Nam Định: Nhìn lại công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2008

03/11/2008
Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những trọng tâm công tác tư pháp năm, Sở Tư pháp Nam Định đã tích cực chỉ đạo, tham mưu thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được nhiều thành tích.

Ngay từ đầu năm, đã trình UBND tỉnh Nam Định ban hành kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007 của UBND tỉnh Nam Định về việc thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban bí thư TW Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 02 tháng 04 năm 2008 về triển khai thực hiện Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 20/3/2008 về tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh tổ chức và hoà giải ở cơ sở và quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg về dự án xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; Tham mưu cho Lãnh đạo Sở phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình PBGDPL từ năm 2003 đến năm 2007.

Thực hiện Quyết định 212/2004/QĐ-TTg  về chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật  của cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn từ năm 2005-2010, đã tiến hành tổ chức 2 đợt tập huấn kiến thức pháp luật về đất đai, khiếu nại – tố cáo, pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn cho 500 đối tượng  là Trưởng ban Tư pháp và Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Chọn chỉ đạo điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 tại huyện Xuân Trường và tổ chức khảo sát tại 3 đơn vị Xuân Tân, Xuân Vinh, Xuân Ninh với 120 phiếu về trình độ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân. Phối hợp với Phòng tư pháp huyện Xuân Trường tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho hơn 200 tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, tập trung vào 7 lĩnh vực pháp luật đó là: thủ tục hành chính, dân sự, khiếu nại - tố cáo, hôn nhân gia đình, đất đai, tài nguyên môi trường, chế độ việc làm, lao động, chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong toàn tỉnh, đến nay đã có 75 báo cáo viên pháp luật, đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xử lý vi phạm hành chính, kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo 138 tỉnh, Sở đã  triển khai các hoạt động thuộc chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm;tổ chức “Chương trình  thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật cho nhân dân và đoàn viên thanh niên khu vực biên giới biển với sự tham gia của hơn 300 đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã Giao An, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho gần 150 tuyên truyền viên, hoà giải viên của các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Trong công tác biên soạn và phát hành tài liệu pháp luật, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 1.000 quyển sách “Nghiệp vụ về hoà giải ở cơ sở”, 1.000 quyển sách “Chuyên đề về xử lý vi phạm hành chính”, xây dựng và phát hành gần 7.000 tờ rơi pháp luật về đất đai, giao thông đường bộ; Biên soạn và phát hành Bản tin tư pháp ra hằng quý, Bản tin số chuyên đề về phòng chống tội phạm ( mỗi số 1.000 bản). Thực hiện quyết định 212/2004/QĐ-TTg đã tiến hành trao tặng sách cho tủ sách pháp luật của một số đơn vị cấp xã thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường với gần 100 đầu sách/tủ sách

Trong công tác hoà giải ở cơ sở và tủ sách pháp luật, Sở đã chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện và thành phố tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác quản lý, khai thác, tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Cho đến nay đã có 10/10 đơn vị cấp huyện tiến hành tổng kết điểm ở một đơn vị cấp xã, từ đó tiến hành tổng kết trên phạm vi toàn huyện. Về công tác hoà giải:Đến 30 tháng 6 năm 2008, tỉnh Nam Định có 3.573 tổ hoà giải với 20.676 hoà giải viên ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Kết quả hoà giải thành: 35.299 việc, tỷ lệ hoà giải thành đạt: 85,7%; Về công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật: Hiện nay 229/229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng được Tủ sách pháp luật, bình quân mỗi tủ sách cấp xã có khoảng từ 100 đầu sách, trong đó có phải kể đến tủ sách pháp luật xã Xuân Kiên huyện Xuân Trường: 350 đầu sách, xã Xuân Vinh huyện Xuân Trường: 315 đầu sách; phường Trần Tế Xương, phường Trần Hưng Đạo, phường Phan Đình Phùng, phường Lộc Vượng,…

            Trong thời gian tới để tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ và nhân dân, Nam Định Cần tăng cường các nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công tác này; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị tài liệu pháp luật cho đội ngũ này. Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân ở cơ sở. Trong đó chú trọng đến hình thức thông qua sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, qua sinh hoạt của các câu lạc bộ, qua đó nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho nhân dân, góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật phát sinh tại cơ sở.

Trần Hồng Nhung