Thái Bình: Ban hành kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2008- 2012

03/07/2008
Vừa qua, thực hiện Nghị quyết 61/NQ-CP ngày tháng 12 năm 2007 về và Quyết định số 37/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012. UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch số 18/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012. Theo đó:

+ Mục tiêu từ nay đến năm 2012: Có từ 80-90% người dân trong tỉnh được tuyên truyền pháp luật chung và các văn bản pháp luật chuyên ngành; Từ 95% cán bộ, công chức, viên chức trở lên được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình; 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân và người lao động; 100% cán bộ , chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân được trang bị kiến thức pháp luật về an ninh quốc phòng và các quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ và 95% thanh thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan trực tiếp tới đối tượng này.

+ Đối tượng và các văn bản pháp luật cần tập trung tuyên truyền là: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; thanh thiếu niên; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung tuyên truyền văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống cán bộ nhân dân và những văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ban hành. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống các tệ nạn xã hội; an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở... tổ chức cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật mới chuẩn bị được Quốc hội thông qua. Kết hợp giữa việc phổ biến trên diện rộng với việc phổ biến chuyên sâu có trọng tâm, trọng điểm, với mỗi đối tượng cần tập trung phổ biến những nội dung pháp luật phù hợp như:

- Nội dung chung cho các tầng lớp nhân dân: Tiếp tục phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, nhất là các quy định của pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, lao động việc làm, bảo vệ môi trường, pháp luật về an toàn giao thông, các chính sách chế độ mà người dân được hưởng, các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với đặc thù địa bàn nông thôn, thành thị. Trong đó chú trọng phổ biến và hướng dẫn nhân dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ cụ thể theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

- Đối với cán bộ, công chức cần phổ biến, quán triệt, học tập các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí, hội nhập kinh tế, quốc tế; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; các quy định về cải cách hành chính, chú trọng các quy định pháp luật chuyên ngành gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, công chức.

- Đối với cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang: Kết hợp giữa việc phổ biến những nội dung cơ bản của pháp luật về quốc phòng, an ninh với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các quan điểm, tư tưởng về xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Các văn bản quản lý hành chính, kinh tế – xã hội liên quan đến vị trí công tác đang đảm nhiệm, địa bàn đóng quân với việc tập huấn chuyên sâu những văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực công tác, nghiệp vụ chuyên môn của mình: Trình tự, thủ tục thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, xuất nhập cảnh, giao thông, trật tự an toàn xã hội.

- Đối với người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp, làng nghề: Phổ biến chuyên sâu  quy định của Bộ luật lao động, Luật Công đoàn, về các lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn, thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động...

+ Tuỳ từng đối tượng và nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, điều kiện cụ thể của các cấp, các ngành mà lựa chọn hình thức, biện pháp tuyên truyền cho phù hợp như tuyên truyền thông qua tổ chức hội nghị; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Thái Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn); qua việc biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền pháp luật (Bản tin Tư pháp Thái Bình, qua bản tin của các ngành thành viên...); tuyên truyền qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức thi viết, thi sân khấu hoá; tuyên truyền qua Tủ sách pháp luật; chú trọng, nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường ở các cấp học, bậc học; mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; củng cố, kiện toàn các tổ chức hoà giải ở các thôn làng, tổ dân phố. Nâng cao vai trò của hoà giải viên trong việc tham gia phổ biến và giáo dục pháp luật trong nhân dân; thông qua hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các mô hình câu lạc bộ như: Câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, Phụ nữ với pháp luật, Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, Câu lạc bộ phòng chống ma tuý… phát triển và nhân rộng thêm nhiều câu lạc bộ mới. Đưa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào là một trong những nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ này.

+ Để thực hiện việc kế hoạch đúng thời gian, tiến độ: UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp với các ngành thành viên triển khai tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm; Chủ động tham mưu đề nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức phổ biến những văn bản pháp luật mới được ban hành. Phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan thông tin, đại chúng trong tỉnh để phổ biến pháp luật. Chủ động biên soạn, in ấn, phát hành các loại ấn phẩm tuyên truyền pháp luật như Bản tin Tư pháp Thái Bình, tờ rơi, tờ gấp, sách giới thiệu pháp luật. Củng cố, kiện toàn và thường xuyên chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiến thức pháp luật cho tổ hoà giải ở cơ sở. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý kết hợp với công tác phổ biến pháp luật; Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về  Bộ Tư pháp, UBND tỉnh.

Đối với các cơ quan Báo, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả PBGD pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng như đăng tải thêm tin bài, tăng thời lượng phát sóng để đưa những nội dung pháp luật cơ bản đến đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh như: mở rộng chuyên mục, phỏng vấn, trả lời bạn nghe đài, xem truyền hình, tổ chức toạ đàm..

Các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án, quân sự. Ngoài việc tập huấn chuyên sâu những văn bản pháp luật chuyên ngành, chuyên môn cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, cần kết hợp với việc phổ biến đại trà những nội dung pháp luật chuyên ngành tới đông đảo tầng lớp nhân dân và vận động phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, toàn dân phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, xây dựng các tổ tự quản trong nhân dân. Tăng cường phổ biến thông qua xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, đưa ra truy tố, xét xử lưu động các vụ án điển hình, đặc biệt các vụ án về ma tuý, vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Đối với ngành tài chính, thuế cần chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành nội dung các văn bản pháp luật về Thuế; Luật Ngân sách … Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí kinh phí hợp lý bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo nội dung Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác PBGD pháp luật...

Nguyễn Ngọc Hiển