Nam Định với việc phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

08/07/2008
Trong những năm qua, một trong những nhân tố giữ vai trò quyết định đến hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nam Định đó là quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Tại tỉnh Nam Định, ngay từ năm 1997, “Tổ tuyên truyền pháp luật ” đã được thành lập gồm 24 đồng chí từ các Sở, ban, ngành tiến hành tuyên truyền pháp luật ở cơ quan, đoàn thể mình; biên soạn, khai thác các loại tài liệu pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền. Thực hiện Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998-2002, Quyết định số 210/1999/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp ban hành quy chế báo cáo viên pháp luật, ngày 24/12/1999, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định kiện toàn và công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và giao cho Sở Tư pháp quản lý, tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Từ đó, với đội ngũ báo cáo viên pháp luật đang hoạt động ở các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào nền nếp, ý thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao. Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đầu năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 953/QĐ-UBND kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh. Theo đó, hiện nay, Nam Định chính thức có 75 báo cáo viên pháp luật trong đó 45 báo cáo viên cấp huyện và 30 báo cáo viên đang hoạt động tại các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể…Có thể nói việc kiện toàn kịp thời đội ngũ báo cáo viên pháp luật đã tạo điều kiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ, toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, còn xây dựng được gần 2.000 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã mà nòng cốt là cán bộ trong Ban tư pháp cấp xã, hoà giải viên cơ sở và một số ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Đội ngũ này tổ chức tiến hành tuyên truyền pháp luật tại mọi thôn xóm trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm bớt đơn thư khiếu nại, giúp người dân tin vào pháp luật, tạo sự yên bình nơi xóm ngõ.

Luôn xác định vai trò quan trọng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tỉnh Nam Định rất chú trọng việc tổ chức tập huấn pháp luật dưới nhiều hình thức phong phú. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi hoà giải viên (cuộc thi hoà giải viên giỏi lần thứ nhất năm 2000 và cuộc thi hoà giải viên giỏi lần thứ hai năm 2005) đã thu hút được hàng nghìn người tham dự, qua đó đã bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này. Ngoài ra, nhằm củng cố trình độ hiểu biết pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình, các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, tập huấn cho các đối tượng báo cáo viên pháp luật của ngành.

Là cơ quan trực tiếp quản lý tổ chức các hoạt động của báo cáo viên pháp luật, ngay trong năm 1998, Tư pháp Nam Định đã xây dựng kế hoạch tăng cường các mối quan hệ với các Sở, ban, ngành, đoàn thể để triển khai đầu kỳ (bình quân 3 tháng 1 lần), sinh hoạt tập trung toàn thể báo cáo viên nhằm phổ biến các văn bản pháp luật. Với nhiệm vụ quản lý, tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, Sở Tư pháp luôn chủ động chủ trì, phối hợp với các ngành khác trong việc tập huấn kiến thức pháp luật, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ này.  Để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đã thường xuyên giúp đỡ, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng, định kỳ tổ chức sinh hoạt tập trung để giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật mới, thống nhất kế hoạch triển khai ở đơn vị, cơ sở, cung cấp tài liệu như: đề cương pháp luật, Bản tin Tư pháp, tờ gấp pháp luật... Trong các năm 2005-2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức 04 lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp trong đó có nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 700 lượt cán bộ Tư pháp cấp xã, phường, thị trấn. Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn về Luật thanh tra, Luật khiếu nại - tố cáo cho 80 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong cơ quan và trong các đơn vị sự nghiệp. Năm 2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức tập huấn nghiệp vụ pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và báo cáo viên của Đảng; phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị Trường Chinh tập huấn tổ chức hội nghị tập huấn Luật bầu cử đại biểu Quốc hội cho báo cáo viên pháp luật các ngành, các tổ chức đoàn thể, các huyện, thành phố và báo cáo viên của Đảng. Ngoài ra, để phát huy vai trò của đội ngũ hoà giải viên cơ sở, Tư pháp Nam Định đã chỉ đạo, phối hợp với 10 đơn vị cấp huyện tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, cung cấp kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực pháp luật về hình sự, xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại tố cáo, pháp lệnh hoà giải cơ sở cho  hầu hết các hoà giải viên đang trực tiếp làm tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tố làm cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Nam Định được triển khai đồng bộ, toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực là đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên pháp luật trên cơ sở các cán bộ, công chức đang hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Với cách thức phổ biến đa dạng, ngoài việc tuyên truyền miệng tại các cuộc họp chuyên đề hoặc một buổi phổ biến, giáo dục pháp luật đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thông qua hoạt động chuyên môn của mình để chuyển tải quy định của pháp luật đến người nghe. Tất cả những điều đó đã góp phần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nam Định đi vào nền nếp, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần quan trọng vào việc hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của người dân. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, có một số nguyên nhân đang hạn chế hiệu quả của hình thức này trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Có thể nói rằng vấn đề quan trọng trong tuyên truyền miệng là phải thuyết phục được người nghe, làm cho người nghe tin và hiểu pháp luật, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật tốt. Song việc tập huấn kiến thức pháp luật chưa được các đơn vị, chính quyền cơ sở quan tâm thường xuyên. Phần lớn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tự rèn luyện kỹ năng, tự cập nhật nội dung văn bản pháp luật nên đôi khi chưa có cách nhìn hệ thống về pháp luật. Mặt khác, trong bài giảng của một số báo cáo viên pháp luật đơn thuần chỉ giới thiệu máy móc nội dung văn bản pháp luật, ít vận dụng kiến thức xã hội để đưa ví dụ thực tế minh hoạ cho bài giảng, đôi khi lại quá sa đà giới thiệu những vấn đề pháp luật liên quan trực tiếp đến người nghe, do đó không thuyết phục, không thu hút được sự quan tâm của họ. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí, thù lao cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng còn hết sức khó khăn. Những điều đó đang là nguyên nhân cản trở, ảnh hưởng đến chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một điều không thể phủ nhận rằng, ở Nam Định hiện nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đang là lực lượng nòng cốt quan trọng trong hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Trong thời gian tới, để có thể nâng cao hiệu quả của đội  ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tỉnh Nam Định cần đầu tư nhiều thời gian hơn nữa cho việc tham gia sinh hoạt tập trung của đội ngũ này; cần có sự hợp tác, nhiều sự liên hệ hai chiều từ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật với cơ quan quản lý trực tiếp, biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu pháp luật cung cấp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật./.

Trần Thị Hồng Nhung