An Giang tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở

03/11/2008
An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam bộ, thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 3.424 km2, dân số trên 2.083.571 người. Phía Tây Bắc có đường Biên giới giáp Vương Quốc Campuchia với chiều dài 104 km, Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, Phía Nam giáp tỉnh Cần Thơ và phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh có 11 huyện, thị xã, thành phố với 154 xã, phường, thị trấn, phần lớn dân cư sống bằng nghề nông nghiệp (trồng lúa), có 21 xã vùng núi thuộc 02 huyện Tri Tôn (9 xã), Tịnh Biên (12 xã); có 17 xã biên giới thuộc 05 huyện, thị xã giáp Vương Quốc Campuchia. Trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc (chăm, khmer) và tôn giáo rất đa dạng và phong phú.

Công tác hòa giải ở An Giang được hình thành sớm, ngay cả khi Trung ương chưa có văn bản chính thức quy định. Cụ thể, ngày 12/07/1996 UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 804/QĐ-UB quy định về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của tỉnh quy định về vấn đề này. Năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; ngày 18/10/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 160/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Pháp lệnh, đối chiếu với Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ đã cho thấy Quyết định số 804/QĐ-UB của UBND tỉnh là phù hợp, điều đó nói lên việc chỉ đạo của tỉnh An Giang về công tác hòa giải là đúng hướng. Để tổ chức thực hiện Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về công tác hòa giải, trên cơ sở kế thừa và phát triển những nội dung còn phù hợp của Quyết định 804/QĐ.UB, ngày 09/05/2000 UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 989/QĐ-UB quy định về tổ chức và hoạt động của công tác hòa giải cơ sở. Đặc biệt trong năm 2004 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 25/2004/CT.UB về việc tiếp tục kiện toàn củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang và Quyết định số 2564/QĐ.CT-UB về việc điều chỉnh mức chi hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở; Quyết định 1441/QĐ-UB ngày 30/5/2007 điều chỉnh mức chi hỗ trợ cho 1 vụ hoà giải thành từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng.

