Công tác phòng chống tội phạm truyền thống và phi truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế của lực lượng Cảnh sát biển

17/10/2008
Việt Nam nằm trên bờ biển Đông, một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, với diện tích khoảng 3,4 triệu km2, lớn gấp 2 lần biển Nhật Bản. Biển Đông được vây quanh bởi 11 quốc gia, trong khi không có biển nào có tới hơn 5 quốc gia vây quanh. Biển Đông có 2 quần đảo nằm giữa có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát biển. Nước ta còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hướng ra biển của các quốc gia trong khu vực.

Các vùng biển Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2, có khoảng 3.000 đảo lớn, nhỏ hợp thành một hệ thống với tổng diện tích 1.636 km2 phân bố không đều, tập trung ở 2 Vùng biển Bắc Bộ và Nam Bộ. Biển Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nằm trong khu vực kinh tế năng động với nhiều tuyến hàng hải quốc tế đi qua. Thực tiễn trên biển Việt Nam còn nhiều vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hiện tại còn có nhiều quốc gia chiếm giữ và nhiều vấn đề tranh chấp đang cần giải quyết. Vùng biển đảo nước ta tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Thái Lan, Bru-nây, Đài Loan chưa được phân định cụ thể còn đang tranh chấp dễ xảy ra mất ổn định. Nhiều nước lớn đang muốn bành trướng thế lực, đẩy mạnh phát triển quân sự tạo thế và lực ở những vùng tranh chấp biển Đông.

Thực trạng các vùng biển của Việt Nam và việc phân định biển giữa Việt Nam với các nước có liên quan còn rất phức tạp. Đặc biệt là khu vực biển Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển Việt Nam - Cămpuchia, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển. Một số khu vực biển có mật độ các đảo lớn, các tuyến hàng hải giữa Việt Nam với các nước nhiều, mật độ tàu thuyền hoạt động lớn, đa dạng về loại hình là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng, tiến hành các hoạt động tội phạm. Tình hình vi phạm pháp luật trên biển đa dạng và tính chất ngày càng phức tạp đặc biệt là các hành vi vi phạm về bảo vệ tài nguyên, môi trường; an ninh, trật tự, an toàn; vận chuyển trái phép người và vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý và các chất kích thích; buôn lậu, cướp biển và các hành vi vi phạm phạm pháp luật khác.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình an ninh chính trị, an ninh quốc gia trên thế giới và khu vực có những biến động rất phức tạp, khó lường. Các hoạt động tội phạm ngày càng gia tăng và diễn ra với mức độ nguy hiểm, phức tạp, tinh vi và xảo quyệt hơn trước. Việt Nam với chủ trương mở cửa nền kinh tế thị trường, đặc biệt là sự tác động của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Song bên cạnh đó thì tính chất của nhiều mối quan hệ xã hội bị thay đổi, nhiều luồng tư tưởng cực đoan, bảo thủ đã du nhập vào nước ta, làm phát sinh các hành vi nguy hiểm cho xã hội và an ninh quốc gia.

Công tác phòng chống vi phạm, tội phạm trong những năm qua đã được triển khai và thực hiện, song trên thực tế còn nhiều lĩnh vực mới mẻ, chưa có tiền lệ, địa bàn hoạt động rộng, trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên ở một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, nhất là các loại tội phạm như công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm liên quan đến tài chính ngân hàng, chứng khoán, rửa tiền, buôn bán phụ nữ và trẻ em…Tệ nạn ma tuý vẫn còn diễn biến phức tạp với nguy cơ ma tuý tổng hợp ATS, ma tuý vẫn được vận chuyển vào trong nước với số lượng lớn.

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển của lực lượng Cảnh sát biển trong những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn trên nhiều mặt:

Đã tạo bước chuyển biến quan trọng của toàn xã hội và người dân làm ăn trên biển trong nhận thức về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm; các cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân đều xác định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn trên biển, coi đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mỗi tổ chức, cá nhân.

Từng bước tạo sự chuyển biến về trật tự, an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật, phát huy được nguồn lực to lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển.

