Những kết quả của công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà

16/10/2008
Sớm nhận thức việc xây dựng Tủ sách pháp luật (TSPL) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp cán bộ cấp xã tra cứu văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý, điều hành chính quyền cơ sở. Do đó, trong các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Tư pháp, công tác xây dựng TSPL luôn được đề cập cụ thể, sát hợp với những nội dung và biện pháp triển khai thích hợp. Nhờ vậy, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng, quản lý và khai thác TSPL ở cơ sở trong toàn tỉnh Khánh Hoà đã đạt được nhiều kết quả cao.

Ngay sau khi có Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có Quyết định 3271/QĐ-UB ngày 20/9/1999 về ban hành Kế hoạch xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Kế hoạch đề ra mục tiêu trong 3 năm phải triển khai thực hiện tốt các bước của công tác xây dựng TSPL ở cấp xã. Tiếp đến, Liên sở Tài chính - Tư pháp có Công văn số 1462/LS đã tiến hành hướng hướng dẫn cụ thể về việc bố trí và sử dụng kinh phí xây dựng TSPL ở cấp xã với số lượng kinh phí là 973 triệu đồng, mức chi thống nhất là 2,2 triệu đồng/xã cho năm 1999; năm 2000 và 2001 chi theo khu vực miền núi là 2,6 triệu đồng/năm và các xã còn lại là 2 triệu đồng/năm.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, được quan tâm đầu tư đúng mức của UBND tỉnh và sự tích cực của chính quyền các cấp, đến tháng 10/1999 toàn tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng TSPL ở xã, phường, thị trấn – 100% đơn vị cấp xã đều có TSPL và đưa vào khai thác phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, vận dụng pháp luật trong quá trình điều hành của chính quyền cơ sở, tiến tới phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân địa phương.

Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo tiếp cận nhanh chóng với sách pháp luật có trong tủ sách, liên ngành Tư pháp, Văn hoá thông tin, Bộ đội Biên phòng, Bưu điện tỉnh đã ban hành văn bản liên ngành số 1227/LN ngày 29/5/2001. Trong đó nêu rõ những nội dung cần phối hợp, trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành, biện pháp phối hợp. Ngay sau khi Chương trình được ban hành, Sở Tư pháp cũng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện triển khai thực hiện việc phối hợp. Qua đó triển khai việc xây dựng các mô hình phối hợp có hiệu quả giữa TSPL với các loại hình đọc sách ở từng địa bàn như trang bị tủ sách, tổ chức luân chuyển sách ở xã, phường, thị trấn với sách ở Đồn biên phòng, Thư viện và điểm Bưu điện văn hoá xã…

Để giúp cho xã, phường, thị trấn xây dựng TSPL thật sự hiệu quả, phục vụ cho nhu cầu công tác của cán bộ, nhân dân theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo xây dựng TSPL của Trung ương, Sở Tư pháp đã lập danh mục hướng dẫn cho các đơn vị để trang bị cho Tủ sách. Ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp với Thư viện tỉnh tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý TSPL cho cán bộ làm công tác quản lý TSPL ở cấp xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể nhằm giúp cho cán bộ quản lý TSPL được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, một số ngành đã chủ động chỉ đạo theo ngành dọc hướng dẫn triển khai công tác xây dựng Tủ sách hoặc nơi sinh hoạt văn hoá ở cơ sở như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Bưu điện tỉnh...

Với vai trò là cơ quan tham mưu của UBND tỉnh trong công tác xây dựng TSPL, hàng năm Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ hoặc kết hợp với các đợt kiểm tra công tác chuyên môn, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để kiểm tra về công tác xây dựng, quản lý và khai thác TSPL ở cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã chỉ đạo các Phòng Tư pháp cấp huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời chỉ đạo, có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp, hàng năm, UBND cấp xã trên địa bàn đều dành một phần kinh phí cho việc mua sắm, bổ sung các đầu sách mới cho TSPL. Theo hướng dẫn, TSPL được chia thành các nhóm: sách, tài liệu văn bản quy phạm pháp luật; nhóm sách tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; nhóm sách hỏi đáp, bình luận, giải thích văn bản pháp luật; nhóm báo, công báo, tạp chí pháp luật…Đối với các xã miền núi và đồng bằng còn có ngăn sách hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi phục vụ cho nhu cầu  phát triển kinh tế gia đình của người dân địa phương. Các loại sách trong TSPL ở địa phương đều được vào sổ đăng ký cá biệt, được đánh số thứ tự và dán nhãn ký hiệu theo đúng quy định.

