Thái bình: Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong việc quản lý các tổ hoà giải ở cơ sở.

04/08/2008
Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, đất chật, người đông, dân số trên 1,8 triệu người, trong đó trên 80% sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cùng với truyền thống cách mạng, nhân dân Thái Bình đã đoàn kết vượt khó đi lên.

Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân từng bước được cải thiện. Đến nay, hạ tầng cơ sở như: điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch được xây dựng được cải thiện đáng kể làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Các phong trào xây dựng làng văn hoá, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Quyết định 2080/QĐ-UB của UBND tỉnh về thực hiện xây dựng nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội bước đầu đạt kết quả tốt. Cùng với việc chuyển đổi xóm thành thôn, làng theo Quyết định số 65/2002/QĐ-UB ngày 29/8/2002 của UBND tỉnh, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, các tổ chức tự quản của quần chúng nhân dân trong đó có tổ chức hoà giải ngày càng phát triển, thường xuyên được củng cố kiện toàn và hoạt động có hiệu quả.

1. Công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh.

Khi có Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và phối hợp với Mặt trận tổ quốc VN và các đoàn thể tổ chức triển khai sâu rộng tới các cấp, các ngành. Ngày 23/4/1999 Tỉnh uỷ Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hoà giải ở cơ sở. Chỉ thị nêu rõ, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung, trong đó có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở  để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa vai trò, tầm quan trọng của công tác Hoà giải ở cơ sở. Nhanh chóng kiện toàn, củng cố tổ chức các tổ hoà giải để mỗi xóm, thôn, tổ dân phố có một tổ hoà giải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng. Quá trình triển khai Pháp lệnh, vai trò trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc VN các tổ chức chính trị xã hội ở cả 3 cấp như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Ban Tuyên huấn, Ban Dân vận Tỉnh uỷ….đã góp phần rất tích cực cùng ngành Tư pháp và chính quyền cơ sở chỉ đạo thực hiện. Ngày 01 tháng 8 năm 2002, Sở Tư pháp phối hợp cùng MTTQVN tỉnh ban hành Hướng dẫn liên ngành số 01/LN/TP-MT để đôn đốc cơ sở tiếp tục thực hiện tốt công tác hoà giải và được các địa phương chấp hành nghiêm túc. 100% số thôn, xóm, tổ dân phố có tổ hoà giải. Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng cho đội ngũ hoà giải viên được quan tâm. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong những năm qua công tác hoà giải của Thái bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

2. Kết quả đạt được.

Đến quý 3/1999, về cơ bản toàn tỉnh đã kiện toàn, củng cố xong tổ chức hoà giải ở xóm thôn, tổ dân phố theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều xã đã thành lập Ban hoà giải cấp xã. Các tổ hoà giải đã được bồi dưỡng nghiệp vụ và cung cấp tài liệu cần thiết cho hoạt động. Các tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên. UBMTTQ xã, phường, thị trấn phối hợp các tổ chức thành viên của mình lựa chọn giới thiệu để nhân dân bầu tổ viên hoà giải để UBND cùng cấp công nhận. Tổ hoà giải được thực hiện theo mô hình xóm và tổ dân phố. Việc kiện toàn tổ chức theo quy định của pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thống nhất việc tổ chức, hoạt động của các tổ hoà giải. Từ đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội khác, cơ quan Nhà nước, chính quyền cơ sở đối với hoạt động hoà giải.

Trước khi chuyển đổi mô hình tổ chức hoà giải theo thôn, toàn tỉnh có 2.939 tổ hoà giải ở xóm và tổ dân phố với gần 17.800 hoà giải viên. 100% số xóm có tổ chức hoà giải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Số lượng tổ viên hoà giải ít nhất là 3 người, có nơi 9 hoặc 11 người. Thành phần tổ hoà giải bao gồm: Bí thư Chi bộ, trưởng xóm, thành viên MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Một số xã của huyện Kiến Xương đã thành lập Ban hoà giải ở cấp xã. Ngoài ra còn có lực lượng tham gia của cán bộ chính quyền đoàn thể cơ sở, cán bộ nghỉ hưu có tâm huyết với việc hoà giải, một số nơi tổ hoà giải có đại diện dòng họ lớn, các vị có chức sắc tôn giáo. Theo đánh giá của các xã, phường, thị trấn, số tổ hoà giải hoạt động từ khá trở lên đạt 65%, trung bình 25% và có 10% tổ hoạt động yếu chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều địa phương có số tổ hoạt động xuất sắc chiếm tỷ lệ cao.