Các văn bản quy phạm pháp luật nói trên là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để hình thành về tổ chức và chỉ đạo hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 160/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, ngày 09/05/2000 UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 989/QĐ-UB quy định về tổ chức và hoạt động của công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang. Trên cơ sở các văn bản pháp luật trên, tổ chức hòa giải trong toàn tỉnh đã không ngừng được củng cố và lớn mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Tính đến tháng 6/2008 toàn tỉnh An Giang có 936 tổ hòa giải với 4.542 hòa giải viên, 154 Ban Hòa giải/154 xã, phường, thị trấn với 1.395 người. Kết quả thực hiện hòa giải: Trong 10 năm qua, các Ban , Tổ Hòa giải trong tỉnh đã tiếp nhận 94.477 vụ việc: trong đó 40.891 vụ việc dân sự, chiếm 43,28%; hôn nhân và gia đình 11.310 vụ, chiếm 11,97%; đất đai 28.043 vụ, chiếm 29,86%; lĩnh vực khác 12.761 vụ việc, chiếm 13,59%. Hoà giải thành 74.271 vụ, trong đó: 33.290 vụ việc dân sự, chiếm 44,82%; hôn nhân gia đình 9.655 vụ, chiếm 12,99%; đất đai 21.504 vụ, chiếm 28,95%; lĩnh vực khác 10.322 vụ, chiếm 13,89%; tỷ lệ hoà giải thành đạt 78,6%, trong đó từ năm 2004 - 2008 tỷ lệ hoà giải thành cao từ 82% trở lên. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác hoà giải như: thành phố Long Xuyên và các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Tịnh Biên… Kết quả của công tác hòa giải đã góp phần củng cố khối “đại đoàn kết toàn dân”, xây dựng lối xóm yên vui, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư khiếu nại, ngăn chặn phòng ngừa vi phạm và tội phạm ngay từ cơ sở. Điển hình như hoà giải các vụ việc: Vụ thứ I: Cưa cây đòn dông Đất của Ông A và đất của bà B ở liên kề nhau, khi ông A cất nhà thì đất nhà bà B là khoảng đất trống, nên khi xây nhà thì đòn dong nhà ông A ló qua đất bà B. Chính vì vậy, khi bà B xây nhà thì phát hiện cây đòn dong nhà ông A ló qua nhà mình, bà B liền lấy cưa, cưa cây đòn dong nhà ông A (phần ló qua nhà bà). Việc cưa đòn dong không ảnh hưởng gì đến nhà ông A. Tuy nhiên ở nông thôn thì đòn dong là vấn đề tâm linh và người dân rất xem trọng (coi nhà có đòn dong như có chủ) trong khi xây, cất nhà. Thế nên vụ việc tranh chấp giữa ông A và bà B tưởng như không giải quyết được. Tuy nhiên với kinh nghiệm, Tổ hoà giải đã vận dụng tình làng nghĩa xóm, về phong tục tập quán và quy định của pháp luật yêu cầu bà B mua mâm trái cây qua nhà ông A cúng ông bà để thể hiện thành ý. Với phương pháp hoà giải hợp lý, tổ hoà giải đã giúp ông A và bà B xóa bỏ xích mích, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, cùng sống với nhau vui vẻ. Vụ thứ II: Ba tấn lúa biến mất ? Nội dung sự việc xảy tại trên địa bàn huyện Châu Phú: Vào ngày 23/2/2006, ông An thu hoạch lúa và bán cho ông Bình. Hàng năm cùng một diện tích đất sản xuất lúa đều thu hoạch khoảng 8 tấn, không biết việc bỏ thẻ cho mỗi lần vác 01 bao lúa xuống ghe như thế nào mà số lượng lúa của ông An chỉ được 5 tấn. Ông An thấy lúa năm nay làm trúng như mọi năm sao lại thu hoạch thấp hơn đến 3 tấn, ông An rất buồn (vì gia đình qua năm chỉ nhờ vào 02 vụ lúa), cuối cùng ông An đề nghị ông Bình xuống ghe kiểm lại số bao/mỗi lần bỏ thẻ. Ông Bình trả lời: “Tao với mày là chỗ quen biết, để tao đem ra cân bao nhiêu kg thì về tao tính lại với mày bấy nhiêu kg, mày khỏi phải kiểm tra lại”. Kết quả ông Bình cân lúa xong về trả tiền cho ông An và nói lúa chỉ cân được 05 tấn như hôm trước, chứ không hơn không kém. Bức xúc, ông An làm đơn yêu cầu Tổ hoà giải giải quyết. Quá trình hoà giải Tổ hoà giải triệu tập lần đầu nghe trình bày của 02 bên. Tổ hoà giải hỏi ông Bình (bên mua): - Việc vận chuyển như thế nào? Bên nào chịu trách nhiệm bỏ thẻ? Lúa được đem cân khi nào, ở đâu và được bao nhiêu tấn ? - Ông Bình trả lời: Mỗi bao lúa đựơc chuyển xuống ghe thì được bỏ 01 thẻ. Bên tôi chịu trách nhiệm bỏ thẻ và đem cân lại cùng ngày và được 5 tấn. Sau đó Tổ hoà giải tiến hành xác minh và đến chỗ cân lại lúa của ông Bình và được biết ngày 23/2/2006 ông Bình có chở ghe lúa đến đây cân với số lượng là 8 tấn. Tổ hoà giải tiến hành mời ông An và ông Bình đến hoà giải lần 2: Tổ hoà giải nói với ông Bình “nơi mua lại lúa của ông cho biết cùng ngày hôm đó ông cân lại là 8 tấn”, Tổ hoà giải hỏi tiếp vậy 3 tấn lúa dư ra là ở đâu? Ông Bình không giải thích đựơc và chấp nhận số lượng cân lúa của ông An ngày 23/2/2006 là 8 tấn, đồng thời xin lỗi Tổ hoà giải và gia đình ông An. Có thể nói, trên đây chỉ đơn cử 1 vài vụ việc điển hình trong rất nhiều vụ việc hoà giải mà hoà giải viên đã hoà giải thành công ở cơ sở. Kết quả đó đã khẳng định về tính tất yếu và vai trò không thể thiếu được của công tác hoà giải ở cơ sở, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong xã hội, giải quyết một cách căn bản những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân. Xoá bỏ hiềm khích, mâu thuẫn hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Từ đó mỗi cá nhân, gia đình yên tâm lao động sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong 10 năm qua, đã có hơn 300 tập thể và cá nhân có thành tích trong công hoà giải được khen thưởng dưới nhiều hình thức. Qua đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp, đồng thời động viên, khuyến khích những cá nhân và tập thể phấn đấu hoà thành tốt nhiệm vụ trong công tác hoà giải. Công tác hoà giải ở cơ sở giải quyết kịp thời, tại chỗ những mâu thuẫn, tranh chấp, dập tắt nhanh những mầm mống làm nảy sinh vi phạm pháp luật và tội phạm, từ đó củng cố và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần cùng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương làm lành mạnh xã hội ở khu dân cư, giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Công tác hòa giải không những giải quyết được tranh chấp, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, mà còn tích cực chuyển tải một số lượng pháp luật đáng kể vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân. Hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp dẫn đến tình trạng quá tải đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, đồng thời tiết kiệm được chi phí cho nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của của nhân dân và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho công dân.