Lào Cai: Tổng kết 4 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp

03/07/2008
Ngày 02/7/2008, được sự uỷ quyền của UBND tỉnh, Sở Tư pháp Lào Cai mở Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Thị Kim Dung Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Viện pháp y quốc gia, các ngành có tổ chức Giám định tư pháp, nội chính và các Giám định viên

Qua 4 năm, các tổ chức Giám định tư pháp đã được kiện toàn, hiện có 67 Giám định viên, trong đó 32 Giám định viên trình độ đại học chuyên ngành. Hoạt động giám định tư pháp bước đầu có kết quả, góp phần quan trọng, tích cực trong quá hoạt động tố tụng ở tỉnh Lào Cai, nhưng hiện còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc.

Mặc dù sớm ổn định, có giám định viên chuyên trách hoạt động nền nếp như tổ chức Giám định Pháp y, Kỹ thuật hình sự  ( Trong 4 năm, giám định 1597 việc thì có tới  872 việc ( 54,6% )  giám định kỹ thuật hình sự, 724 việc (45% ) giám định pháp y) nhưng đến nay vẫn thiếu trang thiết bị. Trung tâm Giám định pháp y phải sử dụng “đồ cũ” của Khoa ngoại các Bệnh viện thải loại. “…nhiều khi các Giám định viên đưa ra kết luận giám định chủ yếu dựa trên đánh giá, nhận xét bằng cảm quan, kinh nghiệm công tác của mình qua thực tiễn hoạt động giám định.” ( Trang 7 Báo cáo tổng kết ). Giám định thuộc lĩnh vực xây dựng, văn hoá, tài chính, nông nghiệp, lâm nghiệp cũng rơi vào tình trạng đó, khi có yêu cầu giám định các Giám định viên phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn để…mượn thiết bị hoặc thuê tư vấn.

Mặt khác, trên phương diện văn bản pháp luật có sự thiếu thống nhất. Khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “…Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành”. Nhưng theo Khoản 1 điều 33 Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004 thì “…Việc giám định lại có thể do người đã giám định trước đó hoặc do người giám định khác thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng”. Do đó, rất khó ứng xử khi có yêu cầu giám định lại nhất là trường hợp chỉ có giám định viên được bổ nhiệm độc lập.

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp nhưng thiếu những quy định, hướng dẫn về chế độ báo cáo thống kê, nguồn kinh phí chi cho hoạt động này (tổ chức tập huấn nghiệp vụ, khen thưởng,…).v.v..đưa Sở Tư pháp vào thế bị động, hạn chế trong thực hiện trách nhiệm quản lý.

Trước thực trạng đó, các ngành liên quan đã thống nhất cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiện toàn, quản lý tổ chức, đội ngũ Giám định viên và hoạt động giám định tư pháp; kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ trang thiết bị phục vụ giám định và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật trên lĩnh vực giám định tư pháp./.

Hai Ly
Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai