Kết quả 10 năm thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở ở huyện Na Rì - Bắc Kạn

18/11/2008
Huyện Na Rì có diện tích tự nhiên 85.406,9ha, dân số 39.938 người, gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, trong đó dân tộc tày chiếm tỷ lệ 42,5%, toàn huyện chó 21 xã, 01 thị trấn với 232 thôn bản.

Xác định công tác hoà giải ở cơ sở là hết sức quan trọng nhằm giữ gìn đoàn kết trong dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, vì vậy ngay từ khi Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở được ban hành chính quyền huyện, xã đã nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hoà giải, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở và chỉ đạo Phòng Tư pháp xã nhanh chóng phối hợp với Uỷ ban mặt trận Tổ quốc xã thành lập các Tổ hoà giải ở các thôn, bản, tố phố, đưa Pháp lệnh vào cuộc sống. 

     Năm 1999 toàn huyện mới thành lập được 142 tổ/229 thôn bản thì đến năm 2003 đã thành lập được 231 tổ/231 thôn bản đạt 100%, đến năm 2008 đã thành lập 232 tổ/232 thôn, bản đạt 100%, các Tổ hoà giải có số lượng từ 3 đến 5 tổ người, do Uỷ ban mặt trận Tổ quốc xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do Uỷ ban nhân dân xã công nhận, cơ cấu gồm: trưởng Thôn, trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc thôn, Chi hội Trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên hoặc Công an viên . Số Hoà giải viên năm 1999 mới có 498 người thì đến nay tổng số Hoà giải viên đã có 970 người/323 Tổ hoà giải, bình quân 4,18 người/Tổ hoà giải. Để tạo điều kiện cho Tổ hoà giải hoạt động hiệu quả, hàng năm huyện đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn tổ viên Tổ hoà giải đủ số lượng, cơ cấu thành phần nhằm phát huy tốt nhất chất lượng hoà giải. Trong 10 năm qua, các xã, thị trấn đầu tổ chức mở lớp tập huấn nghiệp vụ hoà giải cho Hoà giải viên, huyện đã mở được 4 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đối tượng là Tổ trưởng Tổ hoà giải, số học viên dự tập huấn nghiệp vụ đạt từ 85% đến 95%, đồng thời cung cấp sổ tay và tài liệu hướng dẫn cho các Tổ hoà giải  

     Nhằm nâng cao kiến thức cho các Hoà giải viên, huyện đã tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi năm 2001 và năm 2004, qua các cuộc thi chất lượng nghiệp vụ hoà giải từng bước được nâng lên. 

     Từ việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nghiệp vụ cho Hoà giải viên nêu trên, kết quả hoà giải ở cơ sở sau 10 năm năm sau đạt cao hơn năm trước, năm 2003 hoà giải thành đạt 72,60%:

      Từ tháng 01/1999 đến tháng 6/2008 đã nhận và đưa ra hoà giải 2535 vụ việc, trong đó: 

     - Lĩnh vực Dân sự: 773 vụ = 30,49%; 

     - Lĩnh vực Hôn nhân gia đình: 303 vụ = 11,95%; 

     - Lĩnh vực đất đai: 931 vụ = 36,72%; 

     - Lĩnh vực khác: 297 vụ = 11,72%. 

     Tổng số vụ việc hoà giải thành: 2121 vụ = 83,7%, trong đó: 

     - Lĩnh vực Dân sự: 613/773 vụ = 79,30%; 

     - Lĩnh vực Hôn nhân gia đình: 202/303 vụ = 66,67%; 

     - Lĩnh vực đất đai: 754/931 vụ = 80,99%; 

     - Lĩnh vực khác: 257/297 vụ = 86,53%. 

     Số vụ hoà giải không thành: 376 vụ = 14,83% 

     Số vụ việc đang giải quyết: 08 vụ. 

     Số vụ việc hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết: 326 vụ. 

     Từ năm 2004, tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật cho mỗi xã 5 triệu đồng, đồng thời quy định thù lao cho các vụ hoà giải thành từ 50 đến 70.000đồng/vụ đã tạo thuận lợi cho các tổ hoà giải hoạt động tốt hơn, trách nhiệm của các Hoà giải viên được nâng cao, tỷ lệ hoà giải thành ngày càng cao: Năm 2003 tỷ lệ hoà giải thành đạt 72,60%, năm 2006 đạt 80,20%, năm 2007 đạt 88,4%, 6 tháng đầu năm 2008 đạt 84,17%. 

     Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở huyện Na Rì đã đạt được những kết quả đáng tự hào, tỷ lệ hoà giải đạt cao, thể hiện được tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần ngăn chặn được những hậu quả xấu, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, giữ gìn được tình đoàn kết trong gia đình và cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của nhân dân và Đảng, Pháp luật của nhà nước, phát huy dân chủ và công bằng xã hội ở thôn, tổ dân phố. 

     Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tư pháp từ huyện đến xã, của đội ngũ hoà giải viên, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quan tâm sát sao của chính quyền, bên cạnh đó sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên từ đó công tác hoà giải ngày càng phát triển và đạt hiệu quả. 

     Xác định tầm quan trọng của công tác hoà giải ở cơ sở, trong thời gian tới, huyện Na Rì tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được để thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở, phấn đất hoà giải kịp thời các vụ việc, không để tồn đọng, tỷ lệ hoà giải thành đạt từ 85% trở lên, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của huyện và của tỉnh./. 

Hương Loan