 Chủ tịch UBND cấp xã đã giao cán bộ Tư pháp-Hộ tịch phụ trách quản lý TSPL. Căn cứ vào hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp trên, cán bộ phụ trách tủ sách đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể soạn thảo trình Chủ tịch UBND cấp xã ban hành nội quy về khai thác, sử dụng TSPL với các nội dung: thời gian phục vụ; hình thức phục vụ; quyền và trách nhiệm của cán bộ phụ trách tủ sách; trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và bồi thường thiệt hại của người đọc, người mượn khi làm mất, làm hỏng tài liệu, sách pháp luật…Nội quy này được treo tại điểm đặt TSPL mà hầu hết là phòng làm việc của cán bộ Tư pháp-Hộ tịch cấp xã. TSPL được mở cửa phục vụ hàng ngày theo giờ làm việc của UBND cấp xã. Ở nơi không có điều kiện phục vụ theo giờ làm việc của UBND cấp xã thì có quy định ngày, giờ phục vụ để mọi người dễ dàng mượn sách, báo, tài liệu hoặc đọc tại chỗ.

Để khai thác tốt TSPL, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của cán bộ, nhân dân địa phương, hầu hết TSPL ở cấp xã trong toàn tỉnh áp dụng 2 hình thức chính. Đó là đọc, nghiên cứu sách báo pháp luật tại chỗ và cho mượn về nhà. Ngoài ra, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đọc và tìm hiểu các tài liệu, sách, báo pháp luật; thông báo kịp thời những nội dung sách báo, tài liệu pháp luật mới cập nhật trong tủ sách qua hệ thống truyền thanh địa phương và tổ chức lồng ghép các cuộc sinh hoạt của đoàn thể, câu lạc bộ…nhằm nâng cao hiệu quả khai thác TSPL.

Một số nơi đã áp dụng việc mở cửa phòng đọc sách ngoài giờ làm việc, luân chuyển sách từ TSPL của xã, từ Thư viện đến Điểm Bưu điện văn hoá xã phục vụ cả buổi tối nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân trong việc tìm đọc sách và các tài liệu pháp luật. Có nơi như xã Cam Hải Đông, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch đã kết hợp việc mang theo túi sách pháp luật khi đi xuống địa bàn làm thủ tục hộ tịch cho người dân để phục vụ tại chỗ cho những người không có điều kiện đến trụ sở UBND xã do điều kiện đường xá đi lại khó khăn.

Ngay từ khi mới triển khai việc xây dựng TSPL ở cấp xã, trong 3 năm đầu (1999-2001) nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác này là 973 triệu. Từ năm 2002 trở đi, hàng năm, UBND cấp xã đều có dành một phần kinh phí cho việc bổ sung, trang bị sách, báo, tài liệu mới cho TSPL. Tuỳ theo tình hình của từng địa phương, nguồn kinh phí này có nơi ít nhất là 250.000đồng, nơi nhiều nhất là 3 triệu đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí của địa phương, nhiều nơi đã vận động cá nhân, tập thể tặng sách cho tủ sách pháp luật; đồng thời, tranh thủ sự quan tâm của các cấp (huyện, tỉnh và trung ương), hàng năm TSPL được trang bị thêm các loại tài liệu như công báo, sách hỏi đáp pháp luật, tài liệu tuyên truyền…

