An Giang: Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 135/2003/NĐ-CP

17/07/2008
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp thành lập phòng văn bản pháp quy với 5 biên chế, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, 3 chuyên viên. Trong đó bố trí 1 chuyên viên kiểm tra văn bản. Đối với phòng Tư pháp của 11 huyện thị, thành phố thuộc tỉnh đều bố trí Trưởng, Phó Trưởng phòng Tư pháp, 1 công chức làm công tác văn bản.

Để triển khai thực hiện nghị định 135/2003/NĐ-CP, HĐND tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết số 08/2007/NQ-HĐND ngày 25/10/2007, UBND tỉnh ban hành quyết định số 67/2007/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng, thẩm định, đóng góp ý kiến, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh An Giang. Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản QPPL được tỉnh thực hiện thường xuyên hàng năm theo kế hoạch góp phần từng bước đua hoạt động xây dựng kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL của tỉnh dần đi vào nề nếp, chất lượng từng bước được nâng lên.

Kết quả trong 4 năm qua, tỉnh đã thực hiện tự kiểm tra 398 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành gồm: 207 quyết định, 112 chỉ thị, 79 Nghị quyết. Qua công tác tự kiểm tra, phát hiện 2 văn bản quy phạm pháp luật không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND trong hệ thống pháp luật. HĐND, UBND tỉnh An Giang đã kịp thời ban hành Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND, ngày 25/01/2006 của UBND tỉnh An Giang về việc huỷ bỏ nội dung khoản 7 Chỉ thị số 27/2004/CT-UB ngày 10/8/2004 của UBND tỉnh An Giang về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và Nghị quyết số 35/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của HĐND tỉnh An Giang về việc bãi bỏ Nghị quyết số 03/2006/NQ.HĐND tỉnh An Giang về việc bổ sung 5 chức danh công tác ở ấp, khóm được hưởng chế độ phụ cấp địa phương.

Sở Tư pháp để kiểm tra 571 văn bản quy phạm pháp luật do cấp huyện ban hành, đạt 100% so với số lượng văn bản gởi kiểm tra, gồm: 149 nghị quyết, 320 quyết định, 102 chỉ thị. Qua công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, đã phát hiện và đề nghị xử lý 01 trường hợp văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành dưới hình thức văn bản hành chính (công văn) có nội dung trái pháp luật.

Nhìn chung, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai, thực hiện Nghị định 135, cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Công tác kiểm tra bước đầu đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục đáng kể việc ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, nội dung vi phạm Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, thiết nghĩ, trong thời gian tới Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương cần tiếp tục, khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu về VBQPPL, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, khai thác, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng thể chế trong thời kỳ mới.

Trần Hải Quân