Cà Mau: Công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2008 - những kết quả nổi bật

08/07/2008
Năm 2008 các nhiệm vụ trọng tâm được Sở Tư pháp xác định là công tác thi hành án dân sự, công tác văn bản quy phạm pháp luật, công tác PBGDPL và công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Việc triển khai chương trình công tác năm 2008 đã được thực hiện ngay từ đầu năm nên có nhiều thuận lợi cho tổ chức hiện; lãnh đạo ngành tư pháp tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành trong 6 tháng đầu năm.

Ngay từ cuối năm 2007 Sở Tư pháp đã phối hợp cùng Văn phòng UBND tỉnh và các ngành chức năng xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành chương trình lập quy hàng năm của HĐND và UBND tỉnh; thường xuyên phối hợp, có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các ngành thực hiện việc soạn thảo các văn bản đảm bảo tiến độ, nội dung theo yêu cầu; tham mưu UBND tỉnh trực tiếp soạn thảo 05 văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực của ngành như: Nghị quyết về phí đấu giá tài sản; Nghị quyết về kinh phí xây dựng văn bản QPPL; Nghị quyết về lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú và cấp chứng minh nhân dân; Quyết định ban hành quy trình soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản QPPL.... thẩm định 56 dự thảo văn bản QPPL; tự kiểm tra 42, kiểm tra theo thẩm quyền 162 văn bản... Nhìn chung công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được tăng cường, từng bước đi vào nề nếp, có chiều sâu nhằm phát hiện kịp thời những văn bản có sai phạm và kiến nghị xử lý theo quy định.

Công tác PBGDPL ngày càng được chú trọng, kịp thời triển khai kế hoạch, đề ra các biện pháp PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và từng thời điểm. Ngay từ đầu năm tỉnh đã tổ chức tổng kết công tác PBGDPL giai đoạn 2003 - 2007; tổng kết công tác PBGDPL năm 2007 và triển khai chương trình công tác PBGDPL năm 2008; triển khai các nội dung thuộc chương trình 212 của Chính phủ. Các huyện, thành phố và 15 ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức PBGDPL bằng các hình thức 10.729 cuộc, có 597.815 lượt người dự, tập trung tuyên truyền trên 30 văn bản luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có các luật mới được Quốc hội thông qua.... Để góp phần phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương,  Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật trọng tâm, trọng điểm. Các hình thức phổ biến pháp luật được thực hiện có hiệu quả như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với các chuyên đề trên sóng phát thanh – truyền hình, bản tin chuyên ngành; phối hợp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trong học đường; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thi tìm hiểu pháp luật dành cho đối tượng là cán bộ Tư pháp và Công an xã, phường, thị trấn...

Thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh Trung tâm TGPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 – 2010; Trung tâm TGPL tiếp tục được kiện toàn, bổ sung biên chế; tiếp tục phát triển và bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ cộng tác viên; chủ động xây dựng kế hoạch trợ giúp và có phối hợp với chính quyền cơ sở; đẩy mạnh hoạt động TGPL, 6 tháng đầu năm thực hiện TGPL 530 vụ việc; thực hiện trợ giúp trên sóng phát thanh - truyền hình và trên trang tin điện tử Sở Tư pháp. UBND tỉnh đã quyết định thành lập 02 Chi nhánh TGPL tại huyện Trần Văn Thời và Năm Căn.

Công tác thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, củng cố kiện toàn về tổ chức, cán bộ, thành lập 02 phòng chuyên môn thuộc Thi hành án dân sự tỉnh; tổ chức thi tuyển biên chế, toàn tỉnh có 32 Chấp hành viên; tổ chức tập huấn cho 54 cán bộ, công chức. Cơ chế phối hợp giữa các ngành trong THADS được tăng cường, trên cơ sở Quyết định số 29/2007/QĐ-UB về việc ban hành Quy chế phối hợp trách nhiệm trong thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Sở Tư pháp đã chỉ đạo THADS tỉnh hướng dẫn các cơ quan Thi hành án cấp huyện trình UBND cấp mình tiếp tục cụ thể hoá về việc phối hợp với cấp, ngành có liên quan. Đến nay đã có 4/9 huyện ban hành quy chế này. Đặc biệt Giám đốc Sở đã tổ chức đối thoại với công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo vụ việc bức xúc, kéo dài liên quan đến THADS, được dư luận quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch và chứng thực cho xã, phường, thị trấn nhằm chấn chỉnh công tác đăng ký khai sinh, điều chỉnh, cải chính các giấy tờ hộ tịch, hướng dẫn việc chứng thực đối với tài liệu, giấy tờ có tiếng nước ngoài; đăng tải các kết quả giải quyết hồ sơ hàng ngày trên website của tỉnh và niêm yết tại trụ sở để đương sự tiện tra cứu. Công tác đăng ký quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài, trong 6 tháng đã đăng ký kết hôn 111 cặp; đăng ký khai sinh 15 trường hợp; đăng ký nuôi con nuôi 17 trường hợp; xin chứng nhận quốc tịch 03 trường hợp; ghi chú kết hôn 415 trường hợp...

Các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở, 6 tháng đầu năm Sở đã tiến hành kiểm tra 9 huyện, thành phố và 20 đơn vị cấp xã; duy trì thực hiện tốt các quy trình quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong các hoạt động nghiệp vụ.

Nguyễn Sơn