Thắng (huyện Ý Yên)… là những đơn vị thường xuyên quan tâm trang bị kịp thời các đầu sách pháp luật.Không chỉ dừng lại ở xã, phường, thị trấn mà việc xây dựng tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các đơn vị vũ trang nhân dân như: Toà án nhân dân, Viên kiểm sát nhân dân, Thanh tra, Công an, Quân sự, Biên phòng, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Sở giáo dục – Đào tạo, Trường Cao đẳng sư phạm và một số trường phổ thông trung học…ngày càng phát triển tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Trong tất cả các tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn đều có những tài liệu pháp luật như: Các văn kiện, Nghị quyết của các cơ quan Đảng từ Trung ương đến địa phương; Bộ phận văn bản quy phạm pháp luật gồm: Công báo của nước CHXHCNVN, các tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương, các hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến nhân dân và địa phương; Bộ phận sách pháp luật phổ thông bao gồm: Sách hỏi – đáp, sách bình luận, sách giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, các tờ gấp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Bộ phận sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính tư pháp ở cơ sở. Bộ phận báo pháp luật của Trung ương và địa phương.

Các văn bản quy phạm pháp luật được cập nhật, bổ sung theo kỳ mua sách 1-2 lần/năm. Riêng Công báo của Chính phủ và của UBND tỉnh được cấp đến cơ sở đều đặn, kịp thời về thời gian ban hành văn bản. Đây là bộ phận sách mà chính quyền, đoàn thể cơ sở sử dụng thường xuyên nhất. Báo, tạp chí pháp luật chuyên đề của Trung ương và của tỉnh, sách pháp luật phổ thông dưới dạng hỏi đáp, tình huống, tìm hiểu, giải thích pháp luật… thường xuyên được trang bị cho các tủ sách pháp luật ở cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.

 Việc bổ sung các sách, tài liệu pháp luật mới cho tủ sách pháp luật luôn được Nam Định quan tâm và đầu tư. Nguồn bổ sung từ Trung ương (Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Chính phủ) gồm: Công báo, các sách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, báo, tạp chí pháp luật…Nguồn do tỉnh, huyện cấp gồm: Công báo, văn bản pháp luật của các ngành, sách hỏi đáp hướng dẫn, sách tham khảo, sách nghiệp vụ…Hàng năm, khi nhận được danh mục sách pháp luật mới của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã căn cứ vào tình hình thực tế ở từng cơ sở liên hệ đặt mua tại công ty phát hành sách Trung ương và địa phương để kịp thời bổ sung cho cấp huyện và cấp xã. Trong năm 2006 phát hành 120 cuốn “Sổ tay pháp luật dành cho người dân ở cơ sở”, 120 cuốn hỏi đáp về bồi thường thiệt hại; phát hành các loại tờ rơi pháp luật thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau liên quan trực tiếp tới người dân ở cơ sở với số lượng hơn 10.000 tờ. Trong năm 2007 và 2008 đã phát hành 640 cuốn tài liệu về “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Pháp luật về khuyến khích phát triển kinh tế”, “Hỏi đáp pháp luật về hộ tịch”, “Pháp luật về đất đai” và 6000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật đến cơ sở, 75 bộ băng catset pháp luật; tổ chức phát hành 569 cuốn sách/đầu sách cho 466 thôn, xóm, tổ dân phố của 30 đơn vị điểm phổ biến giáo dục pháp luật và 3 xã thí điểm mô hình mới của huyện Xuân Trường, đồng thời xây dựng và củng cố sách pháp luật cho 2 xã Hải Hưng (Hải Hậu), Trực Tuấn (Trực Ninh) và 6 đồn biên phòng đóng trên địa bàn tỉnh (bao gồm 6 đơn vị Biên phòng: Đồn 84, 88, 92, 96,100 và Hải đội 2).

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng chủ động biên tập, biên soạn nhiều sách, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật... để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ năm 2006 đến nay, Sở Tư pháp đã trực tiếp biên soạn, phát hành Bản tin Tư pháp ra hàng quí với số lượng gần 34.000 cuốn; biên soạn 4 tập (800 cuốn) đề cương tuyên truyền pháp luật, phát hành đến các Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp và 100% Tủ sách pháp luật. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã trực tiếp biên soạn, phát hành 4 loại tờ rơi chuyên đề về đất đai và an toàn giao thông với tổng số 6000 tờ; 1000 cuốn “Sổ tay nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở”; 1.000 cuốn sách “Chuyên đề về xử lý vi phạm hành chính”… đến 10/10 huyện, thành phố và 20/20 xã của huyện điểm Xuân Trường nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Chỉ thị số 01/1999/CT-BTP về việc triển khai dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, Sở Tư pháp Nam Định đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ sở đặt Tủ sách pháp luật tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Việc đặt Tủ sách pháp luật tại trụ sở UBND cấp xã có những thuận lợi cơ bản như UBND là trung tâm của các cơ quan hành chính, thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho việc quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật; là nơi nhân dân thường xuyên đến liên hệ công việc, khi cần thiết họ có thể tra cứu những vấn đề có liên quan; là nơi có cán bộ tư pháp là những người có chuyên môn về pháp luật có thể hướng dẫn, giải thích pháp luật khi cần thiết. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định, các Tủ sách pháp luật còn được đặt tại Bưu điện Văn hoá xã, phường, thị trấn. Điểm Bưu điện – Văn hoá là nơi trao đổi thông tin, nơi tiếp nhận thêm các kiến thức trong đó có thông tin, kiến thức pháp luật, do vậy, Tủ sách pháp luật đặt tại đây tạo môi trường thuận lợi đáp ứng nhu cầu thông tin pháp luật một cách kịp thời cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, cũng như trách được tâm lý e ngại của người dân là phải đến trụ sở UBND cấp xã mới có thể tìm hiểu tra cứu pháp luật được.

