Sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Luật Luật sư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

06/08/2008
Để đánh giá việc triển khai luật Luật sư sau 2 năm Luật có hiệu lực, vừa qua, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Luật Luật sư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sau khi Luật Luật sư có hiệu lực thi hành, trên cơ sở Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 49 của Thành uỷ, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 49 của UBND thành phố, các Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của Bộ Tư pháp và của thành phố hàng năm, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu, tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Luật sư, Nghị quyết  65/2006/NQ-QH11 29/6/2006 của Quốc hội về thi hành Luật Luật sư; Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/02/2007 của Chính phủ; Thông tư số 02/2007/TT-BTP ngày 25/4/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định  của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, các quận, huyện, Đoàn Luật sư và toàn thể luật sư trên địa bàn thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, là nhiệm vụ thường xuyên trong thời gian vừa qua. Thông qua  việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tổ chức tuyên truyền trên các chuyên mục Báo, Đài, phát trên sóng truyền hình, đăng tải trên Bản tin Tư pháp và phát hành tờ gấp, tờ rơi, kết hợp, lồng ghép nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của phần lớn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và một bộ phận nhân dân về vai trò hoạt động luật sư và của luật sư quá trình phát triển đất nước, trong công cuộc cải cách tư pháp, đặc biệt là trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hiện nay. 

Qua hai năm triển khai thực hiện Luật Luật sự trên địa bàn thành phố, nội dung tinh thần của Luật đã đi vào đời sống thực tiễn, từ những quy định của Luật đã tạo ra nhận thức thống nhất giữa người được giao nhiệm vụ thực hiện quyền quản lý nhà nước với các luật sư và tổ chức hành nghề của mình đã tạo ra những thuận lợi cơ bản trong việc quản lý hoạt động luật sư. Sở Tư pháp đã tham mưu đề xuất UBND thành phố cho phép phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp đào tạo luật sư cho nhiều đối tượng là sinh viên, cán bộ đang công tác tại các ngành đã tốt nghiệp Đại học Luật có nhu cầu trở thành luật sư hoặc sẽ tham gia lĩnh vực hoạt động luật sư. Đến nay có nhiều học viên đã trở thành luật sư hoạt động tại các Tổ chức hành nghề luật sư hoặc hoạt động độc lập, hoặc tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan đến lĩnh vực pháp luật. Đây là một hoạt động quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước thành phố trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc phát triển số lượng luật sư của Đoàn Luật sư thành phố, góp phần đưa số lượng luật sư của Đoàn từ 54 người sau khi Luật Luật sư được ban hành lên số lượng 79 người, trong đó có 08 luật sư tập sự.

Đến nay, Sở Tư pháp cũng đã cấp giấy phép hoạt động cho 17 Văn phòng Luật sư; 06 Cty TNHH Luật; 01 Cty Hợp danh Luật; 02 chi nhánh Cty Luật và 01 chi nhánh tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài. Các hoạt động cấp giấy phép hoạt động đều đảm bảo nhanh chóng, đúng thủ tục, đúng thời hạn quy định.

Sau gần hai năm triển khai thực hiện Luật Luật sư, đội ngũ luật sư thành phố đã tham gia tư vấn 2.364 trường hợp, thực hiện hoạt động tranh tụng 1.318 vụ. Nhìn chung, các hoạt động tư vấn của các luật sư đã tập trung vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng, những phát sinh trong quá trình phát triển đô thị mới, phục vụ cho sự phát triển của thành phố như đất đai, tranh chấp dân sự, thừa kế…

Trên lĩnh vực hình sự, sự đóng góp của các luật sư vào các quá trình tiến hành tố tụng là rất quan trọng, đảm bảo tính dân chủ, công bằng và minh bạch của pháp luật, góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân. Qua hai năm thực hiện Luật Luật sư, vai trò của luật sư trong tranh tụng, chất lượng tranh tụng, đặc biệt là tranh tụng tại toà của các luật sư đều được nâng lê rõ rệt; các luật sư đã coi trọng hơn đến việc xây dựng uy tín cá nhân, đạo đức nghề nghiệp; việc tranh tụng đã bám sát hơn vào các quy định của pháp luật, phù hợp với đường lối chính sách của Đảng, đạo lý truyền thống văn hoá của dân tộc nên hiệu quả thuyết phục ngày càng cao, có gần 70% các luận cứ, đề xuất của luật sư được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.

Như vậy, sau hai năm triển khai thực hiện Luật Luật sư trên địa bàn thành phố, nhận thức của toàn xã hội về vai trò của luật sư và hoạt động luật sư trong phát triển của xã hội đã được nâng cao, số lượng người dân tìm đến luật sư để được tư vấn, để được bảo vệ bằng pháp luật ngày càng nhiều, số lượng dịch vụ pháp lý được cung cấp ngày tăng, chất lượng dịch vụ ngày càng cải thiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư cũng có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động của các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư ngày càng đi vào nền nếp ổn định và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; ngoài việc trao dồi, cập nhật thông tin về quy định của pháp luật, trao dồi kỹ năng nghề nghiệp, vấn đề rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp đã được quan tâm chú trong hơn; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động luật sư ngày càng được khẳng định. Chất lượng hoạt động của các luật sư trong lĩnh vực tố tụng tiếp tục được nâng cao, vai trò của luật sư tại phiên toà ngày càng được tôn trọng, hoạt động tranh tụng tại phiên toà ngày càng đảm bảo hơn tính dân chủ, công khai, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp./.

Thu Hường