Cà Mau: Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật

17/10/2008
Ngày 15/10/2008, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và 04 năm thi hành Pháp lệnh Giám định Tư pháp.

Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch HĐPH công tác PBGDPL huyện, thành phố; chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ tư pháp – hộ tịch của 97 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; các giám định viên tư pháp; đại diện các cơ quan báo, đài ở địa phương. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trịnh Minh Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe UBND tỉnh báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; 10 năm xây dựng tủ sách pháp luật theo Quyết định số 1067 của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo 04 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp. Có 09 đơn vị có bài tham luận phản ánh về tình hình và kết quả triển khai thực hiện công tác hoà giả và xây dựng tủ sách pháp luật ở ngành, địa phương mình trong thời gian qua. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, qua 10 năm triển khai thực hiện, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền đối với công tác hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật đã có sự chuyển biến rõ nét. Đội ngũ làm công tác hoà giải ở cơ sở không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên luôn được quan tâm, nổi bật nhất là tỉnh đã 02 lần tổ chức, phát động thi “Hoà giải viên giỏi”; việc chi trả thù lao cho hoà giải viên đã được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quan tâm thực hiện. Trong 10 năm qua đã xây dựng được 915 tổ hoà giải, với 6.274 tổ viên, tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải 983 lớp, có trên 51 ngàn lượt hoà giải viên tham gia. Đã tiếp nhận 61.264 đơn, hoà giải thành 47.727 đơn, đạt 78,8% so với tổng số đơn đưa ra hoà giải; từ kết quả hoà giải thành các bên đương sự tự nguyện hoàn trả cho nhau trên 22 tỷ đồng, 5 ngàn chỉ vàng 24k, trên 1 triệu 876 ngàn mét vuông đất và nhiều tài sản có giá trị khác. Công tác hoà giải cơ sở ở tỉnh Cà Mau trong 10 năm qua đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, dân chủ pháp luật ngày càng mở rộng và tính tự quản của nhân dân từng bước được phát huy.

Việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn là chủ trương lớn của Chính phủ. Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã chuẩn bị tốt các điều kiện thành lập tủ sách theo quy định, đến nay đã có 98 tủ sách/97 xã, phường, thị trấn, với tổng số 10.310 đầu sách và tài liệu các loại. Ngoài ra còn có trên 720 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp.... Trong 10 năm qua đã có trên 419 ngàn lượt người đến khai thác sách, báo, tài liệu ở tủ sách pháp luật cấp xã. Nhìn chung, công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân, giải quyết những vướng mắc về pháp luật ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hoà giải ở cơ sở; việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cũng còn một số mặt hạn chế, đó là:

- Công tác hoà giải ở cơ sở phát triển chưa đều; việc chỉ đạo, quản lý ở một số xã, phường, thị trấn chậm đổi mới, thiếu linh hoạt, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Chế độ thù lao cho hoà giải viên còn nhiều đơn vị chưa áp dụng hoặc có áp dụng nhưng khoản tiền chi cho công tác này còn hạn chế. Một số ít cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của tổ hoà giải; chưa thường xuyên chỉ đạo, củng cố tổ chức hoà giải; đội ngũ làm công tác hoà giải tuy đã được tổ chức tập huấn hàng năm, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; một số nơi vụ việc hoà giải thành đạt tỷ lệ còn thấp, số vụ việc tồn đọng còn nhiều.

- Về công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật còn những khó khăn, bất cập như: việc nhận thức, quán triệt chủ trương của Chính phủ về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật một số xã, thị trấn chưa đầy đủ nên việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ. Vai trò tham mưu, đề xuất của ngành Tư pháp quản lý nhà nước về tủ sách pháp luật đôi lúc chưa phát huy, chưa tạo được sự chuyển biến chung về nhận thức cũng như trong hành động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số đơn vị thiếu kỳ quyết; kinh phí đầu tư mua sách bổ sung hàng năm chưa được quan tâm đúng mức; địa điểm đặt tủ sách đặt tại Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp xã, thường có diện tích nhỏ, không thuận tiện cho người dân đến khai thác, tìm hiểu; số lượng sách, báo, tài liệu tại các tủ sách còn ít; ngân sách xã nhiều nơi gặp khó khăn, việc đầu tư cho tủ sách còn hạn chế, nhất là xã nghèo, xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.

Phát biểu kết luật và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trịnh Minh Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động hoà giải ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc xây dựng tủ sách pháp luật, đề nghị các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động hoà giải cơ sở, tủ sách pháp luật. Trong đó, cơ quan Tư pháp phải giữ vai trò nồng cốt, tham mưu phối hợp với các ngành, đoàn thể đề xuất những chủ trương, giải pháp thích hợp, có tính khả thi, nhằm không ngừng củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

-Về công tác hoà giải ở cơ sở: tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh hoà giải, Nghị định số 160 của Chính phủ và các văn bản có liên quan, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn Tổ hoà giải ở cơ sở. Trong đó, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chỉ đạo rà soát, lựa chọn bầu lại các tổ hoà giải khi hết nhiệm kỳ theo đúng trình tự, thủ tục, cơ cấu theo quy định, tránh tình trạng bầu theo kiểu hình thức; cố gắng phát huy tốt vai trò của các đoàn thể nhân dân trong công tác hoà giải ở cơ sở. Tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở, phấn đấu hoà giải thành đạt từ 85% trở lên và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải đảm kinh phí chi thù lao cho hoà giải viên đúng theo tinh thần Thông tư số 63 của Bộ Tài chính và Quyết định số 170 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Kịp thời kiểm tra, sơ tổng kết đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả để biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở và nhân rộng điển hình.

-Về công tác xây dựng tủ sách pháp luật: tuỳ theo điều kiện của từng địa phương mà có kế hoạch chỉ đạo chấn chỉnh ngay việc xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật, từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, đảm bảo yêu cầu tìm hiểu, khai thác của cán bộ và nhân dân. Trước mắt, Uỷ ban nhân dân cấp xã bố trí nơi đặt tủ sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi đến nghiên cứu, tìm hiểu; rà soát tên danh mục và phân loại sách hiện có, đầu tư kinh phí mua bổ sung sách pháp luật mới theo quy định. Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển sách từ các Thư viện, Phòng đọc trên địa bàn theo Chương trình phối hợp liên ngành giữa Sở Tư pháp, Sở Văn hoá Thông tin, Bưu điện và Bộ đội Biên phòng tỉnh; tiếp tục triển khai thí điểm chuyển tủ sách pháp luật từ Uỷ ban nhân dân cấp xã sang Bưu điện văn hoá xã, hướng tới sẽ thực hiện đồng bộ, nếu Chính phủ cho phép. Hàng năm phải sơ, tổng kết đánh giá những mặt thuận lợi, hạn chế, đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Nguyễn Sơn