Sở Tư pháp Sơn La: Kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND huyện Sông Mã ban hành từ 01/01/2000 đến ngày 30/6/2008

24/10/2008
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 08/01/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La về triển khai công tác kiểm tra, tự kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Sở Tư pháp thành lập đoàn kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã ban hành từ 01/01/2000 đến 30/6/2008, thành phần trong đoàn gồm: đồng chí Phó Giám đốc - Nguyễn Trường Sinh, Phòng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Sở Tư pháp, các công tác viên kiểm tra văn bản của tỉnh.

           Đối với cấp huyện, trên tinh thần làm việc vừa kiểm tra theo thẩm quyền vừa giúp địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản từ trước tới nay. Đoàn đã tiến hành kiểm tra tổng thể trên 7600 văn bản các loại, trong đó có 296 văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết của Hội đồng nhân dân: 51 văn bản; Quyết định của Uỷ ban nhân dân: 234 văn bản; Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân: 11 văn bản). Qua kiểm tra phát hiện 09 văn bản sai thẩm quyền (về ban hành quy chế làm việc của các cơ quan chuyên môn của huyện) đã được đoàn kiểm tra đề nghị bãi bỏ toàn bộ 09 văn bản này.

          Tuy còn một số văn bản mắc lỗi về thể thức kỹ thuật trình bày. Còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác xây dựng, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản QPPL còn những sai sót nhất định. Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân được giao nhiệm vụ xây dựng, soạn thảo, thẩm định văn bản với các cơ quan có liên quan chưa chặt chẽ và chưa thực hiện đúng quy trình theo quy định của pháp luật, dẫn đến chất lượng tham mưu, đề xuất của các cơ quan này chưa cao theo yêu cầu của hoạt động quản lý ngành, quản lý lĩnh vực tại địa phương;  Công tác tự kiểm tra, rà soát đối với văn bản đã được Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện ban hành (đang thực hiện; không còn thực hiện; đã được bãi bỏ) chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến việc văn bản mới ban hành chồng chéo, nội dung mâu thuẫn với văn bản cũ làm ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành; Việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Còn một số sai sót về thẩm quyền ban hành, căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày.

          Nhưng phần lớn các văn bản do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện ban hành đã từng bước đảm bảo và tuân thủ tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã đã chủ động, kịp thời ban hành văn bản của cấp mình để áp dụng phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó tăng cường hoạt động quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện.

          Để từng bước khắc phục những tồn tại đã nêu, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc Luật ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, Chỉ thị 04/2007/CT-UBND ngày 18/01/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Từng bước đưa công tác ban hành văn bản đạt chất lượng và hiệu quả cao, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu tính khả thi, trái pháp luật của văn bản. Từ đó nâng cao vai trò quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân huyện Sông Mã cần tiếp tục tăng cường: Chỉ đạo, rút kinh nghiệm chung trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản ở các cấp, các ngành do huyện quản lý. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan: soạn thảo văn bản, thẩm định và kiểm tra văn bản. Đặc biệt chỉ đạo cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Uỷ ban nhân dân huyện phải có ý kiến thẩm định của Phòng Tư pháp theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn về xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát văn bản. Hàng năm xây dựng kế hoạch chỉ đạo tự kiểm tra, rà soát thường xuyên các văn bản đã ban hành; tổ chức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đối với các xã, thị trấn. Quan tâm, củng cố, bố trí đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; Thực hiện cấp kinh phí kiểm tra văn bản, kinh phí xây dựng, soạn thảo, thẩm định văn bản.  Tiến hành báo cáo định kỳ công tác soạn thảo, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo mẫu và đảm bảo đúng thời gian gửi báo cáo quy định tại Chỉ thị số 32/2005/CT-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Sáu tháng và hàng năm tổ chức chỉ đạo tập hợp, công bố công khai danh mục văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện ban hành đã hết hiệu lực.

Đỗ Minh