Sơn La; Tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp tại địa phương - những đề xuất, kiến nghị

18/11/2008
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp nhằm đánh giá kết quả Sau 4 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp, rút ra những bài học kinh nghiệm, cách thức, giải pháp tổ chức thực hiện, định hướng cho hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới, có những bước phát triển cao hơn, kịp thời phục vụ nghiệm vụ chính trị của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu hiểu biết pháp luật của nhân dân.

Tình hình triển khai thi hành Pháp lệnh Giám định Tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP

Ngay sau khi Pháp lệnh giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể cán bộ lãnh đạo các Sở, ban, ngành và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã cùng toàn thể các Giám định viên. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Hội nghị tập huấn, trợ giúp pháp lý lưu động, thông qua hoạt động sinh hoạt của các câu lạc bộ, các hoạt động xét xử... Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các Giám định viên tư pháp về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp và triển khai, thực hiện có hiệu quả.

Thực trạng tổ chức, hoạt động giám định tư pháp và công tác quản lý về giám định tư pháp tại địa phương:

Về tổ chức

- Về tổ chức: Thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ Sở Tư pháp chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng đề án thành lập Trung tâm pháp y tỉnh và lập hồ sơ đề nghị Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giải thể tổ chức Giám định pháp y thuộc Sở Y tế và tổ chức Giám định tài chính và tổ chức Giám định khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Đến năm 2006, các tổ chức giám định (Trung tâm Pháp y tỉnh, Phòng kỹ thuật hình sự - Công An tỉnh) đã được củng cố, kiện toàn xong về tổ chức và hoạt động.

- Về cơ sở vật chất: Hiện Trung tâm pháp y tỉnh chỉ có 01 phòng làm việc 18m2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh với trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu; Phòng kỹ thuật hình sự - Công An tỉnh được bố trí 03 phòng làm việc của Công An tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Tuy nhiên, để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm pháp y tỉnh và Phòng kỹ thuật hình sự nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng trong tình hình mới. Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị và cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho Trung tâm pháp y tỉnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

- Về kinh phí hoạt động: Kinh phí hoạt động của Trung tâm pháp y tỉnh do kinh phí cấp hàng năm hạn chế chỉ đủ chi trả tiền lương và công tác phí, ngoài ra không có nguồn nào khác để bố trí mua sắm tài sản cố định và trang thiết bị nên rất khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặt ra; riêng kinh phí của Phòng kỹ thuật hình sự - Công An tỉnh tương đối được bảo đảm.

Người Giám định tư pháp

* Về Giám định viên tư pháp

- Tổng số 26 Giám định viên tư pháp, trong đó:

+ Lĩnh vực kỹ thuật hình sự: 07 Giám định viên (chuyên trách 07);

+ Lĩnh vực pháp y: 19 Giám định viên, (chuyên trách 02, kiêm nhiệm 17);

+ Các lĩnh vực khác: Không.

- 100% GĐV có trình độ đại học, có phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, độ tuổi trung bình: 40 tuổi.

- Chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm đúng mức, chế độ đối với Giám định viên đã được quy định trên 10 năm đến nay không còn phù hợp do đó chưa khuyến khích được Giám định viên yên tâm công tác, tâm huyết với nghề.

- Việc quy hoạch và phát triển nguồn cán bộ làm công tác giám định và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho Giám định viên tư pháp chưa được quan tâm thường xuyên. Phần lớn Giám định viên làm việc kiêm nhiệm nên rất khó khăn cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

* Về người giám định tư pháp theo vụ việc

- Tổng số: 19 người giám định tư pháp theo vụ việc, trong đó:

+ Lĩnh vực kỹ thuật hình sự: 03 trường hợp;

+ Lĩnh vực tài chính kế toán: 07 trường hợp;

+ Lĩnh vực xây dựng: 01 trường hợp;

+ Lĩnh vực văn hoá: 01 trường hợp;

+ Lĩnh vực tài nguyên môi trường: 04 trường hợp;

+ Lĩnh vực giao thông vận tải: 01trường hợp;

+ Lĩnh vực nông, lâm nghiệp: 01 trường hợp;

+ Lĩnh vực pháp y tâm thần: 0 trường hợp.

+ Lĩnh vực khoa học công nghệ: 01 trường hợp.

- 100% Người giám định tư pháp theo vụ việc có trình độ đại học hoặc cao đẳng, có phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn điều kiện theo quy định của pháp luật về giám định.

Kết quả hoạt động giám định tư pháp

* Lĩnh vực Gám định Pháp y:

- Năm 2005, 2006, 2007 thực hiện: 809 vụ việc, trong đó: giám định nguyên nhân chết 382 việc; giám định thương tích 427 việc.

- 6 tháng đầu năm 2008 thực hiện:166 vụ việc, trong đó: giám định nguyên nhân chết 93 việc; giám định thương tích 73 việc.

* Lĩnh vực Kỹ thuật hình sự:

- Năm 2005, 2006, 2007 thực hiện: 2.133 vụ việc, trong đó: ma tuý 2.002 vụ việc; giám định khác 131 vụ việc.

