Văn phòng TGPL cho phụ nữ số 2 tại Khánh Hoà: tăng cường công tác trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở

03/11/2008
Triển khai thực hiện kế hoạch công tác năm 2008, trong tháng 10, Văn phòng Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho Phụ nữ (PN) số 2 tại Khánh Hòa (trực thuộc Cục TGPL - Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Cam Ranh tổ chức 6 đợt TGPL lưu động tại 6 xã, phường trên địa bàn thị xã.

Luật sư Lê Thị Thanh Vân - Trưởng Văn phòng cho chúng tôi biết: việc tổ chức các chuyến đi về cơ sở là nhằm mục đích tạo điều kiện cho chị em PN nâng cao hiểu biết về pháp luật, nhất là các văn bản luật có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của họ; qua đó giúp cho các đối tượng thuộc diện được TGPL miễn phí có thể nhờ Luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Toà theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, trong các buổi TGPL lưu động, bên cạnh việc giới thiệu các nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự...các cộng tác viên là Luật sư, Luật gia luôn giới thiệu đến chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và các đối tượng thuộc diện được Văn phòng thực hiện TGPL miễn phí.

Văn phòng TGPL cho PN số 2 tại tỉnh Khánh Hoà là một tổ chức hoạt động TGPL do Cục TGPL (Bộ Tư pháp) thành lập vào năm 2005. Tiền thân là Điểm TGPL cho PN thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Khánh Hoà ra đời cuối năm 2003. Các thành viên và cộng tác viên của Văn phòng hoạt động trên tinh thần từ thiện là chính. Do vào ngày thường, cộng tác viên là Luật sư bận rộn với những vụ án ở các cơ quan tiến hành tố tụng, còn các Luật gia thì chủ yếu công tác trong cơ quan hành chính nhà nước nên việc tổ chức TGPL lưu động về cơ sở luôn được thực hiện vào thứ bảy và chủ nhật. Luật sư Lê Thị Thanh Vân cho biết: qua những lần về cơ sở, bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật và tư vấn, giải đáp các thắc mắc của chị em, đã có nhiều trường hợp thuộc diện TGPL miễn phí được phát hiện và Văn phòng đã kịp thời cử Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và con em họ. Đa phần họ có hoàn cảnh rất đáng thương, quyền lợi bị thiệt thòi nhưng không có tiền để mời Luật sư nên đành cam chịu.

Tại những buổi TGPL lưu động, những vướng mắc về pháp luật của chị em PN ở cơ sở như: người trước đây tham gia thanh niên xung phong trong kháng chiến ở các tỉnh phía Bắc chưa được hưởng các chế độ chính sách mà nhà nước quy định; vợ chồng anh trai cho em gái đất để làm nhà từ năm 1990 nhưng không làm giấy tờ. Nay anh đã mất, gia đình em gái muốn làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm như thế nào? Hay di chúc của cha do hai anh lập (khi đó người cha đã già yếu) không có người làm chứng ngoài hai người anh ký vào bản di chúc. Giờ người em trai có được quyền khởi kiện để yêu cầu chia tài sản của cha không? Rồi chuyện vợ chồng đã ly hôn gần 3 năm, giờ muốn quay lại chung sống với nhau thì pháp luật có cho phép không? Hay chuyện làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú, rồi chuyện chơi huê, hụi...Tất cả các thắc mắc của chị em mới nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng do điều kiện sống, sự hiểu biết pháp luật có giới hạn…nên đã gây không ít khó khăn trong cuộc sống của họ. Đã lâu không biết hỏi ai (và có hỏi cũng không nhận được lời giải thích thoả đáng) nên khi biết có Đoàn TGPL lưu động về tại địa phương là chị em rất hân hoan. Cứ thế, hết người này đến người khác viết đơn trình bày thắc mắc của mình, có khi vấn đề là của người thân hoặc láng giềng hàng xóm. Tuy thời gian diễn ra mỗi đợt TGPL lưu động tại xã, phường chỉ gói gọn trong một ngày nhưng mọi thắc mắc của chị em PN nêu lên đều được các Luật sư, Luật gia tham gia trong đoàn TGPL lưu động tuỳ vào từng vấn đề mà giải thích, tư vấn và hướng dẫn một cách tận tình, thoả đáng cho chung cả hội trường hoặc giải thích riêng cho từng người. Phát biểu ý kiến tại buổi TGPL trên địa bàn, ông Đoàn Đình Dung - Chủ tịch UBND phường Cam Thuận cho rằng: "Lâu nay Văn phòng đã giúp cho nhiều người cả trong và ngoài đối tượng. Những buổi TGPL lưu động như thế này tại địa phương là nhằm tạo điều kiện để mọi người nâng cao hiểu biết về pháp luật. Những kiến thức pháp lý mà chị em thu nhận được qua buổi TGPL lưu động lần này không chỉ giúp tự bảo vệ mình trong cuộc sống mà mỗi người còn có trách nhiệm về truyền đạt lại cho những người ở nhà, giúp đỡ những người sống xung quanh mình trong việc tìm hiểu và chấp hành đúng theo pháp luật."

Khi nói về nhu cầu TGPL của chị em PN trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã nhận xét: Hầu hết hội viên ở cơ sở của thị xã có trình độ học vấn không đều, hiểu biết của họ về pháp luật vì thế còn hạn chế nên trong cuộc sống đã phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Do đời sống còn nhiều khó khăn, vai trò của người PN trong gia đình mà nhất là ở vùng biển và khu vực nông thôn tương đối vất vả hơn nên họ ít có dịp được tư vấn, hướng dẫn các quy định pháp luật như thế này. Mong muốn của Hội là nên tổ chức thường xuyên các đợt TGPL lưu động ở địa bàn để nhiều chị em được nghe tuyên truyền pháp luật, biết về hoạt động của Văn phòng để khi cần thì họ có thể tìm đến nhờ giúp đỡ.

Mong rằng, thời gian tới, Văn phòng sẽ tổ chức nhiều chuyến đi về cơ sở hơn nữa để chị em PN có cơ hội được nghe phổ biến các quy định của pháp luật, được tư vấn, hướng dẫn và giải đáp các vướng mắc về pháp luật. Nhờ đó, họ có thể tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bảo vệ mình, đế chấp hành tốt pháp luật của nhà nước.

VĂN PHÒNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO PHỤ NỮ SỐ 2 TẠI TỈNH KHÁNH HOÀ
Địa chỉ: 45B đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Nha Trang. 

*Lĩnh vực hoạt động

- Tư vấn

- Soạn thảo văn bản

- Tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL miễn phí tại Toà án nhân dân các cấp

- Các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật 

*Đối tượng được TGPL miễn phí

- Phụ nữ bị bạo hành trong gia đình

- Phụ nữ thuộc hộ nghèo

- Phụ nữ là đối tượng chính sách

- Phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài

- Bé gái dưới 18 tuổi

- Phụ nữ là người dân tộc thiểu số

- Phụ nữ bị nhiễm HIV/AISD

- Phụ nữ là người già cô đơn, không nơi nương tựa

Đặng Hữu