Trong thời gian qua, Lực lượng Cảnh sát biển trực tiếp và phối hợp với các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển hàng hoá trái phép cũng như buôn bán ma tuý. Điển hình như các vụ:

Tàu chở gỗ và hàng hoá các loại: Bắt giữ tàu QB 2193 chở hơn 15 m3 gỗ Sưa không có giấy tờ, bàn giao cho Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh xử lý theo quy định; Tàu NA 95445 và tàu 95456 chở 128,6 kg pháp nổ có nguồn gốc từ nước ngoài về; KG 00677 và tàu KG 00678 chở 37 cây thuốc lá Hêrô, 71 hộp mỹ phẩm và 34 đôi dép Thái lan; Tàu Thanh Hùng 03 chở 90 cây thuốc lá Hêrô nhập lậu; tàu Bình Minh 19 chở 28 cây thuốc lá 555 và mộ số mặt hàng điện tử đã qua sử dụng.

Tàu chở Quặng và than: Bắt giữ 05 tàu chở Quặng, tịch thu 2.476 tấn Quặng các loại, cụ thể các tàu: Hoằng Hoá 08 (TH0541) chở 523 tấn; tàu Thành Đạt 08 vi phạm 02 lần chở tổng cộng 870 tấn Quặng (lần 1 chở 200 tấn, lần 2 chở 670 tấn); tàu Minh Đức 06 (TH0415) chở 467 tấn; tàu Hàm Long (TH0467) chở 616 tấn Quặng và nhiều tàu chở than không có giấy tờ xử lý và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Về lĩnh vực cướp có vũ trang: Bắt giữ 04 người Cămpuchia, thu giữ 03 khẩu súng AK, 1 khẩu súng K59 và 93 viên đạn bàn giao cho phí Cămpuchia xử lý.

Về lĩnh vực phòng chống tội phạm ma tuý: Lực lượng Phòng chống tội phạm ma tuý của Cục Cảnh sát biển thường xuyên duy trì trực ban, trực nghiệp vụ để theo dõi, quản lý, tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến tình hình tội phạm ma tuý trên các vùng biển, chỉ đạo các Cụm đặc nhiệm PCTP ma tuý, các Vùng Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và chính quyền địa phương thu thập, nắm tình hình vi phạm, tội phạm của các đối tượng, phương tiện trên vùng biển Việt Nam, đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp đấu tranh. Trong những năm qua, lực lượng chuyên trách PCTP ma tuý Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp với lực lượng Công an tiến hành điều tra, khám phá 101 chuyên án, vụ án về ma tuý; bắt giữ 189 đối tượng phạm tội; thu giữ trên 12 bánh hêrôin, gần 01 kg thuốc phiện, 183 viên MTTH, 600 g ketamin; tạm giữ 03 xe ôtô, 49 xe máy, 72 điện thoại di động, 06 cân tiểu ly; 14950 USD, 1.073.280 HKD, 468.957.000 VNĐ, 278.691.000 NDT, 10 cây vàng, 50 vòng vàng, 21 nhẫn vàng01 súng K54 và nhiều vũ khí, tang vật, tài sản khác có liên quan.

Đặc biệt, ngày 12/5/2008, Phòng PCTP ma tuý Cục Cảnh sát biển đã phối hợp với Cục C17 Bộ Công an, Phòng PC17 Công an tỉnh Quảng Ninh, Hải Quan thị xã Móng Cái khám phá chuyên án 408P bắt giữ 05 đối tượng người nước ngoài vận chuyển ma tuý bằng đường biển trong container WHLU 5086522, thu giữ 8,8 tấn nhựa cần sa, 10.850 USD, 278.691.000 Nhân dân tệ, 1.073.280 HKD, số ngoại tệ trên có giá trị tương đương 3,3 tỷ VNĐ. Đây là chuyên án đấu tranh triệt phá có số lượng ma tuý lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và khu vực Châu Á.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển của lực lượng Cảnh sát biển trong những năm qua thấy rằng:

 Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, xảy ra trên các vùng biển của nước ta, thủ đoạn ngày càng tinh vi, với số lượng lớn và đa dạng hàng hoá. Các đối tượng thường sử dụng các phương tiện loại nhỏ hoặc sử dụng phương tiện có trọng tải lớn khi về gần hải phận của Việt Nam chúng thường chia nhỏ hàng hoá tiến hành sang mạn cho các loại tàu nhỏ và lợi dụng con nước, đêm tối vận chuyển vào bờ tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Tại vùng biển Tây Nam tình hình buôn lậu diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, nhưng thường xuyên, rất phức tạp, tập trung chủ yếu tại các khu vực biển thuộc thị xã Hà Tiên, thị trấn Ba Hòn về Phú Quốc, Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang và từ Gành Dầu, Hà Tiên sang Cămpuchia. Những mặt hàng nhập lậu qua đường biển chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, vải, hàng điện tử đã qua sử dụng, vật liệu xây dựng như gạch men, kính các loại và mỹ phẩm. Hàng hoá xuất lậu thường là khoáng sản, động thực vật quý hiếm, gỗ; hàng giả, hàng nhái không rõ xuất xứ hàng hoá thường là hàng xa xỉ phẩm, phấn son… Hàng hoá trốn thuế như linh kiện máy móc kỹ thuật, ô tô, hoá chất, dược liệu, thuốc y tế; …

Đối với tội phạm buôn lậu xăng dầu trên một số vùng biển thì các đối tượng lợi dụng vào sự chênh lệnh giá giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, sử dụng tàu cá đánh bắt xa bờ, các tàu có giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển, vận chuyển khối lượng lớn xăng dầu ra ngoài khơi hoặc vượt qua biên giới biển bán cho các phương tiện của nước ngoài…

Gần đây, hiện tượng xuất lậu than, quặng từ Thanh Hoá, Nam Định, Nghệ An và Quảng Ninh…và các tỉnh lân cận sang Trung Quốc diễn ra phức tạp, tinh vi. Các chủ hàng lợi dụng chính sách thu gom khoáng sản, quyết định thanh lý hàng hoá để chế biến, xuất khẩu, dùng thủ đoạn quay vòng hoá đơn, chứng từ, vận chuyển đến các cảng gần biên giới, khi có cơ hội vận chuyển qua biên giới xuất lậu ra nước ngoài, dẫn đến công tác đấu tranh chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn.

Đối với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt hơn như kết hôn giả, lợi dụng miễn visa, sử dụng hộ chiếu giả đưa phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài hoạt động mại dâm, bán làm vợ cho người Đài Loan , Cămpuchia, Malayxia, Singgapo, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc.

Tình trạng buôn bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tuyến biên giới đường bộ, đường biển. Trong đó, tập trung ở các tuyến trọng điểm gần biên giới Việt Nam với các nước Lào, Cămpuchia và Trung Quốc. Bọn tội phạm chủ yếu buôn bán, vận chuyển thuốc phiện, hêrôin,  thuốc tân dược gây nghiện, tiền chất… 

 Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO, trong những năm đầu của hội nhập chính sách thuế quan chưa ổn định, đồng bộ, thống nhất và còn nhiều kẽ hở trong thủ tục hải quan, vì thế hiện tượng buôn lậu gian lận thương mại và một số tội phạm khác còn tiếp tục diễn biến phức tạp; nhiều vụ án nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, mức độ, tính chất, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Đồng thời, lợi dụng việc khó phân biệt hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái qua biên giới (hành vi xâm phạm quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) và tội phạm buôn lậu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả dẫn đến tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng. các hình thức, phương pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn và hiệu quả không cao. Trong những năm tiếp theo, khi hành lang thuế quan tương đối hoàn chỉnh, thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu của kinh tế hội nhập thì hành vi buôn lậu sẽ giảm dần, thay vào đó là các tội phạm xuyên quốc gia về kinh tế như: hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới, buôn bán hàng giả, hàng nhái… ngày càng phát triển. Nhiều vụ án nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, mức độ, tính chất, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Đòi hỏi các ngành, các cấp, các lực lượng tiếp tục có chương trình, kế hoạch tiến hành các biện pháp công tác phát hiện, điều tra đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Dự báo trong những năm tới, với chính sách mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển đất nước nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, thị trường hàng hoá sẽ diễn ra hết sức phức tạp, bọn tội phạm trong nước cũng như quốc tế sẽ triệt để lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ cao, trang bị máy móc hiện đại để liên lạc, thu thập thông tin, lấy cắp các thông tin mật, lừa gạt trên các lĩnh vực phạm tội của chúng. Các tội phạm truyền thống như trộm cắp, cướp tài sản, đầu cơ chứng khoán, ngân hàng, rửa tiền, buôn bán phụ nữ và trẻ em... trong thời gian tới sẽ bùng phát với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn, tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Những tổ chức tội phạm quốc tế sẽ tăng cường hoạt động trên quy mô lớn, với động cơ và mục đích sâu xa hơn, chúng ưu tiên sử dụng các công cụ, thiết bị công nghệ cao để thâm nhập vào hoạt động của cơ quan nhà nước làm tê liệt chức năng quản lý, điều hành đối với nền kinh tế của nước ta. Với giá cả thị trường không ngừng tăng cao như hiện nay, sự chênh lệch giá các mặt hàng giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới với Việt Nam sẽ kéo theo tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá trái phép như buôn lậu xăng dầu, buôn bán động thực vật quý hiếm, hàng điện tử điện lạnh và các loại khoáng sản quý…

