Điểm sáng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Nam Định

29/05/2008
Phường Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định là một trong những địa phương làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kể từ khi được chọn là 1 trong 3 đơn vị thực hiện điểm Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay”, được sự quan tâm của Đảng uỷ và chính quyền địa phương, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn phường Phan Đình Phùng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đảng uỷ phường đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo thực hiện chương trình PBGDPL giai đoạn 2003-2007, quán triệt nghị quyết đến đảng viên, do vậy đã nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó, UBND phường đã tổ chức thực hiện triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, biện pháp chủ yếu là: phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tham gia vào công tác này.  Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở phường Phan Đình Phùng rất coi trọng tính thiết thực và hiệu quả, từ đó xây dựng môi trường sống lành mạnh trong các tổ dân phố, trong từng gia đình, hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ việc làm đúng pháp luật, lên án các hành vi trái pháp luật.

Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật được tiến hành với nhiều hình thức phong phú đa dạng thiết thực phù hợp từng đối tượng, từng loại văn bản tài liệu, phù hợp hoàn cảnh, thời gian công tác, làm ăn sinh sống của cán bộ cơ sở và nhân dân; phường đã chú ý đến tính hệ thống, trình tự nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp thời điểm nội dung pháp luật các cơ quan thông tin đại chúng cấp trên tuyên truyền để bảo đảm tính kịp thời, thu hút được sự chú  ý của cán bộ, nhân dân.

Trong thời gian qua, một trong những yếu tố thúc đẩy công tác phổ biến pháp luật ở phường Phan Đình Phùng đạt hiệu quả cao là đã xây dựng được đội ngũ cán bộ nòng cốt ở cơ sở. Đảng uỷ, UBND phường xác định cấp uỷ, đảng viên cán bộ, công chức UBND phường, tổ trưởng, tổ phó, dân phố, cán bộ, chiến sỹ công an phường ban bảo vệ dân phố là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các thành viên câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật,, báo cáo viên chính trị của các chi bộ, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên các tổ dân phố, cán bộ các đoàn thể chính trị, xã hội (vốn là những người thường xuyên gần gũi nhân dân) cũng được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng nhiều hình thức…

 Thực hiện Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay”, UBND phường đã thành lập tổ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gồm có 5 thành viên đại diện cho các ngành: Mặt trận Tổ quốc, Cựu chiến binh, Hội phụ nữ hoặc thanh niên, cán bộ tư pháp. Tổ công tác làm nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, cung cấp tài liệu, tư vấn giải quyết công việc, hướng dẫn hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết chấp hành pháp luật và không vi phạm pháp luật…

Trong hai năm 2006 và 2007, tổ công tác “phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nhân dân ở cơ sở” đã tiến hành tổ chức gần 30 cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, cho gần 1.000 người; nội dung tuyên truyền tập trung vào những lĩnh vực: pháp luật về Hình sự, pháp luật về Dân sự, Đất đai, Hôn nhân- gia đình, bảo vệ môi trường và Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý Hộ tịch, pháp luật về Hành chính và giải quyết Khiếu nại - Tố cáo…Công chức Tư pháp  - Hộ tịch với tư cách là tổ trưởng tổ công tác đã chủ động thực hiện tốt việc phối hợp với các thành viên, tổ chức các cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng kế hoạch đã đề ra. Thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo cơ hội thuận lợi để mọi người tìm hiểu pháp luật và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Bên cạnh đó, đã chú trọng việc tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh với nội dung và thời gian thích hợp cho từng đối tượng nghe, vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn, xóm, đường phố an toàn; Khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, giới thiệu sách pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh, các bản tin khu dân cư, tổ chức trao đổi sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật với thư viện công, điểm bưu điện văn hoá xã hiệu quả, đưa sách pháp luật về thôn, xóm, tổ dân phố.

 Không chỉ dừng lại ở đó, phường còn khai thác có hiệu quả việc phổ biến pháp luật thông qua mô hình câu lạc bộ pháp luật. Đến nay phường đã có 5 câu lạc bộ tìm hiểu  pháp luật. Câu lạc bộ “tìm hiểu pháp luật” do UBND phường tổ chức và chỉ đạo hoạt động từ năm 2001 đến nay cho 150 hội viên là các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng phó các đoàn thể, các cán bộ hưu trí am hiểu về pháp luật trên địa bàn phường. Câu lạc bộ duy trì mỗi quý sinh hoạt 1 lần nghiên cứu phổ biến chính sách pháp luật do cán bộ phòng tư pháp, Sở Tư pháp hoặc một số cơ quan đến truyền đạt.  Câu lạc bộ “phụ nữ với pháp luật” thành lập từ năm 2005 sinh hoạt mỗi quý 1 lần và có 47 hội viên. Có 3 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”xây dựng ở chi hội phụ nữ với mục tiêu chủ yếu xây dựng gia đình có cuộc sống hạnh phúc không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Sự gương mẫu thực hiện pháp luật của cán bộ, đảng viên, thói quen sống và làm việc theo pháp luật của người dân, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn ổn định, vụ việc vi phạm pháp luật giảm chính là kết quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn phường Phan Đình Phùng, Nam Định./. 

Trần Hồng Nhung