Cà Mau: Những chuyển biến tích cực sau 4 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp

15/10/2008
Thực hiện Công văn số 1483/BTP-BTTP ngày 19/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp. Ngày 15/10/2008, tại Hội trường UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 04 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp (kết hợp tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật).

Đến dự gần 230 đại biểu là đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, các ngành cấp tỉnh, cấp huyện; giám định viên tư pháp, Chủ tịch UBND cấp xã và cán bộ tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn và thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. Đ/c Trịnh Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Sau khi Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp được ban hành và nhất là thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu tổ chức Hội nghị triển khai quán triệt nội dung Pháp lệnh, Nghị định trên cho các cán bộ, công chức quản lý các ngành có liên quan và tất cả giám định viên trong toàn tỉnh. Đồng thời, Tỉnh uỷ  chỉ đạo, Sở Tư pháp đã đề ra Kế hoạch số 18/KH-STP ngày 16/6/2006 triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về củng cố đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ thi hành án, luật sư, công chứng và giám định tư pháp giai đoạn 2006 – 2010. Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Y Tế, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Văn hoá – Thông tin (nay là Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch), Sở Xây dựng, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Giao thông – vận tải nghiên cứu tổng hợp tình hình để đề xuất UBND tỉnh những chủ trương, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và mở rộng hoạt động của các lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch của Tỉnh uỷ và của Sở Tư pháp đã đề ra.

Kết quả, qua 4 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể là Sở Tư pháp phối hợp các ngành chủ quản trình UBND tỉnh giải thể các tổ chức: Giám định Kế toán – tài chính; Giám định văn hoá; Giám định pháp y tâm thần (sáp nhập vào Khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì tỉnh không có Bệnh viện tâm thần); Tổ chức Giám định pháp y thành Trung tâm Giám định pháp y, Tổ chức Giám định kỹ thuật hình sự thành Phòng Kỹ thuật hình sự.

Tính đến nay, Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm 30 giám định viên và đã được cấp Thẻ cho 29 Giám định viên (01 giám định viên pháp y mới bổ nhiệm năm 2008, đang đề nghị cấp thẻ) nâng toàn tỉnh lên 9 lĩnh vực (kỹ thuật hình sự 6 giám định viên); tài chính - kế toán 04 (trong đó năm 2006 bổ nhiệm mới 01); pháp y 3 giám định viên; pháp y tâm thần 4 giám định viên (trong đó, năm 2006 bổ nhiệm mới 2 giám định viên), lĩnh vực văn hoá 6 giám định viên; riêng năm 2007 có 3 lĩnh vực mới bổ nhiệm giám định viên tư pháp là: giao thông vận tải (02 giám định viên); khoa học – kỹ thuật 02 giám định viên, tài nguyên – môi trường 02 giám định viên và năm 2008 bổ nhiệm mới ở lĩnh vực giám định xây dựng 01 giám định viên. So kế hoạch đề ra, tăng 4 lĩnh vực. Ngoài ra, tỉnh có 01 Người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực pháp y đã được Bộ Tư pháp công khai danh sách trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, địa phương đã cử hàng chục giám định viên tư pháp dự các lớp tập huấn do cấp Trung ương tổ chức. Về kết quả hoạt động, 4 năm qua toàn tỉnh đã thực hiện giám định 2.294 vụ, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực giám định pháp y 2.282 vụ.

Nhìn chung, qua 4 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, các tổ chức giám định trong tỉnh Cà Mau không ngừng được quan tâm củng cố, kiện toàn và phát triển về số, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác giám định ư pháp trên các lĩnh vực được thực hiện kịp thời, kết quả giám định khá chính xác, đại đa số không có trường hợp giám định lại, các kết luận đảm bảo độ tin cậy cao, khẳng định chính xác, đúng quy định của pháp luật, được cơ quan trưng cầu giám định tin tưởng và chấp nhận như phát biểu kết luận của đ/c Trịnh Minh Thành, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về đánh giá, ghi nhận, biểu dương các thành tích đội ngũ giám định viên tư pháp của tỉnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích trên, còn có mặt hạn chế, khó khăn như do tính chất phức tạp của các vụ việc, do hồ sơ, tài liệu thu nhận được không đầy đủ, kiến thức pháp luật về giám định tư pháp của giám định viên còn hạn chế nên có một số vụ không thể kết luận giám định đầy đủ nội dung theo đề nghị của cơ quan, tổ chức trưng cầu giám định; trụ sở, nơi làm việc chưa được nâng cấp; phương tiện phục vụ giám định chưa được trang bị đồng bộ và thiếu hiện đại nên đã làm hạn chế chất lượng, thời gian giám định.

Qua hội nghị, địa phương kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét đề nghị Chính phủ trình Quốc hội nâng Pháp lệnh Giám định tư pháp thành Luật Giám định tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn, thúc đẩy hoạt động giám định tư pháp ngày càng hiệu quả hơn. Đề nghị Bộ Tư pháp xem xét quy định rút ngắn thời gian bổ nhiệm Giám định viên tư pháp đối với những đối tượng đã qua đào tạo các chuyên ngành giám định để tăng cường, bổ sung đội ngũ giám định viên tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ Tư pháp xem xét, quy định mức phụ cấp phù hợp đối với đội ngũ làm công tác giám định tư pháp nhằm khuyến khích, động viên tinh thần, trách nhiệm và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn cho Giám định viên tư pháp...

Thuỳ Trang