Kết quả bước đầu triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ở Cà Mau

11/08/2008
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp của các ngành có liên quan, sau khi tiếp thu Thông tư liên tịch số 10/ 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (Thông tư liên tịch số 10), Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã kết hợp việc triển khai các văn bản pháp luật mới để tổ chức cho CBCCVC của ngành học tập, quán triệt, đồng thời chỉ đạo Trung tâm TGPL xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Thông tư.

Ngày 25 tháng 7 năm 2008 Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1091/QĐ-UBND thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, có 06 thành viên, gồm đại diện của các cơ quan Công an, Toà án nhân dân, Sở Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch hội đồng. Chủ tịch hội đồng đã thành lập Tổ thư ký giúp việc gồm 06 cán bộ; dự thảo quy chế hoạt động của Hội đồng.

Từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008 Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL đặt và cung cấp 15 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tố tụng và các nhà tạm giữ, trại tạm giam trong tỉnh. Trung tâm TGPL tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, trong đó có lồng ghép triển khai Thông tư, thời gian tập huấn 03 ngày cho mỗi lớp; in ấn, phát hành Thông tư gửi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan; đăng tải nội dung Thông tư trên báo Cà Mau, bản tin Tư pháp; trả lời phòng vấn Đài PTTH tỉnh; biên soạn và phát hành 4.000 tờ gấp giới thiệu Thông tư liên tịch số 10, phổ biến đến đối tượng được trợ giúp pháp lý và nhân dân. Từ đầu năm 2008 đến nay Trung tâm đã thực hiện được 22 vụ việc TGPL do các luật sư là cộng tác viên thực hiện. Riêng lực lượng Trợ giúp viên chưa thực hiện việc tham gia tố tụng.

            Qua tiếp triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 ở Cà Mau có nhiều thuận lợi cơ bản, Sở Tư pháp đã chủ động tổ chức phối hợp các sở, ngành trong tỉnh tham mưu tích cực cho UBND tỉnh kịp thời thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng; các sở, ngành có liên quan đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức chủ trương và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong phối hợp hoạt động, nên đã tạo điều kiện tốt cho việc thành lập Hội đồng phối hợp và triển khai các hoạt động có liên quan đến trợ giúp pháp lý trong tố tụng.

            Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, khó khăn như đội ngũ cán bộ TGPL còn hụt hẫng, nhất là trợ giúp viên pháp lý, nên tiến độ thành lập Chi nhánh TGPL tại các huyện gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn. Số cộng tác viên là luật sư, luật gia tham gia trợ giúp pháp lý chưa nhiều; sự nhận thức chưa đầy đủ về trợ giúp pháp lý của một bộ phận cán bộ và nhân dân trong hoạt động tố tụng còn hạn chế, nên ít nhiều cũng gặp những trở ngại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

            Thiết nghĩ, để tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý ở địa phương, Bộ Tư pháp cần có giải pháp liên kết với các địa phương để tăng cường mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp viên pháp lý cho số cán bộ, chuyên viên của các Trung tâm TGPL. Việc mở lớp tập huấn nên tổ chức theo khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương để sớm có đủ lực lượng bổ sung Trợ giúp viên pháp lý, góp phần thực hiện có hiệu quả hoạt động TGPL khi tham gia tố tụng. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ cho địa phương về phương tiện đi lại, máy tính, vì hiện nay địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi thành lập các Chi nhánh TGPL trong khi nguồn kinh phí có hạn.

Nguyễn Sơn