Nhìn lại 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tủ sách pháp luật ở An Giang

03/11/2008
Thực hiện Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; ngày 28/10/1999 Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Chỉ thị số 01/1999/CT-BTP triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Ngày 25/02/1999 Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Chỉ thị số 06/1999/CT.UB về xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xây dựng ngay một tủ sách riêng gọi là “Tủ sách pháp luật” để một mặt cung cấp tư liệu cho cán bộ, chính quyền địa phương nghiên cứu sử dụng và nhân dân có điều kiện tiếp xúc tìm hiểu pháp luật của nhà nướ. Giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án, kế hoạch và hướng dẫn mô hình chung về tủ sách pháp luật ở từng địa bàn xã có tính đến những đặc thù riêng, đặc biệt là các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng có người dân tộc Chăm, khmer. Phối hợp với cơ quan tài chính, UBND xã lập dự toán, cân đối ngân sách hàng năm để đóng tủ, mua sách pháp luật trang bị cho các tủ sách theo đúng quy định …

Để thực hiện các văn bản của Trung ương và Chỉ thị của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã xây dựng đề án, văn bản hướng dẫn cho UBND các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn, các Phòng Tư pháp thực hiện việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cấp mình từ tháng 3 năm 1999. Phối hợp với Sở Tài chính cân đối, hướng dẫn Ban Tài chính cấp xã cấp ngân sách cho việc đóng tủ, mua sách pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Ở cơ sở, cấp uỷ, UBND cấp xã đã nhận thức sâu sắc, có sự quan tâm đúng mức, coi đây là một trong những nhiệm vụ, biện pháp, hình thức tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân dân ở địa phương. Tư pháp cấp huyện, cấp xã tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất, tham mưu UBND cấp mình xúc tiến xây dựng tủ sách pháp luật theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh. Về cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị, thành phố thời gian quan, đã đảm bảo chặt chẽ đáp ứng yêu cầu từ việc xây dựng, khai thác, đến cấp kinh phí mua đầu sách pháp luật cho các tủ sách.

Cùng với việc quan tâm xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, ở An giang còn quan tâm xây dựng tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học… Ở một số địa phương, tủ sách còn được xây dựng ở khóm, ấp, cụm dân cư, tổ hoà giải, nhà dân (thị xã Châu Đốc, thành phố Long Xuyên); tủ sách được xây dựng tại một số điểm hớt tóc, chùa của đồng bào dân tộc Khmer (02 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên); tủ sách, ngăn sách còn được quân tâm xây dựng ở các Đồn Biên phòng, ở các Điểm bưu điện văn hoá xã (đã có 45/80 điểm bưu điện văn hoá xã có ngăn sách, tủ sách pháp luật), góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu pháp luật của nhân dân.…

Toàn tỉnh An Giang có 154 tủ sách pháp luật/154 xã, phường, thị trấn; 277 tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; tại khóm, ấp, khu dân cư 256 tủ sách hoặc ngăn sách pháp luật; 7 tủ sách pháp luật tại Đồn biên phòng; tại các chùa của người dân tộc thiểu số có 17 tủ sách pháp luật; Bưu điện văn hoá cấp xã có 55 tủ sách pháp luật và 47 tủ sách, túi sách pháp luật khác (nhà dân, tiệm hớt tóc…) . Về cơ cấu sách: Chủ yếu là 04 loại sách: Công báo, tập hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh ban hành hàng năm, sách bình luận, hướng dẫn nghiệp vụ, Báo Công an, bản tin tư  pháp. Tủ sách cơ quan đơn vị, trường học chủ yếu là các loại sách về chuyên ngành, còn tủ sách pháp luật ở khóm ấp, khu dân cư chủ yếu là các loại sách: Luật đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật khiếu nại, tố cáo…Định kỳ mỗi năm 02 lần, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cán bộ phụ trách hệ thống, phân loại, bổ sung những văn bản pháp luật mới sửa đổi, bổ sung. Hàng năm, Sở Tư pháp biên soạn tờ bướm, sách nhỏ ngắn gọn, dễ hiểu và thiết thực để cấp phát cho tủ sách pháp luật.

Kinh phí thực hiện: Năm 1999 thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND tỉnh, UBND các xã, phường, thị trấn cấp từ 1,5 đến 02 triệu đồng để mua tủ sách pháp luật. Từ năm 2000 đến nay, hàng năm mỗi xã phường, thị trấn cấp từ 1 triệu đến 2 triệu đồng để mua sách báo, bổ sung đầu sách cho các tủ sách, ngăn sách pháp luật trên địa bàn, một số đơn vị cấp cho tủ sách pháp luật 3 triệu đồng/năm là thành phố Long Xuyên và huyện Phú Tân, Chợ Mới. Tổng cộng mỗi năm trên toàn tỉnh An Giang cấp kinh phí cho tủ sách pháp luật 317.050.000 đồng. Trong đó huyện cấp kinh phí nhiều nhất là huyện Phú Tân 50.000.000đ/năm, Châu Phú 45.000.000đ/năm, Tịnh Biên 36.000.000đ/năm, thành phố Long Xuyên 34.700.000đ/năm. Nguồn kinh phí cấp cho tủ sách pháp luật chủ yếu là từ ngân sách cấp xã.

Hiệu quả tủ sách pháp luật thể hiện qua công tác khai thác, sử dụng sách pháp luật của cán bộ và nhân dân. Sau khi xây dựng tủ sách pháp luật, UBND các xã, phường, thị trấn thông báo trong nội bộ cán bộ, công chức và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (truyền thanh cơ sở) cho nhân dân biết. Hình thức khai thác, ngoài việc đọc tại chỗ, sách pháp luật còn được cho mượn về khi có nhu cầu cần tham khảo, nghiên cứu, có niêm yết danh mục và mở sổ theo dõi việc tăng giảm cũng như việc cho mượn sách, báo pháp luật. Việc sắp xếp, phân loại sách báo tương đối ngăn nắp, dễ tìm. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh An Giang có 304.795 lượt người đến đọc sách tại các tủ sách pháp luật. Trong đó 207.484 lượt bạn đọc đến đọc tại chỗ và mượn sách tại tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn; có 97.311 lượt người đến đọc tại tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Trung bình mỗi ngày có khoản từ 10 đến 20 lượt tủ người đến tìm đọc, nghiên cứu những văn bản pháp luật mà họ quan tâm/tủ sách pháp luật. Lĩnh vực mà người dân quan tâm nhiều nhất là vấn đề bức xúc của họ liên quan đến khiếu nại, tố cáo, đất đai, nhà ở, dân sự, hôn nhân và gia đình, hụi họ...

Nhìn chung, Qua 10 năm triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/1999/CT.UB của UBND tỉnh, có thể nói rằng chủ trương xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn là phù hợp với điều kiện ở địa phương và có ý nghĩa thiết thực đối với chính quyền và nhân dân. Sách pháp luật giúp cho cán bộ làm công tác tại xã, phường, thị trấn trong việc tìm hiểu, vận dụng pháp luật để điều hành, giải quyết công việc hàng ngày ở địa phương, đồng thời cung cấp tài liệu cho cán bộ  và nhân dân trên địa bàn tìm đọc, tham khảo khi có những vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật.

Hải Quân