Cùng với việc sớm hoàn thành công tác xây dựng TSPL ở cấp xã ngay từ những năm đầu mới triển khai, từ năm 2000 trở đi, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức triển khai việc xây dựng ngăn sách, túi sách pháp luật ở thôn, tổ dân phố, cụm dân cư như TP.Nha Trang, TX.Cam Ranh, huyện Ninh Hoà, huyện Vạn Ninh. Đến nay, cùng với việc thường xuyên kiểm tra, đầu tư mua sắm trang thiết bị cho phòng đọc sách và bổ sung các đầu sách mới cho tủ sách thì hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng được TSPL, ngăn sách pháp luật (NSPL) ở thôn, tổ dân phố. Có nơi TSPL, NSPL đặt tại trụ sở sinh hoạt dân; có nơi đặt tại nhà trưởng thôn, nhà tổ trưởng dân phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thôn, thành viên tổ hoà giải và người dân ở cơ sở dễ dàng tìm đọc để nâng cao hiểu biết về pháp luật. Qua nhiều năm xây dựng, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có từ 20-100% số thôn, tổ dân phố ở các huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng xây dựng được TSPL, NSPL, túi sách pháp luật. Điển hình như Ninh Hoà, Nha Trang, Vạn Ninh…Đối với khu vực miền núi, do đặc thù về điều kiện kinh tế-xã hội nên chỉ mới bắt đầu việc xây dựng túi sách, NSPL ở các tổ dân phố thuộc thị trấn của huyện.

Theo thống kê từ các huyện, thị, thành phố trên địa bàn thì trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 137 TSPL ở xã, phường thị trấn (đạt 100%); 511/956 số thôn, tổ dân phố có TSPL, NSPL; 567 TSPL ở các cơ quan, đơn vị trường học; đặc biệt, ở Nha Trang, phong trào xây dựng TSPL đã lan toả đến từng căn nhà với 3.172 TSPL ở hộ gia đình....

Công tác xây dựng, quản lý và khai thác TSPL ở cấp xã, đặc biệt là luân chuyển sách pháp luật trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã đạt được kết quả tích cực. Qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã huy động được nhiều nguồn đầu tư, nhân lực của các cấp chính quyền, các ngành và toàn thể xã hội để hướng tới mục tiêu xây dựng, quản lý và khai thác triệt để hiệu quả của TSPL trong việc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật thông qua sách, báo, tài liệu pháp luật của cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Các mô hình phối hợp là hình thức để giúp TSPL từng bước phát huy vai trò là công cụ không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; là hình thức hữu hiệu góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân thực sự tham gia vào hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thời gian qua, công tác xây dựng, quản lý và khai thác TSPL ở Khánh Hoà đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân địa phương. Bởi đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt và rất thiết thực, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Từ đó giúp họ tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” do Đảng và Nhà nước đề ra. Cùng với sự đầu tư kinh phí của chính quyền các cấp, đã có một số mạnh thường quân ủng hộ sách, vật chất cho việc xây dựng TSPL, NSPL ở cơ sở.

Từ thực tiễn công tác xây dựng, quản lý và khai thác TSPL qua 10 năm trên địa bàn cho thấy: Ở những địa phương có sự quan tâm, đầu tư thoả đáng của cấp uỷ Đảng, chính quyền thì công tác xây dựng, quản lý và khai thác TSPL ở đó đạt được kết quả cao. Vai trò của cơ quan Tư pháp các cấp có ý nghĩa quan trọng trong thành công của công tác xây dựng TSPL. Cơ quan Tư pháp phải chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng, UBND cùng cấp làm tốt công tác quản lý nhà nước, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách tủ sách; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá và có hình thức khen thưởng kịp thời nhằm động viên tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác này; qua đó nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả để khai thác tốt công dụng của tủ sách. Bên cạnh đó, công tác phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể của địa phương để khai thác tốt sách có trong tủ sách qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức như thông báo trên Đài truyền thanh, qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, qua sinh hoạt cộng đồng...

Đặng Hữu