Đối với tội phạm ma tuý: Do siêu lợi nhuận từ buôn lậu ma tuý nên hoạt động tội phạm ma tuý sẽ gia tăng phức tạp hơn; các đường dây buôn bán ma tuý quốc tế không chỉ hoạt động trong phạm vi khu vực và châu lục như trước đây mà sẽ thay đổi tuyến buôn bán, vận chuyển xâm nhập thêm vào nhiều nước để mở rộng thị trường hoạt động tổ chức sản xuất, buôn bán ma tuý và tẩy rửa tiền từ buôn lậu ma tuý. Trên thực tế, dọc biên giới Thái Lan - Myanma - Lào - Trung Quốc và ở Campuchia đã xuất hiện nhiều nhóm ma tuý xây dựng các cơ sở sản xuất Hêrôin, tinh chế thuốc phiện, cần sa, sản xuất ma tuý tổng hợp sẽ tác động làm cho tình hình buôn bán vận chuyển ma tuý ở Việt Nam chịu áp lực phức tạp ngày càng lớn.

Ngoài ra, nước ta rất gần vùng "Tam giác vàng", một trung tâm sản xuất ma tuý lớn nhất thế giới, nên tình hình ma tuý cũng còn nhiều phức tạp. Từ khu vực này đi qua Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Campuchia vào Việt Nam rồi ra biển Đông rất thuận lợi. Do đó, bọn tội phạm ma tuý đã và đang triệt để lợi dụng lấy nước ta làm địa bàn quá cảnh vận chuyển ma tuý sang vùng Đông Bắc Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó biên giới đường bộ và biển nước ta dài gần 8.000 km; có nhiều sân bay, cảng biển và cửa khẩu quốc tế, tội phạm về ma tuý sẽ triệt để lợi dụng để hoạt động, đây là một áp lực rất lớn đối với nước ta. Việc ngăn chặn không để nguồn ma tuý buôn lậu từ nước ngoài vào sẽ là một nhiệm vụ chủ yếu và là cuộc đấu tranh rất khó khăn, quyết liệt.

Về đối tượng là người nước ngoài phạm tội ma tuý liên quan đến Việt Nam sẽ tăng lên, không chỉ đối tượng các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương mà nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Châu Âu, Châu Phi... ở trong nước chủ yếu là bọn hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp.

Mặt khác, trước sự đấu tranh quyết liệt của các lực lượng PCTP ma tuý trong nội địa, các đối tượng buôn bán ma tuý đã lợi dụng những nơi mà khả năng đấu tranh PCTP ma tuý còn hạn chế nhằm trốn tránh sự điều tra, truy bắt của các lực lượng chức năng, trong đó triệt để lợi dụng các tuyến biển - đảo để chuyển hướng hoạt động, móc nối hình thành các đường dây vận chuyển đưa lượng ma tuý lớn ra nước ngoài tiêu thụ, cũng như vận chuyển ma tuý bằng đường biển vào nội địa.

Đối với các tội phạm phi truyền thống: Việc mở cửa thương mại với các nước sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng sự đầu tư vào các dự án kinh tế, tham quan du lịch, thương mại để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Các loại tội phạm nói chung và tội phạm trên biển nói riêng có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn hoạt động phạm tội cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ trên biển. Các loại tội phạm có thể sẽ xảy ra trên biển trong thời gian tới đó là: tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường, vận chuyển khai thác tài nguyên thiên nhiên, buôn bán phụ nữ, trẻ em; tội phạm bắt giữ tàu biển để đòi tiền chuộc, tội phạm bảo kê cho các hoạt động thu mua hải sản trên biển…Bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao, tin học để lừa đảo tín dụng thao túng thị trường, trộm cắp cước viễn thông. Tội phạm công nghệ cao sẽ xuất hiện nhiều, đặc biệt là tội phạm dùng Internet để đột nhập, ăn cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và đột nhập vào các hệ thống thông tin khác. Đáng chú ý là các loại tội phạm lợi dụng danh nghĩa đầu tư để hoạt động rửa tiền, hoặc thông qua các tập đoàn kinh tế thôn tính về mặt kinh tế rồi quay lại điều khiển các chính sách nhà nước.

