Cán bộ tư pháp cơ sở cần phải được chuyên sâu

23/10/2008
Cán bộ Tư pháp cơ sở được xác định là công chức cấp xã với chức danh chuyên môn là công chức Tư pháp hộ tịch, có trách nhiệm giúp UBND cấp xã quản lý Nhà nước về công tác tư pháp tại địa phương. Cán bộ Tư pháp hộ tịch có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ của ngành tư pháp tại cơ sở.

Theo thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BNV-BTP ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thì cán bộ tư pháp hộ tịch phải đảm đương 12 loại việc đó là: Thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương; giúp UBND cấp xã soạn thảo các văn bản về công tác tư pháp ở địa phương; tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND cấp xã ban hành; xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ và nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, làng, bản, cụm dân cư; hướng dẫn hoạt động của các tổ hoà giải; thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; trực tiếp khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật. Có thể nói bao nhiêu lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của ngành tư pháp thì cán bộ Tư pháp hộ tịch cũng phải ‘gồng gánh’ bấy nhiêu loại việc trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Nhiệm vụ của cán bộ Tư pháp hộ tịch là rất nặng nề. bên cạnh đó thực hiện sự phân cấp của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp thì nhiệm vụ được giao cho cán bộ tư pháp hộ tịch càng nhiều, càng phức tạp hơn. Một số công việc trước đây thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện thì nay giao về cấp xã như: đôn đốc thi hành án có giá trị dưới 500.000đ, cải chính thay đổi hộ tịch đối với người dưới 14 tuổi, chứng thực bản sao  tiếng Việt … từ đó không những tăng về số lượng công việc mà đòi hỏi yêu cầu chất lượng công việc phải được nâng lên, cách làm phải được đổi mới để loại bỏ bớt các thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân. 

Theo thống kê của Sở Tư pháp Ninh Bình toàn tỉnh hiện có 1456 công chức Tư pháp hộ tịch trên tổng số 147 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 28 cán bộ trình độ Đại học, Cao đẳng luật và tương đương, 65 cán bộ trình độ Trung cấp luật và tương đương, 21 cán bộ Trung cấp, cao đẳng ngành khác còn lại 27 cán bộ chưa qua lớp đào tạo nào, trong số này có tới 15 cán bộ chỉ tốt nghiệp Trung học cơ sở. 

Tính đến hết tháng 3/2008 toàn tỉnh có 132/147 cán bộ Tư pháp hộ tịch có nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp, 34 cán bộ có nhu cầu được đào tạo hệ Trung cấp luật hoặc tương đương. Có thể thấy trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch còn nhiều hạn chế trong khi đó lại thường xuyên bị thay đổi, thuyên chuyển công tác do nhu cầu bố trí sắp xếp cán bộ sau mỗi lần bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. 

Một khó khăn nữa hiện nay suốt thời gian dài trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hầu hết hết cán bộ Tư pháp hộ tịch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình phải kiêm luôn Phó trưởng Công an xã phụ trách đăng ký, quản lý hộ khẩu trên tại địa phương. Trong khi số lượng vụ việc về tư pháp hộ tịch cấp xã ngày một nhiều rất cần được sự giúp đỡ, tư vấn, giải quyết kịp thời của cán bộ tư pháp, dẫn đến tình trạng một số cán bộ tư pháp không có thời gian giải quyết các yêu cầu liên quan đến lĩnh vực tư pháp vì mãi lo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn khác, nhiều nơi UBND xã buộc phải sắp xếp lịch làm việc theo ngày thậm chí từng lĩnh vực. 

Trước thực trạng trên yêu cầu nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch là rất cần thiết. Sở Tư pháp Ninh Bình với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước vè công tác tư pháp đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở. Trong năm 2008, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ mở 3 lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp cho cán bộ tư pháp hộ tịch, Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch của 147 xã, phường, thị trấn. Nội dung tập huấn chủ yếu đề cập đến 7 chuyên đề cơ bản về kỹ năng nghiệp vụ trong các lĩnh vực tư pháp như: Soạn thảo, kiểm tra văn bản, tuyên truyền pháp luật, hoà giải ở cơ sở, thi hành án dân sự, đăng ký và quản lý hộ tịch, trợ giúp pháp lý, chứng thực. Bên cạnh đó Sở Tư pháp cũng thường xuyên thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động tư pháp cơ sở quan đó kịp thời chấn chỉnh những sai sót về chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở. 

Một điều đáng mừng vừa qua UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định 1468/2008/QĐ-UBND về việc cán bộ tư pháp thôi không kiêm Phó trưởng công an xã kể từ ngày 1.10.2008. Quy định này sẽ là  cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp cơ sở chuyên trách, chuyên sâu và tạo điều kiện cho họ có thời gian nghiên cứu học tập tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để công tác tư pháp cơ sở ngày càng nâng cao được hiệu quả, cùng với những giải pháp trên các cơ quan chức năng cần có những chủ trương thiết thực hơn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch. Trước hết là chất lượng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ có trình độ từ Trung cấp luật trở lên, bên cạnh đó từng bước chuẩn hoá, thay đổi những cán bộ không đáp ứng yêu cầu về trình độ văn hoá cũng như chuyên môn nghiệp vụ mạnh dạn giải quyết chính sách đối với những cán bộ trình độ năng lực hạn chế, tuyển dụng những cán bộ trẻ, có chuyên môn, nghiệp vụ có như vậy công tác tư pháp cơ sở  mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới./.

Thiều Thị Tú