Giáo dục, phổ biến pháp luật ở miền núi ở Bình Định: Vẫn còn nhiều cái khó!

08/07/2008
Bằng nhiều hình thức như tổ chức tập huấn, phát hành tờ gấp, thông qua mạng lưới truyền thanh cấp xã, thực hiện giúp pháp lý lưu động miễn phí…bước đầu đã giúp nhận thức của đồng bào các huyện miền núi tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Song những cố gắng ấy chưa đủ để xoá nạn "mù luật"...

Từ cái lý của bà con…

Trên địa bàn huyện An Lão( Bình Định) thời gian qua, nhiều bà con sắm xe máy nhưng không chịu đi đăng ký, đi thi bằng lái xe để được làm giấy chứng nhận, đăng ký bản số cho xe, mà cứ để chiếc xe “ 4 không” lưu hành: không giấy tờ, không bằng lái, không có bảo hiểm, và lẽ dĩ nhiên theo pháp luật không được cấp bản số. Điều này khiến lực lượng cảnh sát giao thông đau đầu! Nhiều vụ khi bị cảnh sát giao thông “tuýt” lại, cái "lý" mà bà con đưa ra hết sức"chân thật”: " Mình bán con trâu, con bò có giấy tờ gì đâu, mua con xe để chạy mà đòi giấy tờ” (?!). Cũng có người đưa ra “ cái lý hết sức hồn nhiên” : “Mình mua xe chủ yếu để đi lên cái rẫy thôi, có đi đâu xuống miền xuôi mà cần giấy tờ, bản số”. Còn về bằng lái xe, thì bà con "lý sự": “ Cái bụng mình đâu có biết tiếng kinh, nên có đi thi cũng rớt thôi ! Mình không có bằng nhưng lái xe vẫn chạy tốt đó thôi sao!”.

Còn nhớ, tỉnh Bình Định có chủ trương tổ chức đăng ký khai sinh và kết hôn miễn phí cho đồng bào dân tộc miền núi, theo đó, cán bộ tư pháp phải xuống từng nhà để vận động, giải thích, và thu thập các dự kiện nhân thân của từng người để cấp miễn phí giấy khai sinh, giấy kết hôn cho bà con. Trong quá trình thực hiện, nhiều bà con dân tộc Ba na, Hrê cứ “vô tư” đưa ra cái lý “hồi giờ vợ chồng mình không có cái giấy kết hôn, vợ chồng mình cũng thương yêu mà, nay vợ chồng mình có mấy đứa con rồi đó”. Còn cấp giấy khai sinh cho con cái họ, có người còn bảo không nhớ ngày sinh tháng đẻ, thậm chí sinh năm nào, chỉ biết “nó”-chỉ con họ- sống qua bao mùa rẫy, cán bộ tư pháp cứ lượng thế mà tính, mà khai giúp cho họ. Còn cái tên, chữ lót, cái họ thì phải tìm cán bộ của làng làm thông dịch và ghi giúp, thậm chí còn phải đặt giùm cái tên cho con của họ !

* Đến nỗ lực của các ngành, các cấp…

Mặc dù, thời gian qua ngành tư pháp nói riêng và các ngành, các cấp trong tỉnh  Bình Định nói chung đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con dân tộc, nhưng nạn “đói luật”, “mù luật” không phải là không còn, nhất là những người lớn tuổi. Ông Hồ Khá, Chánh toà hình sự TAND tỉnh Bình Định cho biết: Có rất nhiều vụ án mà cả bị cáo lẫn bị hại đều không hiểu biết về pháp luật, toà coi đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Ông Lê Việt Cường, Phó giám đốc Sở Tư pháp than thở: Từ năm 1999, Bình Định xây dựng "tủ sách pháp luật" đến 100% các xã, phường, thị trấn. Mỗi tủ sách có từ 70 đến 100 đầu sách. Cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến xã có nhiều cách để tuyên truyền luật, phát hành hơn hàng ngàn tờ gấp xuống các làng, thôn. Trợ giúp pháp lý hàng tháng phải lưu động xuống tận nhà, lên tận rẫy để tư vấn, tuyên truyền luật... Thế là cố gắng lắm! Nhưng cũng chưa thấm vào đâu !

Có thể nói, cho đến nay, những cố gắng của Bình Định tìm ra một biện pháp để nâng cao hơn nữa công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc miền núi, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện tượng "mù mờ" về luật của đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định còn rất phổ biến. Tình trạng vi phạm pháp luật do “đói luật”, “mù luật” vẫn còn xảy ra “như cơm bữa”, nhất là các lĩnh vực hôn nhân gia đình, dân số, bảo vệ rừng, an toàn giao thông, thậm chí cả pháp luật hình sự.

 Nguyễn Huỳnh Huyện