Thực trạng công tác xây dựng, khai thác tủ sách pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

11/08/2008
Công tác xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật ở trường học là một biện pháp được đặt trong tổng thể các biện pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ, góp phần trang bị cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên kiến thức cơ bản về pháp luật, phục vụ tích cực cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, đồng thời giúp cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp lụật.

 Nhận thức được tầm quan trọng đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học bố trí kinh phí xây dựng Tủ sách, ngăn sách pháp luật, coi đây là một trong các tiêu chí để đánh giá là trường chuẩn và công tác thư viện của nhà trường; đồng thời ngành giáo dục còn chỉ đạo các trường xây dựng quy chế quản lý Tủ sách pháp luật, mở sổ đăng ký theo dõi cá biệt. Đến nay 100% các trường học đã có tài liệu pháp luật trong thư viện để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, giáo viên học sinh, sinh viên, theo báo cáo mới nhất toàn ngành giáo dục đến nay có 147 Tủ sách và 50 ngăn sách pháp luật, với trên 8.000 đầu sách, kinh phí mua sách là 364 triệt đồng. Việc quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật trong các nhà trường trường đã được xây dựng trên cơ sở quản lý của thư viện trường học nên đảm bảo chặt chẽ, phục vụ tốt cho nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Cơ cấu bộ phận sách pháp luật cơ bản đảm bảo 4 loại sách báo, tài liệu pháp lý: Văn bản quy phạm pháp luật; sách pháp luật phổ thông; sách tài liệu pháp lý phục vụ cho công tác, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy; báo tạp chí chuyên ngành, ngoài ra còn có các loại sách báo giáo dục... Nhiều trường đã triển khai làm tốt công các này như: Trường THPT Ngô Gia Tự- huyện Lập Thạch đã thành lập được Ban chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, giao cho công đoàn theo dõi trực tiếp; cán bộ, giáo viên, ban chấp hành đoàn trường phối hợp với đội cờ đỏ nhà trường theo dõi việc thực hiện pháp luật và nội quy trường học. Đối với đoàn viên thanh niên gắn việc theo dõi tình hình thực hiện pháp luật của học sinh ở gia đình và cơ sở. Tủ sách pháp luật của nhà trường có số lượng bình quân 250 cuốn/Tủ, kinh phí đóng Tủ, mua sách ban đầu và mua sách bổ sung là 8 triệu đồng/Tủ, trung bình hàng tháng có 1.200 lượt người tham gia mượn đọc sách. Trường THCS Lê Hồng Phong- Thị xã Phúc Yên đã gắn việc giáo dục pháp luật nội khoá với các hoạt động ngoại khoá tìm hiểu pháp luật trong nhà trường.

          Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo triển khai xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật trong trường học đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt phục vụ tốt công tác chuyên môn đạt hiệu quả cao, cũng như giúp giáo viên, học sinh, sinh viên bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt Tủ sách, ngăn sách pháp luật còn là cơ sở để các Trường học tổ chức các hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung thiết thực liên quan trực tiếp đến học sinh, sinh viên.

          Tuy nhiên công tác xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh còn gặp một số tồn tại, khó khăn:

          Một là: Công tác lãnh, chỉ đạo còn thiếu thường xuyên. Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và tư pháp còn chưa đồng bộ, chặt chẽ trong việc hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật trong trường học thuộc địa phương quản lý.

          Hai là: Do nguồn kinh phí còn khó khăn, nên việc đầu tư kinh phí xây dựng Tủ sách, ngăn sách pháp luật còn hạn hẹp, việc đầu tư sách pháp luật chủ yếu là sách chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, sách pháp luật chung về tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước, các văn bản quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, sách tham khảo hướng dẫn nghiệp vụ còn ít.

          Ba là: Công tác quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trong trường học tuy đã đi vào nề nếp nhưng còn chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Sách báo chưa được sử dụng một cách có hiệu quả, vẫn còn Tủ sách chưa xây dựng được quy chế quản lý và khai thác, chưa mở được sổ theo dõi cá biệt người đọc, mượn sách. Cán bộ quản lý Tủ sách pháp luật đa số chưa được tập huấn về nghiệp vụ quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, nên việc hướng dẫn tra cứu văn bản gặp nhiều khó khăn.

          Để thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật theo tinh thần Thông tư liên tịch số 02 năm 2006 về hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cần triển khai một số giải pháp sau đây:

          Thứ nhất: Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo để nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ về vị trí, vai trò, tác dụng của Tủ sách pháp luật. Ngành giáo dục cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật.

          Thứ hai:  Trong điều kiện hiện nay, ngành giáo dục có khó khăn về kinh phí trong việc đầu tư xây dựng Tủ sách pháp luật vì vậy UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh cho ngành giáo dục để bổ sung sách pháp luật phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

          Thứ ba: Hàng năm cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản  lý Tủ sách pháp luật cho cán bộ quản lý Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật. Có chế độ khen thưởng đối với cán bộ làm tốt công tác quản lý Tủ sách pháp luật để động viên khuyến khích kịp thời, đồng thời kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân làm thất thoát, chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

          Thứ tư: Đối với các trường học đã được trang bị máy tính cần nối mạng Internet để phục vụ cho công tác cập nhật các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nói riêng để  phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên và giáo viên.

          Thứ năm: Tủ sách pháp luật trong trường học cần được bổ sung đầu sách mới, tuyên truyền thường xuyên đến giáo viên, học sinh, sinh viên để học nghiên cứu tìm hiểu.Có như vậy chất lượng khai thác Tủ sách pháp luật mới đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của Trung ương.

Kim Yến