Ngành giáo dục thực hiện xã hội hoá công tác PBGDPL: Đổi mới để gần cuộc sống hơn

08/07/2008
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường là một trong những biện pháp hình thành ý thức tuân thủ và thực hiện pháp luật cho mỗi người ngay từ những ngày còn trẻ tuổi. Tuy nhiên, để hoạt động này có hiệu quả thì không chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng mà toàn xã hội phải cùng “xắn tay” lo liệu.

Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy pháp luật

PGS.TS. Chu Hồng Thanh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) – cho biết, kết quả rõ nét nhất và cũng là một trong nhiều điểm mới trong việc thực hiện chủ trương XHH công tác PBGDPL những năm qua là việc đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, sách giáo khoa các môn học liên quan đến pháp luật ở các cấp học. Những năm qua, các cơ sở đào tạo cử nhân luật đã liên tục cập nhật nội dung cho giáo trình, bài giảng để phù hợp với thực tiễn phát triển của tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, ở cấp phổ thông, việc giảng dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) với nhiều nội dung pháp luật đã được thực hiện liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, bằng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh và ứng dụng công nghệ thông tin.

Để các nội dung cơ bản của những văn bản pháp luật cơ bản đến được với từng cán bộ, giáo viên và học sinh, Bộ GD&ĐT đã triển khai các hoạt động XHH công tác PBGDPL như phối hợp với Bộ Tư pháp và các đơn vị, cơ quan liên quan biên soạn, phát hành nhiều tài liệu PBGDPL phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các báo, tạp chí, website của Bộ… xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục PBGDPL về giáo dục. Ông Thanh cho biết, công tác này đặc biệt được tiến hành mạnh mẽ khi Luật Giáo dục được ban hành, khi ngành Giáo dục triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” và trước các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm. Nhờ đó, góp phần tuyên truyền pháp luật về giáo dục đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với việc triển khai các công việc của ngành.

Đến nay, Bộ GD&ĐT chưa có một cuộc đánh giá khoa học và chính xác về hiệu quả của hoạt động XHH công tác PBGDPL đối với hoạt động của ngành, nhưng qua kiểm tra, nơi nào triển khai tốt XHH công tác PBGDPL thì tình hình ổn định hơn, hoạt động giáo dục được thực hiện dân chủ và sáng tạo hơn, thuận lợi hơn cho công tác quản lý, các hành vi vi phạm pháp luật và khiếu kiện trong ngành giảm. Theo ông Thanh, kết quả XHH công tác PBGDPL trong ngành giáo dục không chỉ thể hiện trong khuôn viên nhà trường mà còn có sức lan toả ra môi trường xã hội xung quanh, thể hiện tốt vai trò là trung tâm văn hoá của các cơ sở giáo dục.

Hạn chế vì thiếu nhân tài, vật lực

Dù vậy, hoạt động XHH công tác PBGDPL của ngành giáo dục còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân chính được đề cập đến là thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL và báo c áo viên pháp luật. Đội ngũ này không chỉ thiếu về số lượng mà còn hạn chế về trình độ chuyên môn do chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ một cách bài bản. Hiện tại mới có 22% cán bộ pháp chế tại các sở GD&ĐT, 37% cán bộ pháp chế tại các trường đại học, cao đẳng có trình độ cử nhân luật trở lên.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn pháp luật, môn GDCD còn thiếu nên tình trạng dạy không đúng chuyên môn còn phổ biến. Tính đến tháng 3/2006, cả nước có 16 cơ sở đào tạo ngành luật với tổng số giảng viên là 887 người (667 giảng viên cơ hữu, 220 giảng viên thỉnh giảng). Nhưng để đảm bảo việc đào tạo pháp luật cho gần 43.000 sinh viên thì đội ngũ giáo viên cần được bổ sung khoảng 350 giảng viên. Đội ngũ giảng viên pháp luật tại 288 trường trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tính đến tháng 3/2007 có 1.077 người, trong đó mới có 51,6% được đào tạo từ các ngành luật; còn phần lớn các giáo viên môn GDCD ở các cấp phổ thông chưa được đào tạo đúng ngành. Ngay ở Hà Nội mới chỉ có 64 giáo viên dạy GDCD cấp trung học cơ sở được đào tạo đúng chuyên ngành còn 4.235 giáo viên dạy môn GDCD là giáo viên kiêm nhiệm.

Trong khi đó việc bổ sung đội ngũ này gặp không ít khó khăn vì nguồn ngân sách dành cho công tác PBGDPL trong nhà trường hết sức eo hẹp. Hầu hết các sở, trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chưa bố trí được kinh phí cho hoạt động PBGDPL để chủ động tiến hành các hoạt động liên quan. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn kinh phí khác cho hoạt động PBGDPL của ngành giáo dục còn có chưa có cơ chế rõ ràng.

Điều đó cho thấy, để bức tranh PBGDPL của ngành giáo dục có được nhiều mảng sáng hơn thì không thể chậm trễ thực hiện XHH công tác PBGDPL. Và những kết quả qua 3 năm ngành giáo dục thực hiện chủ trương XHH công tác PBGDPL mới chỉ là những bước khởi đầu cho cả một quá trình lâu dài, với đòi hỏi có sự quan tâm của toàn xã hội cho công tác PBGDPL trong lĩnh vực “trồng người”./.

Huy Long