Hiện nay, việc quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định hầu hết đều giao cho công chức Tư pháp- Hộ tịch quản lý, điều này đáp ứng yêu cầu đặt ra: “Tủ sách pháp luật phải được thực hiện thống nhất giao cho cán bộ tư pháp chuyên trách và Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn quản lý và phục vụ”. Việc giao cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch quản lý là đúng theo Quyết định số 355/1999/QĐ- TTg của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là hợp lý  bởi với vốn hiểu biết pháp luật và nghiệp vụ tư pháp của cán bộ tư pháp là người có khả năng phù hợp nhất để có thể hướng dẫn, giải thích khi có yêu cầu của người đọc.

Về công tác khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật:Tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn đều được tổ chức, khai thác, sử dụng phục vụ nhu cầu tra cứu, áp dụng pháp luật của đội ngũ cán bộ đang trực tiếp quản lý điều hành công việc ở địa phương, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng nhân dân nên hình thức khai thác chủ yếu là tổ chức cho các đối tượng đọc, nghiên cứu tài liệu, sách, báo tại chỗ hoặc cho mượn sách, báo, tài liệu pháp luật để nghiên cứu, tìm hiểu tại nhà, tất cả các sách, báo, tài liệu pháp luật cho mượn đều được ghi vào sổ mượn sách và đều được kiểm tra tình trạng của sách.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức thực hiện nhiều biện pháp thiết thực như: Tổ chức giới thiệu sách, lựa chọn, trích đọc sách, tóm tắt những vấn đề pháp luật có liên quan đến người dân để phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Đây là một trong những phương pháp khai thác tủ sách pháp luật có hiệu quả rất cao. Các địa phương đã chủ động thực hiện phối hợp luân chuyển, trao đổi, sách báo giữa tủ sách pháp luật với tủ sách của Bưu điện văn hoá xã, thư viện xã, phường, thị trấn và thư viện các trường học hoặc ngăn sách của Bộ đội biên phòng, việc luân chuyển này tuân thủ theo nguyên tắc: “việc trao đổi tài liệu, sách, báo pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới việc tra cứu để giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ địa phương”. Đây chính là biện pháp nhằm khắc phục tình trạng tâm lý e ngại đến Uỷ ban nhân dân để đọc sách của một bộ phận nhân dân….

Về vấn đề đầu tư  kinh phí hàng năm cho tủ sách pháp luật cấp xã: Nhận thức được vai trò tầm qua trọng của việc xây dựng Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn nên Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm nhất định và hàng năm đều dành nguồn kinh phí thích hợp để việc mua sách, báo, tài liệu pháp luật bổ sung cho tủ sách. Năm 1998 HĐND tỉnh đầu tư 20 triệu (cho 14 tủ sách pháp luật) thuộc một số đơn vị điểm của cấp xã. Trong 3 năm (2000-2001-2002) mỗi năm UBND tỉnh hỗ trợ một triệu đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để cấp xã mua sắm bổ sung cho tủ sách pháp luật. Tổng số 229 xã, phường, thị trấn được tỉnh đầu tư hơn 675 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Tư pháp Nam Định đã triển khai xây dựng tủ sách pháp luật cho 6 tủ sách pháp luật của Bộ đội biên phòng tỉnh, bao gồm 5 đồn Biên phòng của 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Hải đội 2, xây dựng 02 tủ sách pháp luật của xã Trực Tuấn (huyện Trực Ninh), xã Hải Hưng (Huyện Hải Hậu), Xuân Ninh, Xuân Vinh, Xuân Tân huyện Xuân Trường và một số địa phương khác trong tỉnh.

Để có được kết quả trên là do được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm gắn công tác quản lý khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên đã có nhiều chuyển biến.

Việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn được triển khai đồng bộ, thống nhất, mở rộng các loại hình tủ sách pháp luật đến các điểm Bưu điện Văn hoá xã, cụm dân cư, thôn, làng…tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, phát huy dân chủ, tham gia góp ý xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Công tác quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh  đã đi vào nền nếp. Đối tượng phục vụ không chỉ các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân cơ sở mà còn rộng đến mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân thôn, xóm, tổ dân phố. Hình thức khai thác tủ sách pháp luật  đã được quan tâm, đa dạng, phong phú, hiệu quả hơn.

Kết quả xây dựng quản lý khai thác tủ sách pháp luật ở địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian qua khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ, và tỉnh Nam Định củng cố duy trì và phát huy một trong những hình thức đưa pháp luật về cơ sở./.

Trần Hồng Nhung - Sở Tư pháp Nam Định