Công tác hoà giải ở Nam Định: Trên dưới đồng lòng

24/10/2008
Qua 10 năm triển khai Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần giải quyết được mâu thuẫn xích mích, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự xóm, làng, bình yên xóm ngõ ở khu dân cư, góp phần vào việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Với 3.573 tổ hoà giải, 20.676 hoà giải viên ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong 10 năm qua, các hoà giải viên ở Nam Định đã  thụ lý: 41178 việc, hoà giải thành: 35.299 việc, tỷ lệ hoà giải thành đạt: 85,7%.

Ảnh hưởng lớn của việc triển khai Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở là đã tạo được sự chuyển biến lớn về nhận thức đối với công tác hoà giải của các cấp chính quyền. Vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động hoà giải đã được quan tâm, tăng cường chỉ đạo hướng dẫn ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Có thể nói, công tác hoà giải cơ sở ở Nam Định  luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc tổ chức và thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp về công tác hoà giải, trên cơ sở đó, cơ quan Tư pháp địa phương đã tham mưu cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo chỉ đạo và tạo điều kiện phối hợp đẩy mạnh hoạt động hoà giải. Thành viên Tổ hoà giải là Trưởng các tổ chức quần chúng ở cơ sở, nhiều người là cán bộ, công chức, sỹ quan quân đội … nghỉ hưu và đã tham gia công tác hoà giải nhiều năm, có uy tín trong cộng động dân cư, mặt khác các tổ viên tổ hoà giải là những người trực tiếp ở cơ sở nên sớm nắm bắt được các mâu thuẫn phát sinh, kịp thời giải quyết trên cơ sở tình làng, nghĩa xóm, phong tục tập quán, truyền thống đạo lý và các quy định của pháp luật liên quan, nên kết quả hoà giải đảm bảo chất lượng. Sự phối kết hợp của cơ quan tư pháp với UBMTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện đồng bộ và thường xuyên trong việc triển khai, thực hiện Pháp lệnh. Hầu hết các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hương ước, quy ước về nếp sống văn hoá khu dân cư.  Qua 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Nam Định đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, trong 10 năm kể từ khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở có hiệu lực, cấp uỷ  và chính quyền, các đoàn thể ở địa phương nhận thức đầy đủ về công tác hoà giải thì địa phương đó công tác hoà giải ở cơ sở được triển khai tốt, xích mích, vi phạm pháp luật giảm, ít đơn thư khiếu nại, tình đoàn kết trong nội bộ dân cư được đảm bảo; tình làng, nghĩa xóm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư được được phát huy, trật tự an ninh được ổn định góp phần rất lớn trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật. Thứ hai, phải chủ động thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng các Tổ hoà giải phù hợp với địa bàn dân cư, có đủ số lượng, đảm bảo đúng thành phần, tổ viên Tổ hoà giải có uy tín, được bồi dưỡng về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, đó là cơ sở để có vụ việc hoà giải thành cao, hạn chế đơn thư khiếu nại, khởi kiện lên cơ quan cấp trên hoặc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nâng cao nhận thức về pháp luật của nhân dân, trật tự an ninh được giữ vững.  Thứ ba, trong thực tiễn hoạt động hoà giải cho thấy, trình độ dân trí về pháp luật là vấn đề then chốt bảo đảm cho việc hoà giải thành. Chính vì vậy tỉnh Nam Định luôn con trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân để mỗi công dân hình thành trong ý thức của mình nếp “sống làm việc và xử lý theo pháp luật”. Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khuyến khích và động viên cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể khác ở cơ sở, cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào hoạt động hoà giải ở cơ sở. Gắn hoạt động hoà giải với các phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá”, phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”…ở các thôn, xóm, khu phố trong toàn tỉnh. Thứ năm, hoạt động hoà giải phải được tiến hành ngay từ khi vụ việc mới phát sinh và được giải quyết thấu tình, đạt lý, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương nhưng không được trái với pháp luật.

Trong thời gian tới để có thể nâng cao chất lượng công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh Nam Định cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác hoà giải cơ sở nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, nâng cao nhận thức của các cấp các ngành về tầm quan trọng của công tác hoà giải; Tăng cường các nguồn lực cho công tác hoà giải và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công tác này; củng cố, kiện toàn đội ngũ hoà giải viên, cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị tài liệu pháp luật cho đội ngũ  hoà giải viên; Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hoà giải ở cơ sở, phân công đầu mối phối hợp thực hiện theo dõi, quản lý, tổ chức và hoạt động, đầu tư có tính chiến lược, tạo thế và lực để công tác hoà giải tiếp tục phát triển, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật, ổn định an ninh trật tự ở địa phương.hoà giải ở địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân ở cơ sở. Trong đó chú trọng đến hình thức thông qua sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, qua sinh hoạt của các câu lạc bộ, qua đó nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho nhân dân, góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật phát sinh tại cơ sở./.

Trần Hồng Nhung