Trong những năm qua đã xuất hiện nhiều tổ viên hoà giải hoạt động xuất sắc, hoà giải thành công nhiều vụ việc phức tạp, có vụ mâu thuẫn kéo dài hàng chục năm đã được giải quyết. Tổ hoà giải và các hoà giải viên dần dần đã chiếm được lòng tin và là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Khi trong nhà, trong xóm có vụ việc xảy ra, họ đã tìm đến tổ hoà giải để được giúp đỡ. Mặt khác khi thấy trên địa bàn phụ trách có vụ việc xảy ra thì tổ viên tổ hoà giải đã chủ động tìm đến để xem xét tình hình và dàn xếp giải quyết mâu thuẫn. Như vậy, mô hình tổ chức hoạt động hoà giải theo quy mô xóm, tổ dân phố những năm qua đã phát huy kết quả, phù hợp với địa bàn sinh sống ở các khu dân cư. Xét về phạm vi, mức độ vụ việc cần phải hoà giải thì ở các xóm đã cơ cấu với số lượng tổ viên từ 5 đến 7 người làm công tác hoà giải là phù hợp.

Ngày18/01/2002, HĐND tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 31/2002/NQ-HĐ phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình tổ chức xóm thành thôn, làng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 65/2002/QĐ-UB ngày 29/8/2002 quy định tổ chức, nhiệm vụ của thôn, làng. Trên cơ sở đó tổ chức quần chúng tự quản của nhân dân trong đó có các tổ hoà giải được chuyển đổi theo. Điều này cũng phù hợp với Nghị định số 79/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ vì thôn, làng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện quy chế dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư. Hội nghị nhân dân thôn, làng còn có nhiệm vụ xây dựng hương ước, quy ước, cử ra các ban, nhóm tự quản của nhân dân trong đó có tổ chức hoà giải.

Cùng với việc thực hiện Quyết định số 65/2002/QĐ-UB, Sở Tư pháp có Công văn số 81/CV-TP ngày 22 tháng 6 năm 2003 hướng dẫn việc chuyển đổi tổ hoà giải theo mô hình thôn. Theo đó, ở mỗi thôn thành lập một tổ hoà giải. Số lượng tổ viên của tổ quy định là thôn loại 1 có từ 7-9 người, thôn loại 2 và thôn loại 3 có từ 5 – 7 người. Ở các tổ dân phố thuộc thị xã, thị trấn không có sự thay đổi về tổ chức tổ hoà giải mà vẫn giữ nguyên như cũ. Trường hợp cần kiện toàn củng cố lại thì địa phương cho tiến hành ngay. Từ đó việc củng cố tổ chức hoà giải theo mô hình thôn đã thực hiện xong. Nhiều tổ hoà giải mới được thành lập bổ sung tổ viên để đủ điều kiện hoạt động cho phù hợp với yêu cầu. Tính đến hết ngày 30/6/2008, toàn tỉnh đã củng cố kiện toàn 1.928 tổ hoà giải với 14.551 hoà giải viên hoạt động ở 1.768 thôn, tổ dân phố. Trong 6 tháng đầu năm 2008, các tổ hoà giải đã thụ lý  4.994 vụ việc, quá trình hoà giải đã hoà giải thành công 4.160 vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành chiếm 83%. Trong đó, tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai 896 vụ; Hôn nhân và gia đình 574 vụ; Dân sự 1.357 vụ, các việc khác 753 vụ. Các tổ viên hoà giải, tổ trưởng hoà giải được nhân dân tham gia bầu trong các cuộc họp nhân dân ở thôn, làng, tổ dân phố và được UBND cấp xã quyết định công nhận theo đúng tinh thần của Pháp lệnh.

Rõ ràng hoạt động hoà giải đã mang lại hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả duy nhất, quan trọng nhất mà hiệu quả do công tác hoà giải mang lại còn thể hiện ở chỗ các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh đã được giải quyết kịp thời, không để vụ việc đơn giản trở thành phức tạp, không để các vi phạm pháp luật nhỏ trở thành các vụ án hình sự hoặc các tranh chấp dân sự phức tạp kéo dài. Như vậy, công tác hoà giải đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Mặt khác việc hoà giải thành được dựa trên sự tự nguyện của các bên nên họ tự giác thực hiện. Mâu thuẫn phát sinh đã được giải quyết tận gốc không để bùng phát trở lại nên có tính bền vững. Điều đó đã góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư để cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Với vai trò, tầm quan trọng của công tác hoà giải, chúng ta khẳng định rằng công tác hoà giải là một hoạt động không thể thiếu được và rất quan trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước ở địa phương. Đó là công việc tuy đầu tư ít nhưng hiệu quả mang lại là rất quan trọng. Ngoài các vụ việc hoà giải thành, các tổ hoà giải, các hoà giải viên còn có các tác động kịp thời vào hàng ngàn vụ việc khác khi mới phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp để các bên tự dàn xếp, giải quyết với nhau mà chưa đưa vào số liệu thống kê.

Trước yêu cầu thực tế đặt ra của công tác hoà giải và từ tình hình cụ thể, đặc điểm ở địa phương; để công tác hoà giải cùng các hoạt động khác góp phần giữ vững an ninh, ổn định trật tự trị an xã hội ở nông thôn Thái Bình, Sở Tư pháp đã đăng ký và được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu đề tài khoa học về “Thực trạng và những giải pháp củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hoà giải ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh, ổn định trật tự xã hội ở tỉnh Thái Bình”. Đề tài được thực hiện trong năm 2002. Đề tài này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn đối với tình hình nông thôn Thái Bình sau khi trật tự xã hội đã được ổn định trở lại. Cùng với việc tăng cường PBGD cho nhân dân về những văn bản pháp luật cần thiết như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, pháp lệnh chống tham nhũng, quy chế dân chủ ở cơ sở… thì việc củng cố tổ chức và tăng cường chất lượng hoạt động của tổ hoà giải cũng được tiến hành kịp thời và đồng bộ.