- 6 tháng đầu năm 2008 thực hiện: 604 vụ việc, trong đó: ma tuý 512 vụ việc; giám định khác 92 vụ việc.

Nhìn chung, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã giúp cơ quan điều tra xác định đúng đắn các vụ việc, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Từng bước đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng trong giai đoạn hiện nay.

Công tác quản lý về Giám định tư pháp

Thực hiện công tác quản lý các tổ chức giám định Tư pháp tại địa phương Căn cứ vào quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã củng cố kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp. Quyết định bổ nhiệm 7 Giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực Kỹ thuật hình sự; 19 Giám định viên pháp y và đề nghị Bộ Tư pháp cấp thẻ Giám định viên Tư pháp. Xây dựng văn bản đề nghị Bộ Tư pháp công bố danh sách giám định viên theo vụ việc thuộc các chuyên ngành kỹ thuật hình sự, tài chính, giao thông vận tải, văn hoá, nông lâm nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường cho 19 trường hợp. Nhằm tạo nguồn giám định pháp y của tỉnh, trong bốn năm qua Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Y tế, Viện giám định pháp y Trung ương mở 02 lớp tập huấn về pháp luật và chuyên môn cho 46 học viên (Dự kiến quy hoạch để bổ nhiệm Giám định viên tư pháp). Cử các giám định viên tư pháp tham dự 02 lớp tập huấn kiến thức pháp luật do Bộ Tư pháp mở tại Hà Nội.

Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp chủ yếu do cơ quan chuyên môn thực hiện. Trong trường hợp có đơn thư khiếu nại, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp tổ chức phối hợp với Sở chuyên môn giải quyết (Do cơ quan quản lý Nhà nước không có nguồn kinh phí phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, báo cáo kết quả hoạt động giám định tư pháp).

Những khó khăn trong công tác quản lý: Các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ ràng cụ thể cơ chế phối hợp và đầu mối quản lý; Kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Giám định viên tư pháp và kinh phí tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra, báo cáo hoạt động giám định tư pháp của cơ quan quản lý nhà nước không có dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện cũng như phối hợp nhiệm vụ của công tác giám định...

Đánh giá về kết quả 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp và thực hiện Nghị định của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La 4 năm qua.

Sau 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp và thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp. Tỉnh Sơn La có hai tổ chức giám định tư pháp: Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La và Phòng kỹ thuật hình sự Công an Sơn La, cả hai tổ chức giám định tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ giám định viên được lựa chọn đảm bảo đủ tiêu chuẩn có chuyên môn, chuyên ngành và đang từng bước nâng cao trình độ kiến thức pháp luật. Hoạt động của đội ngũ giám định viên tư pháp bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Nhiều khía cạnh trong hoạt động quản lý về tổ chức, về nhân sự, về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động giám định tư pháp. Đội ngũ giám định viên thiếu về số lượng, hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn (Đối với giám định viên pháp y chỉ được bồi dưỡng ngắn ngày, chưa qua đào tạo cơ bản chuyên ngành pháp y), hoạt động kiêm nhiệm. Trên thực tế, một số cán bộ y tế làm công tác pháp y không yên tâm với nghề vì cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ không đảm bảo hợp lý... nên chưa thu hút được những chuyên gia giỏi ở lĩnh vực này. Một số cơ quan chuyên môn không muốn cử cán bộ làm giám định tư pháp theo vụ việc vì hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lợi, chế độ, phụ cấp, bồi dưỡng, thù lao... và mối quan hệ công tác của người giám định tư pháp theo vụ việc với thủ trưởng cơ quan chuyên môn và cơ quan tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp. Kinh phí chi cho hoạt động giám định tư pháp quá hạn hẹp, không đủ để bố trí phục vụ công tác chuyên môn.

Qua thực tiễn triển khai Pháp lệnh Giám định tư pháp tại địa phương thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La có một số đề xuất kiến nghị sau:

- Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể về cơ chế quản lý, đầu mối quản lý, mối quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp - cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về giám định tư pháp và các Sở chuyên môn.

- Bố trí kinh phí hỗ trợ các cơ quan tư pháp địa phương trong hoạt động quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho Giám định viên và Người giám định tư pháp theo vụ việc; kinh phí kiểm tra, thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện pháp luật về giám định tư pháp ...

- Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2005/NĐ-CP, văn bản quy định về phí giám định tư pháp; văn bản quy định về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho người giám định tư pháp; văn bản quy định về quy chuẩn chuyên viên ở các lĩnh vực giám định cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

- Đề nghị quy định việc cấp thẻ cho Người giám định tư pháp theo vụ việc nhằm tạo điều kiện pháp lý cho họ khi thực hiện nhiệm vụ được thuận lợi (Hiện chỉ quy định công bố danh sách trên phương tiện thông tin đại chúng là chưa có cơ sở pháp lý dẫn đến khó khăn cho việc mời người người giám định tư pháp theo vụ việc).

Bùi Huy Toàn, Sở Tư pháp tỉnh Sơn La