Hà Nội tổng kết 10 năm công tác hòa giải ở cơ sở: Rực rỡ những đóa hoa 5 tốt

23/10/2008
Hôm qua-22/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố. 39 tập thể và 65 cá nhân đã được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen vì những thành tích trong công tác hoà giải cơ sở.

Kiên trì hoà giải khi nào thành mới thôi

            Đó là phương châm của hầu hết các Tổ hoà giải đang hoạt động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tính đến ngày 1/8/2008, toàn thành phố có 5.634 Tổ hoà giải với 34.079 hoà giải viên (HGV). Sau khi các Tổ hoà giải được kiện toàn, không có tổ hoà giải nào có dưới 3 HGV. Các HGV đa phần đều là người của các tổ chức đoàn, hội có nhiều kinh nghiệm  hoạt động cũng như am hiểu kiến thức pháp luật.

            “Tổ hoà giải 5 tốt” là mô hình được Sở Tư pháp Hà Nội xây dựng thí điểm trong năm 2002-2003. Từ việc thí điểm thành công tại 5 phường, xã điểm đem lại kết quả thiết thực, Sở Tư pháp đã thống nhất với MTTQ thành phố nhân rộng mô hình này trên tất cả các xã, phường, thị trấn của Hà Nội. Hiện nay, toàn thành phố có gần 500 “Tổ hoà giải 5 tốt”, trong đó có nhiều quận, huyện có nhiều Tổ hoà giải đạt tiêu chuẩn 5 tốt như quận Hoàn Kiếm có 135 tổ, quận Cầu Giấy 112 tổ, quận Long Biên 67 tổ, quận Ba Đình 42 tổ...Thấy được hiệu quả mà các “Tổ hoà giải 5 tốt” mang lại, lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tiếp tục tích cực chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trực thuộc chú trọng xây dựng mô hình này.

            Trong 10 năm qua, tổng số vụ việc hoà giải ở cơ sở của Hà Nội là 142.319 vụ, đã hoà giải thành 118.590 vụ đạt tỷ lệ 83,3%. Cụ thể, số vụ việc dân sự hoà giải thành 12.661/16.016 vụ đạt tỷ lệ 79%, hôn nhân gia đình 11.525/15.608 đạt tỷ lệ 73,8%. Đặc biệt, những vụ việc trong lĩnh vực đất đai, vốn bị coi là lĩnh vực “xương” nhất, hay phát sinh khiếu kiện nhất thì tỷ lệ hoà giải thành lại đứng đầu với  19.657/21.143 vụ, đạt tỷ lệ 92,9%. Một số quận huyện có tỷ lệ hoà giải thành cao như Long Biên 89%, Ba Đình 87%, Hoàn Kiếm 88%, Thanh Xuân 86%...

Từ những con số kết quả có thể thấy, các HGV ở cơ sở, trong 10 năm qua bằng tấm lòng,sự kiên trì, cần mẫn của mình đã có những đóng góp thật to lớn cho sự bình yên của xã hội, giảm nhẹ gánh nặng xét xử cho hệ thống các cơ quan toà án,  tố tụng.

Còn đó nỗi lo “Có thực...”

            10 năm hoạt động hoà giải, chắc chắn 5.634 Tổ hoà giải và 34.079 HGV của Hà Nội không thể tránh khỏi những khó khăn, tồn tại, ưu khuyết. Và, hơn cả là nỗi chạnh lòng của những người bị mang tiếng là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chị Phạm Lan Phương, Tổ trưởng Tổ hoà giải số 1 phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (là Tổ hoà giải đã được chọn báo cáo điển hình tại hội nghị) tâm sự, đi hoà giải cho mọi người, nhưng đôi khi chính mình cũng bị lâm vào thế cần hoà giải (!), bởi gia đình người thân có đôi lúc không hiểu, dẫn tới không thông cảm...

            Tâm sự của chị Lan Phương cũng là tâm sự của rất nhiều HGV khác, vì với mức hỗ trợ 70.000đồng/tháng/tổ như hiện nay (theo QĐ172/QĐ-UB ngày 13/2/2002) thì họ coi như đang đi làm không công cho xã hội. Rõ ràng mà nói, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Nghị định 160/1999/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh không có điều khoản nào quy định về vấn đề kinh phí dành cho công tác hoà giải cơ sở, mà chỉ dừng lại ở quy định chung chung “căn cứ vào tình hình cụ thể, khả năng ngân sách của địa phương, UBND các cấp tạo điều kiện hỗ trợ...”. Thấy được những khó khăn của HGV, UBND thành phố đã có Quyết định 172 về mức hỗ trợ cho các Tổ hoà giải, nhưng trên thực tế không phải chính quyền cơ sở nào cũng nghiêm túc thực hiện. Hơn nữa, số tiền hỗ trợ nếu so với thời giá hiện nay, có lẽ chỉ đủ để mua giấy bút trang bị cho HGV, nói gì đến vấn đề động viên tinh thần.

            Ngày 5/8/2005, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 63/TT-BTC quy định tiền thù lao cho HGV từ 50.000-100.000 đồng/1 vụ nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể về mục chi, khoản chi, hồ sơ vụ việc phục vụ thanh toán...nên chưa thể triển khai trong thực tế.

            Chính vì thế, một trong những kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước của Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải là Bộ Tài chính cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể nguồn chi, hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán việc chi thù lao cho hoà giải viên theo tinh thần Thông tư 63. Bên cạnh đó,  UBND thành phố cũng cần xây dựng kế hoạch dành nguồn kinh phí hỗ trợ chi cho công tác hoà giải cơ sở theo quy định tại Thông tư này.

Xuân Hoa           

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền đề nghị các ngành, các cấp cần dành sự quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ cho các HGV ở cơ sở và có hình thức khen thưởng kịp thời, tôn vinh những tấm gương HGV giỏi để qua đó nhằm tăng số lượng, chất lượng HGV.