Theo kinh nghiệm phối hợp đấu tranh và từ kết quả trao đổi thông tin với cảnh sát nước ngoài, Văn phòng Interpol được biết: Hầu hết các quốc gia đều thành lập một đơn vị chuyên trách phòng chống tội phạm công nghệ thông tin thuộc Cảnh sát quốc gia. Tại một số nước có nền CNTT phát triển mạnh như: Nhật Bản, đơn vị chống tội phạm công nghệ thông tin có hàng trăm sĩ quan và nhân viên cảnh sát. Đơn vị này được trang bị các phương tiện rất hiện đại và có quyền khá rộng trong quá trình tiến hành điều tra. Hàn Quốc thành lập một đơn vị gồm 69 sĩ quan cảnh sát tại Tổng hành dinh Cảnh sát và 87 người thuộc 14 tỉnh, thành cùng một đội ngũ 495 người biên chế trong 232 đồn/trạm điều tra về tội phạm công nghệ. Sử dụng mạng truyền thông I 24/7 của Interpol để liên hệ trong nước và quốc tế. Hồng Công (Trung Quốc) thành lập hai đơn vị đặc biệt: Cục Chống tội phạm CNTT và Cục Chống lừa đảo thương mại điện tử trực thuộc Cảnh sát Hồng Công với những phòng thí nghiệm hiện đại và tầm hoạt động rộng. Cảnh sát Australia thành lập một đơn vị đặc biệt đấu tranh phòng chống tội phạm CNTT vào khoảng cuối tháng 3/2001. Đơn vị này có 50 sĩ quan và nhân viên cảnh sát. Cùng công tác với họ có 2.147 thành viên ở 8 bang Australia. Cảnh sát Trung Quốc cũng đã thành lập 26 đơn vị đặc nhiệm với mạng lưới trên 2.000 sĩ quan và nhân viên cảnh sát chuyên trách đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ thông tin.

Ở nước ta, mặc dù tình hình hoạt động của tội phạm máy tính chưa nghiêm trọng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, một số cơ quan đầu não của Chính phủ và của các ngành sẽ phải kết nối mạng trong tiến trình phát triển chung của xã hội cũng như lộ trình xây dựng Chính phủ, Quốc hội điện tử ở Việt Nam. Do đó, ngoài những mạng máy tính thuộc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, các mạng máy tính của các cơ quan Chính phủ, bộ, ban, ngành cũng sẽ bị tấn công từ xa và thiệt hại về lộ bí mật sẽ rất khó ước tính nếu không có sự chuẩn bị đối phó ngay từ bây giờ thì đảm bảo an ninh máy tính không phải là một việc đơn giản.

