Nam Định: Vận dụng có hiệu quả hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình báo chí

16/10/2008
Trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc truyển tải thông tin pháp luật đến mọi người. Thực tế đã cho thấy, nhiều người thu thập thông tin chủ yếu thông qua báo chí, điều này xuất phát từ đặc trưng của báo chí là mang tính phổ cập, thường ngày, kịp thời và rộng khắp làm cho nhiều người cùng một lúc được nghe, được biết, được xem… Thông qua việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo, đài, cán bộ và nhân dân có điều kiện tiếp thu, nắm bắt thông tin và tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, góp phần tích cực vào việc quản lý xã hội bằng pháp luật, mặt khác cũng kiểm tra, giám sát việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Nhận thức được điều đó, thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Báo Nam Định, Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh đã từng bước xây dựng, cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục cung cấp các thông tin về pháp luật. Chuyên trang, chương trình “Pháp luật và đời sống” trên Báo Nam Định và Đài phát thanh truyền hình tỉnh được phát đều đặn mỗi tháng 01 chuyên đề, mỗi chuyên trang được xây dựng theo từng chủ đề xác định hoặc là theo nội dung pháp luật, hoặc là dành cho một đối tượng cụ thể với cách thể hiện đa dạng, phong phú tạo được ấn tượng cho người nghe, người xem, với ý nghĩa giáo dục thiết thực. Đồng thời, tuỳ theo từng đối tượng, Báo Nam Định và Đài phát thanh truyền hình tỉnh còn xây dựng nhiều chuyên mục với nội dung chủ yếu như: giới thiệu văn bản pháp luật mới, tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước và ngành tư pháp, tuyên truyền về các hoạt động xét xử, đăng tải các ý kiến phê bình, các mẩu chuyện pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực thi pháp luật. Hình thức của các chuyên mục thường là thông tin chính sách pháp luật, giải thích pháp luật và những thông tin có tính định hướng về vi phạm pháp luật… đảm bảo tính đúng đắn, chính xác, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc biệt, thông qua các chuyên mục bạn nghe đài, hộp thư truyền hình và mục hỏi đáp pháp luật trên Báo Nam Định giải đáp những vướng mắc pháp luật của cán bộ và nhân dân nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền pháp luật thực sự có hiệu quả. Ngoài ra, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật có quy mô toàn tỉnh đều được Đài phát thanh – truyền hình tỉnh truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình phát sóng đầy đủ có tác dụng phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhiều tầng lớp nhân dân. Các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã phối hợp với Báo Nam Định, Đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện chương trình hay những chuyên trang có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật như: an toàn giao thông, chế độ, chính sách, lao động việc làm, phòng chống tội phạm, ma tuý, cải cách hành chính…

Có thể khẳng định rằng, các chuyên trang “Pháp luật và đời sống” và những chuyên mục pháp luật trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Nam Định thường xuyên được cải tiến, nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, tạo được sự quan tâm, đồng tình của các cấp, các ngành, đoàn thể và công chúng.

Với hiệu quả của loại hình này, Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh đã chỉ đạo Đài phát thanh các huyện, thành phố mở chuyên mục, dành thời lượng phát sóng để tăng cường thông tin giáo dục pháp luật. Tính đến nay, Đài phát thanh của 10 huyện, thành phố đã có chuyên mục “Pháp luật và đời sống”  đã tổ chức tuyên truyền pháp luật một cách thường xuyên với thời lượng hợp lý trên hệ thống đài truyền thanh. Như vậy, cùng với cơ quan Báo, Đài ở tỉnh, hệ thống Đài truyền thanh ở địa phương đã và đang tham gia có hiệu quả cao trên một diện rộng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Trong thời gian qua, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình báo chí đã được triển khai khá đều khắp ở Nam Định. Đây chính là sản phẩm phối kết hợp của ngành Tư pháp, các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với Báo Nam Định, Đài phát thanh truyền hình tỉnh; là phương tiện tối ưu để chuyển tải tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội các văn bản luật pháp đảm bảo nhanh nhất, rộng rãi nhất, qua đó giúp cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, do xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể đặc biệt là giữa Báo Nam Định, Đài PTTH tỉnh với ngành tư pháp chưa thường xuyên, chưa định kỳ, ít có sự chủ động giữa các bên; chưa bắt nhịp kịp nhu cầu biết và tìm hiểu pháp luật của người dân; vẫn thiếu những tin, bài về gương người người tốt, việc tốt, về việc chấp hành pháp luật, thái độ của Nhà nước, của xã  hội đối với những hành vi vi phạm pháp luật;… do đó mà công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình báo chí chưa đem lại hiệu quả cao, hình thức thông tin tuyên truyền pháp luật khô cứng, hạn chế sức thuyết phục, hạn chế nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.

Thiết nghĩ trong thời gian tới cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp với cơ quan báo chí và các ngành chức năng, sự phối hợp này là cần thiết vì hoạt động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục vừa đòi hỏi nghiệp vụ báo chí, vừa cần có kiến thức pháp luật và những điều kiện khác. Xây dựng các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục dài hạn nhằm cung cấp kiến thức pháp luật cho người dân một cách nhanh, kịp thời nhất, hình thành ở họ niềm tin pháp luật, xem đó là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Nội dung các chuyên trang, chuyên mục pháp luật cần được kết cấu chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật, cung cấp tài liệu, thông tin pháp luật, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ người làm công tác quản lý, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, cộng tác viên đài truyền thanh cơ sở. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các Đài truyền thanh, phát thanh, kịp thời động viên, khen thưởng những mô hình tốt, cách làm hiệu quả, những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc…

Nguyễn Thị Lệ Huyền