3. Một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở ở Thái Bình trong thời gian qua.

+ Ở một số nơi, cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hoà giải ở cơ sở nên có nơi, có lúc còn xem nhẹ công tác này và coi đây là nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Qua khảo sát thực tế của 2 đợt nghiên cứu đề tài khoa học có khoảng 20% số xã, phường, thị trấn sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương là chưa chặt chẽ, ít quan tâm và chưa có sự đầu tư cho công tác hoà giải.

+ Công tác quản lý Nhà nước về hoà giải của một số xã, phường, thị trấn chưa chặt chẽ, chưa thống kê, theo dõi sự biến động về tổ chức và kết quả hoạt động của công tác hoà giải ở cơ sở. Công tác sơ kết, tổng kết, tập huấn nghiệp vụ có nơi chưa được chú ý, chưa quan tâm đến chất lượng hoạt động và kết quả công tác hoà giải. Một số nơi, năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật của các hoà giải viên còn nhiều hạn chế nhưng chưa được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn giúp đỡ.         

+ Việc khuyến khích, động viên phong trào hoà giải và kết quả hoạt động hoà giải ở các cấp chưa kịp thời. Việc đầu tư kinh phí, cung cấp thông tin pháp luật cho hoạt động hoà giải chưa đáp ứng được yêu cầu.

+ Mặt khác ở một số địa phương do cấp Uỷ, chính quyền ở cơ sở chưa thấy hết được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hoà giải nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Ở một số nơi cán bộ chính quyền cấp cơ sở có sự thay đổi nhiều. Tuy đã được kiện toàn, thay thế nhưng còn lúng túng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đội ngũ cán bộ Tư pháp đã được bố trí chuyên trách nhưng trình độ còn hạn chế nên việc tham mưu giúp cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo hoạt động hoà giải chưa được nhiều.

+ Do nhận thức chưa đầy đủ ở một số công dân về công tác hoà giải; bởi tư tưởng phong kiến gia trưởng cho rằng mọi việc tự giải quyết nội bộ, không chấp nhận hoà giải. Nhiều vụ việc tổ hoà giải không thể tiến hành do các đương sự thiếu thiện chí nên kết quả hoạt động hoà giải bị hạn chế.

+ Hoạt động hoà giải là tổ chức tự quản, sự tự nguyện tham gia của hoà giải viên không có chế độ, quyền lợi kèm theo, kết quả hoạt động chủ yếu dựa trên nhiệt tình và ý thức trách nhiệm của họ. Sự phân công, điều hành, nắm bắt thông tin ở một số tổ hoà giải không kịp thời. Một số hoà giải viên do không nhiệt tình, hoạt động kém hiệu quả nhưng chưa được kịp thời thay thế làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác hoà giải chung.

Do vậy, để thực hiện những tư tưởng chỉ đạo của Trung ương về công tác PBGD pháp luật trong đó có việc củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở cần thực hiện những giải pháp chủ yếu sau đây:

- Trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 14/CT-TU của Tỉnh uỷ Thái Bình về công tác hoà giải. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, PBGDPL ở cơ sở bằng nhiều hình thức để đưa pháp luật vào cuộc sống. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tạo thói quen về nhu cầu tự tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Từ đó hạn chế sự vi phạm pháp luật nâng cao khả năng tự điều chỉnh, tự giải quyết những va chạm, xích mích, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày. Thông qua hoạt động hoà giải thực hiện tốt chức năng giáo dục, giải thích pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

- Lồng ghép hoạt động hoà giải với các hoạt động khác như trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật, trung tâm học tập cộng đồng. Kết hợp củng cố công tác hoà giải với việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện hương ước, quy ước. Chú trọng ở những vùng nông thôn xa, vùng có nhiều đồng bào theo đạo thiên chúa  và những xã còn tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định, khiếu kiện kéo dài để củng cố tổ chức hoạt động hoà giải ở đó.

- Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác hoà giải. Hàng năm, cấp Uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở phải đưa công tác hoà giải vào chương trình mục tiêu chung của hoạt động phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động hoà giải để cơ quan quản lý cấp trên nắm bắt kết quả hoạt động và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác hoà giải. Tăng cường sự phối hợp của các ngành, các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia phối hợp với các tổ hoà giải. Thường xuyên quan tâm củng cố tổ chức, bổ sung đội ngũ hoà giải viên. Có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức toạ đàm rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải, biểu dương khen thưởng kịp thời những gương tốt, việc tốt về hoà giải. Từng bước đưa công tác hoà giải thành phong trào rộng khắp trong đời sống xã hội, mang tính xã hội hoá cao./.

Nguyễn Ngọc Hiển