Việc truy tìm xử lý các tội phạm công nghệ cao càng khó khăn, phức tạp và mang tính chất xuyên quốc gia, cần phải có nỗ lực chung mang tính toàn cầu để kiềm chế và kiểm soát an ninh mạng. Về phía quốc gia thì vấn đề là phải kết hợp giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cụ thể là: Về mặt lập pháp, các cơ quan lập pháp và hoạch định chính sách cần xây dựng các quy phạm pháp luật cụ thể, chi tiết về phòng chống tội phạm công nghệ cao, trong đó có những biện pháp tuyên truyền giáo dục cộng đồng, cơ chế phối hợp quốc tế và tham gia công ước chung về phòng chống tội phạm công nghệ cao. Nhiều nước như Singapore, Malaysia đã xây dựng Luật Chống tội phạm máy tính riêng so với cả một vài điều nêu trong Bộ Luật hình sự của các nước đó. Luật Chống tội phạm máy tính, không chỉ quy định về hành vi nguy hiểm cho xã hội (quy định tội danh) mà Luật Chống tội phạm máy tính c̣n quy định các bước biện pháp  đặc biệt được áp dụng đấu tranh với tội phạm máy tính. Về hành pháp và tư pháp, các cơ quan thi hành pháp luật và cơ quan xét xử cần phải được trang bị kiến thức sâu và rộng về công nghệ thông tin, nỗ lực hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao. Công tác xét xử cần nghiêm minh và mang tính giáo dục, cưỡng chế đối với các tội phạm công nghệ thông tin. Tăng cao hiệu quả phòng ngừa và ngăn chặn loại tội phạm mới này. Ngoài ra còn cần có các cơ chế phối hợp liên ngành để đảm bảo việc phòng chống tội phạm đạt được hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, Việt Nam đã xúc tiến được nhiều chương trình, dự án hợp tác cùng đấu tranh với tội phạm với các nước như: Nhóm dự án tài trợ về chống buôn bán người, phòng, chống và kiểm soát ma tuý; Dự án trang bị trung tâm chống tội phạm công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh; Chương trình hợp tác ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động và xâm phạm tình dục trẻ em (hợp tác với cảnh sát Vương quốc Anh); Dự án “Bài học tốt trong thực tiễn của quốc tế về giam giữ trước khi xét xử” (hợp tác với Viện Nghiên cứu nhân quyền Đan Mạch); tập huấn kỹ thuật phòng, chống buôn bán và làm hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (hợp tác với cảnh sát Pháp); Dự án nâng cao năng lực điều tra tội phạm rửa tiền (do Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc, Chính phủ Vương quốc Anh và Canađa giúp đỡ)... Nhằm đẩy mạnh hơn nữa mối liên hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm, Tổng cục Cảnh sát còn đang tổ chức tham mưu xây dựng một nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của sỹ quan liên lạc cảnh sát Việt Nam ở nước ngoài...Tăng cường hợp tác và phối hợp dự trên luật pháp của từng quốc gia và các công ước của LHQ, đào tạo và trao đổi kinh nghiệm cũng như thông tin về các tổ chức khủng bố, các dữ liệu về các phần tử tình nghi...

Nhằm tạo một bước đột phá và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp và mỗi người dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, ngày 31/7/1998 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia, phòng chống tội phạm với các chủ trương, biện pháp và đề án cụ thể.

Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia, phòng chống tội phạm đã đưa ra quan điểm: Xã hội hoá công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản, nhất là phòng ngừa xã hội và coi đấu tranh trấn áp là quan trọng. Cụ thể:

Tất cả các cấp, các ngành và mỗi công dân đều có nghĩa vụ tham gia phòng, chống tội phạm trong đó các cấp uỷ và chính quyền giữ vai trò lãnh đạo với sự hướng dẫn của lực lượng Công an nhân dân nhằm đấu tranh làm giảm tình hình tội phạm nói chung và giảm cơ bản các loại tội phạm nghiêm trọng nói riêng, kiên quyết làm cho Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đến được mỗi người dân và trở thành hành động thiết thực của mọi người dân.

Chương trình 138 gồm có 4 đề án: Đề án 1: phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hoá, giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì. Đề án 2: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự, do Bộ Tư pháp chủ trì. Đề án 3: đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm có tính quốc tế, do Bộ Công an chủ trì. Đề án 4: Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, do Bộ Công an chủ trì.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và xu hướng quốc tế hoá tội phạm, trong thời gian qua ở Việt Nam đã và đang xuất hiện một loại hình tội phạm mới liên quan đế các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; sinh học; tự động hoá; vật liệu mới; công nghệ không gian và các lĩnh vực công nghệ cao khác, ngày 05/12/2006 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1596/QĐ-TTg phê duyệt đề án “phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao” (gọi tắt là đề án 5) do Bộ Công an chủ trì.

Đề có một Trung tâm thông tin tội phạm phục vụ công tác phòng, chống tội phạm có hiệu quả, ngày 5/12/2006 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1597/ QĐ-TTg phê duyệt đề án “Xây dựng Trung tâm thông tin tội phạm” (gọi tắt là Đề án 6) do Bộ Công an chủ trì.

Trước tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, ngày 14/7/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010 (gọi tắt là Chương trình 130) nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Chương trình 130 gồm 4 đề án: Đề án 1: Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phục nữ và trẻ em. Đề án 2: Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đề án 3: Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Đề án 4: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm trên biển, với mô hình quản lý Nhà nước tổng hợp trên biển hiện nay, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quản lý Nhà nước trên biển, vì vậy, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý. Tập trung tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý tới mọi cấp, mọi ngành, toàn thể các tầng lớp nhân dân, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể xã hội, cán bộ, chiến sỹ,…

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống ma tuý, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

Tiếp tục triển khai các Đề án của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Tập trung phát động toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm, giáo dục pháp luật phòng chống tội phạm cho nhân dân, đấu tranh chống các tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm có tính chất quốc tế xâm hại trẻ em, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Trong công tác phòng chống ma tuý cần có biện pháp ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta và triệt phá các tụ điểm ma tuý, các đường dây buôn bán ma tuý trong nước.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống tội phạm trên biển như Biên phòng và Cảnh sát biển; đầu tư trang bị về phương tiện và các trang bị nghiệp vụ khác nhằm đáp ứng  yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ hội nhập.

Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ nghiệp vụ điều tra, năng lực kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, vi tính đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời kỳ Việt Nam hội nhập.

Mở rộng hợp tác quốc tế đa phương, nhất là với tổ chức Cảnh sát quốc tế INTERPOL, Hiệp hội Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANPOL), các nước láng giềng, khu vực ASEAN và các nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam nhằm ngăn chặn việc xâm nhập của tội phạm quốc tế bên ngoài vào Việt Nam, chặn đứng tệ buôn bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam ra nước ngoài; góp phần nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường trang bị, phương tiện phòng ngừa tội phạm, phòng chống ma tuý cho các lực lượng chức năng trong nước.

Cần rà soát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các Điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp hình sự mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn thực hiện để từ đó đề xuất chỉnh lý sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường có hiệu quả hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam.

Xây dựng lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Trước mắt, khẩn trương áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Hiện đại hoá các trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tăng cường mật độ tuần tra, kiểm soát, giám sát của các lực lượng chức năng trên các vùng biển, tập trung vào những vùng biển có nhiều khả năng xảy ra các hoạt động tội phạm, những vùng biển có mật độ tàu thuyền vận chuyển hàng hoá lớn, những luồng, tuyến hàng hải mà lượng tàu bè giao thương giữa Việt Nam với các nước lớn. Có như vậy mới bảo đảm không có kẽ hở cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra.

Nghiên cứu sửa đổi một số nội dung trong Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, nhất là Đề án Phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm tính chất quốc tế, tội phạm công nghệ cao; Đề án phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và trẻ em làm trái pháp luật; Đề án phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Đối với các tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện nay còn nhiều bất cập, vì với thủ đoạn dùng máy tính được sử dụng như một công cụ để gây án, để lưu giữ thông tin tội phạm, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, rửa tiền, buôn bán ma tuý, tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ... thì hiện nay đã xuất hiện tội phạm với mục tiêu tấn công là cơ sở dữ liệu của máy tính, hoặc mạng máy tính, trong đó những hành vi chủ yếu là: Tạo ra, lan truyền, phát tán các chương trình virus, đột nhập trái phép cơ sở dữ liệu máy tính, trộm cắp dữ liệu, thông tin (đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia, an ninh, quốc phòng), tấn công từ chối dịch vụ, sử dụng trái phép dữ liệu, đưa thông tin trái phép lên mạng...Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, mới chỉ có 3 điều luật điều chỉnh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao: Điều 224: Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học. Điều 225: Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử. Điều 226: Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính. Trong xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, tội phạm công nghệ cao cũng mang tính toàn cầu. Những loại tội phạm công nghệ cao xuất hiện trên thế giới cũng xảy ra ở Việt Nam và gây nguy hại cho nền kinh tế, chính trị và xã hội như ở các nước khác.

Do vậy, tất cả những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cần phải bị xử lý bằng luật Hình sự với các chế tài nghiêm khắc, đủ để trấn áp, răn đe và phòng ngừa như kinh nghiệm ở các nước trên thế giới. Muốn vậy, Việt Nam cần bổ sung những điều luật về phòng chống tội phạm công nghệ cao vào Bộ luật Hình sự. 

Nguyễn Giang Đông - Phòng Pháp Luật - Cục Cảnh sát biển