Ngành tư pháp Thanh Hoá: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành

16/10/2008
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Công bố Luật chưa phải đã là mọi việc đều xong mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt.

 Thấm nhuần lời dạy của Bác, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng uỷ, lãnh đạo Sở tư pháp đã quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Xác định phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy công tác tuyên truyền  pháp luật đã được giao cho Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật thực hiện từ ngay khi thành lập

Từ năm 1998, sau khi có Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường công tác PBGDPL và  Quyết định 03/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai công tác PBGDPL giai đoạn 1998-2002, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL với sự tham gia của các ngành trong tỉnh và giao cho Sở tư pháp làm cơ quan thường trực. Đây là tiền đề cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật bởi công tác tuyên truyền pháp luật được coi là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và Sở tư pháp có chức năng thường trực, tham mưu, đấu mối, phối hợp trong công tác này.

Thực hiện các chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 1998-2002; 2003-2007; 2008-2012 và Chỉ thị 32/CT-TW của Ban bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, hàng năm Sở tư pháp đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL. Trong những năm qua, ngành đã đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các văn bản luật mới ban hành đã được tuyên truyền phổ biến đến các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật đã được tổ chức, hàng ngàn đề cương tuyên truyền luật, hỏi đáp pháp luật đã được biên soạn chuyển tải về cơ sở. Trước đây công tác tuyên truyền tập trung ở đối tượng cán bộ, công chức nhưng hiện nay công tác này đã dần được đổi mới, đa dạng hoá các hình thức và hướng mạnh về cơ sở với đối tượng phục vụ nhân dân là chủ yếu.

Xác định được vai trò, vị trí của công tác phổ biến giáo dục pháp luật góp phần đưa pháp luật vào thực thi đời sống xã hội, là cầu nối chuyển tải pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, ngành tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm tòi, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để làm sao pháp luật thực sự đến được với mọi người. Pháp luật ngày càng nhiều đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được tập trung đầu tư. Với việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như thông qua hội nghị tập huấn, thông qua báo chí, Internet, truyền  thanh ở có sở; thông qua phát hành tài liệu; giáo dục trong các nhà trường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; sinh hoạt các câu lạc bộ; thông qua tư vấn, trợ giúp pháp lý; thông qua hoạt động hoà giải; xây dựng tủ sách pháp luật; thông qua các buổi sinh hoạt văn hoá truyền thống.... pháp luật đã dần dần đi vào tâm trí mọi người, thấm nhuần  như một thói quen sinh hoạt pháp lý. Các quy định của pháp luật bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp đã được mọi người tiếp nhận, xử lý. Việc phân loại các đối  tượng, địa bàn để tuyên truyền cũng được chú trọng triển khai. Những năm gần đây, ngành tư pháp được giao chủ trì thực hiện 3 đề án lớn về tuyên truyền pháp luật cho đồng bào miền núi, ngư dân vùng biển và cho cán bộ làm công tác tư pháp cơ sở trong toàn tỉnh. Với đặc thù là một tỉnh đất rộng, người đông, có đồng bằng, miền núi, miền  biển, có 6 dân tộc thiểu số, trình độ dân trí ở các vùng là không đồng đều, nên việc tiếp thu kiến thức pháp luật là khác nhau. Vì vậy, để đạt hiệu quả tuyên truyền cao, Sở tư pháp đã phối hợp với nhiều ban, ngành đoàn thể trong tỉnh phân loại đối tượng: đồng bào dân tộc miền núi, ngư dân vùng biển, chủ tàu thuyền, cán bộ nòng cốt ở thôn, cán bộ xã... lựa chọn những nội dung, hình thức phù hợp, gần gũi, dễ nói dễ hiểu, dễ làm. 10 tháng đầu năm 2008 đã tập trung triển khai tập huấn kiến thức pháp luật cho gần 3.000 cán bộ của 634 xã trong toàn tỉnh; trang bị 512 tủ sách pháp luật cho các thôn, bản đã có nhà văn hoá, mỗi tủ sách có trên 70 đầu sách;  Thành lập và đi vào hoạt động 32 câu lạc bộ " ngư dân với pháp luật" ở vùng biển;.. v...v...

Công tác phổ biến pháp luật đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành trong toàn hệ thống chính trị. Hàng năm Sở tư pháp phối hợp với các ngành mở hội nghị tuyên truyền các văn bản pháp luật chuyên ngành cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong tỉnh và tham gia ký kết các chương trình phối hợp tuyên truyền. 25 ngành thành viên trong Hội đồng phối hợp thường xuyên có sự đấu mối với Sở tư pháp trong việc tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật cho các hội viên, cán bộ ngành quản lý.

Bên cạnh sự phối hợp với các ngành, Sở tư pháp cũng thường xuyên chỉ đạo các huyện nâng cao hiệu quả tuyên truyền, củng cố Hội đồng phối hợp ở cơ sở, đầu tư kinh phí, bồi dưỡng năng lực cán bộ làm công tác tư pháp; tập huấn cho Báo cáo viên, tuyên truyền viên, hoà giải viên, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ nòng cốt ở cơ sở...để giúp cấp uỷ, chính quyền tổ chức triển khai pháp luật đến các thôn, xóm, bản , làng trong toàn tỉnh.

Xác định công tác tuyên truyền PBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm thực hiện cải cách tư pháp, Đảng uỷ, lãnh đạo Sở tư pháp luôn quan tâm đến việc đổi mới các phương thức hoạt động, tập trung lựa chọn các thành phần, đối tượng cụ thể, chuyên biệt để tuyên truyền bằng các chương trình, kế hoạch, đề án. Vừa qua Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân tại 12 xã thuộc vùng quy hoạch xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn nhằm chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, chấm dứt tình trạng cơi nới trái pháp luật, vận động nhân dân chấp hành đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước trong việc giải phóng, bàn giao mặt bằng, tái định cư để phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành khu vực chiến lược kinh tế của tỉnh. Kế hoạch tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật về đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính, công khai toàn bộ các văn bản của tỉnh về đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân, tái định cư  đến các hộ gia đình  nằm trong khu kinh tế Nghị Sơn...

Với những cách làm có tính chủ động, sáng tạo trên, công tác phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay được đánh giá là một trong những hoạt động chuyên môn chính của Sở tư pháp. Những năm qua, Sở Tư pháp Thanh hoá luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về công tác PBGDPL được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, của Bộ Tư pháp và đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Những thành tích trên đã khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của ngành Tư pháp Thanh Hoá trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tạo được niềm tin và sự đánh giá rất cao của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp./.

Lê Nguyệt