Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp ở Vĩnh Phúc

17/07/2008
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW trong toàn ngành với phương châm “xây dựng cơ quan tư pháp, cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp trong sạch, vững mạnh góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân”; tổ chức Hội nghị quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Bên cạnh đó đã thành lập Ban chỉ đạo của Sở về thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW đạt được một số kết quả quan trọng.

Công tác quản lý ban hành văn bản QPPL, hàng năm Sở đã chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Chương trình lập quy, tích cực đôn đốc phối hợp với các Sở, Ban, Ngành trong việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL. Kịp thời thẩm định 100% các Nghị quyết của HĐND tỉnh và văn bản QPPL của UBND tỉnh trước khi ban hành. Trong 3 năm Sở đã tham gia đóng góp ý kiến vào 75 dự thảo Luật, Nghị định của Trung ương, 158 dự thảo văn bản QPPL của tỉnh, thẩm định 259 văn bản quy phạm của HĐND và UBND tỉnh trước khi ban hành; làm tốt công tác tổng rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL 10 năm theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Kiểm tra văn bản của 9 huyện, thị xã, thành phố và 27 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đề nghị xử lý đối với 20 văn bản cấp huyện, 16 văn bản cấp xã ban hành chưa đúng thẩm quyền hoặc có nội dung chưa phù hợp với pháp luật. Tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW hàng năm Sở Tư pháp đã chủ động giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Tham mưu giúp Tỉnh uỷ sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành tổ chức thực hiện tốt các văn bản của Trung ương và tỉnh về công tác PBGDPL. Tập trung tuyên truyền Nghị định 158 về đăng ký quản lý hộ tịch và Luật công chứng, Nghị định 79 về chứng thực. Trong 3 năm Sở đã xuất bản 18 số Bản tin tư pháp với số lượng 100.000 cuốn, phát hành 90 chuyên mục pháp luật và đời sống trên Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, xây dựng nhiều chuyên mục băng cát sét, xuất bản 63.000 tờ gấp pháp luật, 4.500 cuốn sách hỏi đáp pháp luật.

Thực hiện Pháp lệnh giám định tư pháp, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh kiện toàn lại các tổ chức giám định, thành lập 02 Trung tâm giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần. Phối hợp với Vụ Bổ trợ tư pháp, Viện pháp y Trung ương tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho các giám định viên tư pháp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 54 giám định viên tư pháp, chất lượng của đội ngũ này tương đối đồng đều. Trong thời gian qua các tổ chức giám định tư pháp đã giám định được 797 ca giám định pháp y, 541 ca giám định kỹ thuật hình sự và 87 ca giám định pháp y tâm thần, không có giám định sai và giám định lại.

Thi hành Pháp lệnh luật sư và Luật luật sư Sở Tư pháp tích cực tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư, chuyển đổi tổ chức, kiện toàn, củng cố Đoàn luật sư của tỉnh, xây dựng đội ngũ luật sư và phát triển tổ chức hành nghề luật sư. Công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề và giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được chú trọng. Chất lượng hoạt động của luật sư từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ tích cực công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49/NQ-TW. Trong 3 năm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia tranh tụng tại Toà 978 vụ, tư vấn pháp luật 741 vụ, dịch vụ pháp lý khác 213 vụ.

Hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh hoạt động. Trong thời gian qua Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thụ lý và TGPL được 6.854 vụ việc. Việc TGPL đã phục vụ cho 2.800 người nghèo, 1.000 đối tượng chính sách, 974 người dân tộc thiểu số, 250 trẻ em, tổ chức được 120 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường và thôn làng trong tỉnh.

Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo tăng cường công tác THA dân sự cấp tỉnh; tham mưu để Ban chỉ đạo tăng cường công tác THA dân sự của tỉnh biện pháp giải quyết những vụ việc có khó khăn phức tạp mà bên phải thi hành án là các doanh nghiệp nhà nước. Thường xuyên chủ động rà soát, phân loại án, giải quyết kịp thời những đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực THA, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong quá trình lập hồ sơ xét miễn giảm thi hành án theo quy định. Hàng năm Sở đã tiến hành kiểm tra công tác THS đối với các đơn vị THA dân sự cấp huyện, phát hiện những tồn tại kịp thời yêu cầu đơn vị rút kinh nghiệm và khắc phục ngay những tồn tại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 6 năm 2005 đến tháng 4 năm 2008 toàn tỉnh có tổng số án phải thi hành là: 15.253 việc = 281.738.117.000đ và 213.150 USD, đến nay đã thi hành được 6.013 vụ, việc có điều kiện thi hành = 36.155.189.000 đ.

Trên cơ sở đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ và kiện toàn lại các phòng chuyên môn của Sở. Sở đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ. Hàng năm Sở đều rà soát để luân chuyển cán bộ cho phù hợp với năng lực sở trường, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bên cạnh những thuận lợi ngành tư pháp Vĩnh Phúc còn có những khó khăn, vướng mắc. Công tác quản lý ban hành VBQPPL ở các cấp nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, công tác PBGDPL chưa được đầu tư thoả đáng nên kết quả công tác PBGDPL còn hạn chế. Công tác THA dân sự trong thời gian qua tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ số vụ, việc tồn đọng còn nhiều. Đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh còn mỏng, số lượng luật sư hiện có so với số dân trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ có 1 luật sư trên 19.300 người dân, sự phát triển của các tổ chức hành nghề luật sư còn chậm, phân bố chưa đều. Năng lực hành nghề, chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế- quốc tế. Một số vụ việc giám định phức tạp phải chuyển lên tuyến trên.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 49/NQ-TW, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục phổ biến, quán triệt các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL; tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác THA dân sự với các giải pháp có hiệu quả; Tiếp tục kiện toàn củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Bổ trợ tư pháp, nhất là các hoạt động Giám định tư pháp, Luật sư…

Kim Yến