Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp

17/07/2008
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng về việc tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp, ngày 15/7/2008, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị đã đánh giá tình hình triển khai Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP; đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động giám định tư pháp và công tác quản lý về giám định tư pháp... Nhìn chung, Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP Chính phủ được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác giám định tư pháp trên các lĩnh vực được hoạt động một cách có hiệu quả. Đồng thời, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan thực hiện việc giám định đã có sự phối hợp nhanh chóng và nhịp nhàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ làm công tác giám định cơ bản được củng cố và kiện toàn về mặt tổ chức, trình độ chuyên môn của lực lượng giám định viên dần được nâng lên, được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị, có tinh thần trách nhiệm, tinh thần học hỏi, trao dồi kinh nghiệm (như lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y). Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị thí nghiệm phục vụ cho công tác giám định trong một số lĩnh vực được trang bị ngày càng nhiều và hiện đại, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong công tác giám định (như kỹ thuật hình sự), qua đó giúp cho công tác giám định tư pháp từng bước ổn định, đáp ứng được yêu cầu trước mắt của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn những bất cập, tồn tại đó là: 

Thứ nhất, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ vai trò quan trọng và trách nhiệm của các cấp, các ngành phải thực hiện nhưng trong thực tiễn ở địa phương việc nhận thức đúng để thực hiện đạt hiệu quả đối với công tác này vẫn còn những hạn chế, chưa được thực sự chú trọng. 

Thứ hai, Nghị định 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý Nhà nước một số công việc trong lĩnh vực giám định tư pháp nhưng chưa quy định rõ ràng về cơ chế, đầu mối quản lý (các tổ chức giám định và người giám định không thuộc quyền quản lý của Sở Tư pháp). Bộ Tư pháp lại chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể nên việc phối hợp tham mưu trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, khó thực hiện, không sâu sát và thực hiện không kịp thời về các nội dung:

Quy định về trình tự bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc; kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp; báo cáo hoạt động giám định trên địa bàn thành phố cho Uỷ ban nhân dân thành phố, Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp chưa rõ ràng. Đặc biệt kinh phí để Sở Tư pháp quản lý đối với hoạt động này hầu như không có. 

Thứ ba, chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và thù lao đối với người giám định tư pháp qua 4 năm Pháp lệnh Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Hiện nay, các tổ chức giám định vẫn áp dụng chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp theo Quyết định 160/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 1996  của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp và Thông tư liên bộ 355/TT-LB ngày 12 tháng 10 năm 1996 của Liên bộ Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính - Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định 160/QĐ-TTg.

Những văn bản này đã quá lỗi thời, quy định chế độ đãi ngộ, mức thù lao chưa tương xứng đối với những người làm công tác giám định tư pháp chuyên trách và giám định tư pháp theo vụ việc nên chưa tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tư pháp, không thu hút được nhân lực làm việc trong lĩnh vực giám định. Dẫn đến tình trạng hiện nay các tổ chức giám định không thể bổ sung giám định viên do các cơ quan chuyên môn không tìm được người có năng lực và tâm huyết để đề nghị bổ nhiệm giám định viên.

Thứ tư, về trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức giám định còn thiếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới do các nguyên nhân: Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP chưa quy định rõ cơ chế, hành lang pháp lý các biện pháp hỗ trợ đối với các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn thành phố. Sở Tư pháp không quản lý trực tiếp đối với các tổ chức giám định nên không có cơ sở để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố.

 Thứ năm, công tác giám định theo vụ việc còn một số bất cập, nên hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân: Một số cơ quan không muốn cử người làm giám định viên tư pháp theo vụ việc, người được cử cũng không thật sự tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ; một số lĩnh vực giám định lại chưa có người để thực hiện việc giám định như môi trường, tài chính, thuế...

Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về quyền, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của giám định viên vụ việc đối với Thủ trưởng đơn vị và Thủ trưởng của cơ quan tư pháp (là cơ quan quản lý nhà nước) nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, ở Đà Nẵng có trường hợp cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tập thể trong lĩnh vực văn hoá, cơ quan chủ quản không thể thực hiện được bởi các lý do: Một mặt, quy định của pháp luật về lĩnh vực giám định quy định chưa rõ về việc trưng cầu tập thể trong lúc quy định bắt buộc giải thể các tổ chức giám định văn hoá trước đây; mặt khác giám định văn hoá, ngoài việc thực hiện kiêm nhiệm công tác giám định thì bản thân người đó phải đảm trách công tác chuyên môn và là công tác chính không thể không hoàn thành nên Lãnh đạo quản lý trực tiếp của các giám định viên không thể cùng một lúc cử nhiều giám định viên thực hiện nhiệm vụ này được. Đây là điều bất cập và khó khăn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giám định tư pháp theo vụ, việc.  

Từ những tồn tại, bất cập này, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

1. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế quản lý, đầu mối quản lý, mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm của Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ về trình tự bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc; kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp; báo cáo hoạt động giám định trên địa bàn cho Thường trực Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố, Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp. Đặc biệt là cơ chế, hành lang pháp lý về các biện pháp hỗ trợ đối với các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh để Sở Tư pháp có cơ sở để tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định, góp phần cho hoạt động này đạt hiệu quả. 

2. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Thông tư quy định về  chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và thù lao cho các giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với tình thực tiễn hiện nay nhằm thay thế các văn bản đã lỗi thời.

3. Học viện Tư pháp cần chú trọng công tác đào tạo nghề giám định viên tư pháp ở một số lĩnh vực còn mới mẻ với việc xây dựng chương trình, giáo trình chuẩn với chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất trong cả nước và đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành.

 Đồng thời, cần phải xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp của giám định viên tư pháp bảo đảm nguyên tắc, điều kiện bổ nhiệm và quy trình bổ nhiệm chặt chẽ. Vấn đề này cần được tiến hành bởi Bộ chủ quản và Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó, về lâu dài cần có hoạch định về đào tạo nguồn giám định viên ở một số ngành, lĩnh vực giám định như giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự… từ một số trường đại học và có chính sách khuyến khích, thu hút sinh viên học các chuyên ngành đó. Đồng thời phải có những chính sách đãi ngộ về vật chất, tinh thần thích đáng đối với giám định viên nói riêng và những người tham gia hoạt động giám định tư pháp nói chung, thu hút rộng rãi các chuyên gia giỏi ở các ngành nghề, lĩnh vực và ở mọi khu vực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.

4. Bộ Tư pháp cần đề nghị Bộ Công an, Bộ Y tế chỉ đạo sâu sát về công tác chuyên môn hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.  Đề nghị Bộ Công an quan tâm hơn nữa đối với cơ sở, vật chất và phương tiện hoạt động cho Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc Công an thành phố.

 Bộ Y tế sớm ban hành thang biểu đánh giá sức khoẻ dành riêng cho lĩnh vực pháp y, hiện nay khi giám định bác sĩ pháp y vẫn phải căn cứ vào thang biểu giám định y khoa, do đó có ảnh hưởng nhất định đến sự chính xác của kết luận giám định.

Đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm đào tạo kịp thời cho các bác sỹ về lĩnh vực chuyên môn giám định pháp y để đủ điều kiện bổ nhiệm giám định viên hoạt động trong lĩnh vực này.

5.  Đề nghị Bộ Tư pháp cần quy định cấp thẻ cho giám định viên tư pháp theo vụ việc để tạo điều kiện pháp lý cho giám định viên thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thu Hường