Những vướng mắc trong thực hiện "Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở" hiện nay ở Thanh Hoá

16/10/2008
Con người Việt nam luôn lấy " hoà làm trọng", coi đối nhân xử thế là những lẽ sống ở đời. Vì vậy trong cuộc sống cộng đồng dân cư, người dân luôn đề cao những nét văn hoá có "tình làng nghĩa xóm", "đạo vợ nghĩa chồng"," anh em như thể chân tay", " chị ngã em nâng"...

  Hoà giải từ lâu đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được lưu giữ trong nhân dân. Ở nước ta hiện nay có nhiều hình thức hoà giải khác nhau do nhiều cơ quan tổ chức hay cá nhân thực hiện như: hoà giải tại Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình; hoà giải các tranh chấp lao động, hoà giải bằng trọng tài thương mại. Hoà giải này được coi như một nguyên tắc, trình tự, thủ tục bắt buộc  của tổ chức, cơ quan để giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động của Toà án hoặc của cơ quan có thẩm quyền.  Ngoài ra còn có hình thức hoà giải các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ  xảy ra tại cộng đồng dân cư giữa những cá nhân với nhau trong quan hệ gia đình, xóm làng, dòng tộc thông qua Tổ hoà giải ở cơ sở hoặc cá nhân có uy tín trong gia đình, nội tộc.

Với đặc thù là một tỉnh đất rộng, người đông, được phân bố ở 3 vùng miền: đồng bằng, miền biển, miền núi, trong những năm qua  với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, chính quyền các cấp, các Tổ hoà giải ở Thanh hoá từng bước ổn định về tổ chức, cơ cấu, bảo đảm về chất lượng, số lượng. Đến nay toàn tỉnh đã có gần 6.100 tổ hoà giải với hơn 35.000 hoà giải viên. Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, hoạt động hoà giải đã được hình thành, củng cố  ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh vẫn còn một số vướng mắc:

Mô hình  thành lập tổ hoà giải ở thôn, xóm là không thống nhất. Tổ trưởng có nơi là bí thư, có nơi là mặt trận, có nơi là trưởng thôn, có nơi lại là phụ nữ. Một thực tế là nơi nào thành lập tổ hoà giải  có bí thư, hoặc trưởng thôn tham gia  thì hiệu quả hoạt động cao hơn và duy trì được thường xuyên vì gắn được trách nhiệm công việc với chức danh của họ tại cộng đồng dân cư.

Số lượng hoà giải viên có tính không ổn định, các chức danh hay có sự thay đổi về cơ cấu nhân sự  nên việc bầu lại hay miễn nhiệm các hoà giải viên ở các tổ hoà giải theo quy trình hầu như không thực hiện được. Chủ yếu là theo tiền lệ, người nào ở các vị trí chức danh là Bí thư, trưởng thôn, Mặt trận, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, người có uy tín...thì đương nhiên là thành viên của tổ hoà giải mà  không cần có một quyết định bổ nhiệm nào của UBND cấp xã. Khi vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra thường do trưởng thôn xem xét tính chất vụ việc mời  người này , người kia tham gia hoà giải mà không thành lập theo tổ.

 Pháp luật không quy định về Ban hoà giải nhưng vẫn tồn tại một Ban hoà giải của UBND cấp xã do đồng chí  Phó chủ tịch ( hoặc Chủ tịch) xã làm trưởng ban và các ban ngành, đoàn thể khác cùng tham gia làm thành viên. Các vụ việc tranh chấp về đất đai, dân sự mà phức tạp được thôn, phố chuyển lên hoặc có đơn yêu cầu hoặc UBND xã xét thấy vụ việc đó cần giải quyết hoà giải để ổn định tình tình địa phương thì sẽ được UBND giải quyết thông qua Ban hoà giải này. Việc hoà giải thông qua Ban hoà giải  cũng thu được nhiều mặt tích cực tạo tâm lý  tin tưởng, vững chắc vào sự can thiệp của chính quyền địa phương. Như vậy, Pháp lệnh hoà giải ở cơ sở không quy định chức năng tham gia hoà giải trực tiếp của UBND cấp xã ( chính quyền nhà nước) mà nhiệm vụ hoà giải đã thuộc về  tổ chức xã hội ( tổ hoà giải); nhưng thực tế UBND xã ( hay là Ban tư pháp, Ban hoà giải của xã) vẫn tham gia hoà giải ( mà không phải là thủ tục bắt buộc trong tố tụng) và đạt được hiệu quả cao, nâng cao tỷ lệ hoà giải thành. 

Hiện nay ở  các khu phố, thôn, xóm, làng bản  của Thanh hoá đang tồn tại  nhiều loại mô hình tự quản do các ngành thành lập như Tổ liên gia tự quản, Tổ bảo vệ an ninh trật tự thôn, tổ an ninh xã hội do ngành Công an chủ trì; Tổ hoà giải do Tư pháp chủ trì,... tuy có những chức năng riêng nhưng có cùng nhiệm vụ tham gia hoà giải các vụ việc tranh chấp, gây xích mích mất trật tự trị an khu phố, thôn, xóm. Như  vậy một  sự việc xảy ra nếu không tổ chức tốt sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền giải quyết hoặc có khi lại không có tổ  nào tham gia hoà giải vì sự đùn đẩy, ỷ lại cho các tổ khác. Vì vậy cần phải có sự chỉ đạo thống nhất các mô hình  tự quản về hoà giải trong một văn bản luật.

 Sự phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc và cơ quan Tư pháp có lúc, có nơi còn hạn chế: Chưa gắn hoạt động hoà giải cơ sở với việc vận động và thực hiện các phong trào quần chúng địa phương, chưa xây dựng được kế hoạch hoặc quy chế phối hợp, chưa cụ thể vai trò, trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi tổ chức trong việc xây dựng và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ hoà giải viên. Vai trò của Mặt trận tổ quốc, cơ quan tài chính trong công tác hoà giải chưa phát huy hết chức năng và nhiệm vụ.

 Tình hình xã hội diễn biến ngày một phức tạp, nhiều mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp phát sinh. Sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư một số nơi có dấu hiệu rạn nứt. Quá trình đô thị hoá diễn ra khá nhanh, những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường tác động lớn đến đời sống nhân dân. Thành viên tổ hoà giải thường là những người tuổi cao, sức khoẻ yếu nên việc tiếp thu các kiến thức pháp luật, đặc biệt là các văn bản mới hạn chế. Ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân chưa cao, các mối quan hệ, giao tiếp thường theo lề thói, theo tình cảm, quen biết đơn thuần mà không theo một trật tự xã hội nhất định cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra các tranh chấp, mâu thuẫn. 

Để tăng cường hoạt động  hoà giải ở cộng đồng dân cư,  Pháp lệnh cần bổ sung thêm Ban hoà giải ở xã, phường, thị trấn vì xét cho cùng là hoà giải là đưa ra những nhận định đúng, sai, hướng dẫn, giúp đỡ thuyết phục các bên tự nguyện giải quyết bằng thương lượng thoả thuận, cho nên dù chủ thể hoà giải là ai thì cũng không thoát ly được nguyên tắc trên và như vậy hoà giải có thể được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hoà giải, có thể thông qua hoạt động của các Tổ thích hợp khác và có thể thông qua Ban hoà giải của xã, phường, thị trấn.  Ban hoà giải có trưởng ban là Phó chủ tịch UBND cấp xã, thành viên kiêm thư ký là cán bộ tư pháp, thành viên khác tuỳ mỗi nơi lựa chọn có thể là đại diện các đoàn thể, có thể có cả đại diện các thôn...

Nếu có Ban hoà giải thì Pháp lệnh cũng nên quy định một cơ chế hoạt động linh hoạt nhưng nhất thiết khi tiến hành hoà giải thông qua Ban hoà giải thì thành phần tham gia hoà giải phải có mặt của Cán bộ tư pháp hộ tịch và ít nhất có một hoà giải viên nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp tham dự.

Vì sự bình yên của xóm làng, các hoà giải viên sẽ là những  chiến sỹ trên mặt trận gìn giữ "hoà bình", ổn định trật tự xã hội ở cộng đồng dân cư dân cư./.

 

Lê  Nguyệt